Sau sáp nhập, đây là tỉnh trong top có quy mô kinh tế nhỏ nhất Việt Nam

Tỉnh mới được sáp nhập trên cơ sở hai tỉnh hiện tại.

Sau sáp nhập, đây là tỉnh trong top có quy mô kinh tế nhỏ nhất Việt Nam- Ảnh 1.

Theo nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4, tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, hợp nhất tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị, lấy tên là tỉnh Quảng Trị, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Quảng Bình hiện nay.

Theo đề án được UBND tỉnh Quảng Bình chủ trì xây dựng, trung tâm hành chính - chính trị sẽ đặt tại địa điểm hiện nay của tỉnh Quảng Bình. Tỉnh Quảng Trị (mới) sẽ có diện tích gần 12.700 km2, dân số trên 1,86 triệu người, gấp đôi tiêu chuẩn hiện hành đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh. Việc sáp nhập được xem là cụ thể hóa Nghị quyết 18-NQ/TW của Trung ương Đảng về tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Sau khi hợp nhất, tỉnh mới sẽ còn lại 78 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 5 phường và 36 xã từ Quảng Bình; 3 phường, 33 xã và 1 đặc khu từ Quảng Trị, theo Báo Người Lao Động.

Trước khi sáp nhập, hai tỉnh có tổng cộng 264 xã, phường, thị trấn (Quảng Bình 145, Quảng Trị 119). Tỉnh mới sẽ không tổ chức cấp huyện, giữ mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (tỉnh - xã).

Quảng Trị mới có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế

Hồi tháng 10 năm ngoái, Văn phòng Trung ương Đảng có thông báo về kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Trị. Trong đó, nhấn mạnh, Quảng Trị có rất nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển các ngành công nghiệp.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn tốc độ trung bình của cả nước; sức cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện; tình hình thu hút đầu tư, thu ngân sách, tạo việc làm đạt được nhiều kết quả tích cực; cơ sở hạ tầng ngày càng được đầu tư đồng bộ, hoàn thiện, nhất là hệ thống giao thông kết nối. Diện mạo thành thị, nông thôn có nhiều khởi sắc; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh.

Về tiềm năng phát triển, Tổng Bí Thư Tô Lâm kết luận, Quảng Trị có rất nhiều tiềm năng, lợi thế lớn. Thứ nhất, có hệ thống hạ tầng giao thông thuận lợi đang được triển khai thực hiện, có đầy đủ hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và sắp tới là đường hàng không (sau này thêm đường cao tốc) giúp tỉnh kết nối Bắc – Nam, Đông – Tây. Đây là lợi thế lớn để thu hút các nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư nước ngoài.

Sau sáp nhập, đây là tỉnh trong top có quy mô kinh tế nhỏ nhất Việt Nam- Ảnh 2.

Dự kiến sáp nhập tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, lấy tên là Quảng Trị. Trong ảnh, một góc tỉnh Quảng Trị.

Thứ hai, Quảng Trị có nguồn năng lượng sạch, nguồn năng lượng xanh dồi dào, dư địa cho phát triển nguồn năng lượng tái tạo còn nhiều. Thứ ba, diện tích đất chưa sử dụng còn nhiều, tuy khó phát triển nông nghiệp nhưng lại là lợi thế cho phát triển công nghiệp.

Ngoài ra, tỉnh cũng có nguồn tài nguyên rất đa dạng, phong phú (sắt, đồng, vàng, titan, vật liệu xây dựng, trữ lượng khí đốt, dầu mỏ có các mỏ khí Báo Vàng, Kèn Bầu…) để phát triển các ngành công nghiệp.

Năm 2024, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Quảng Trị ước tăng 5,97% so với năm 2023. Quy mô nền kinh tế ước đạt 53.508 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người ước đạt 81,2 triệu đồng, tăng 9,14% so với năm 2023.

Theo Cổng thông tin Quảng Bình, Quảng Bình có cảng hàng không Đồng Hới, cảng biển nước sâu Hòn La, là nơi giao thoa của các tuyến giao thông huyết mạch như QL1A, Đường Hồ Chí Minh, QL12A qua cửa khẩu Quốc tế Cha Lo là tuyến đường ngắn nhất hành lang kinh tế Đông-Tây nối 3 nước Việt Nam- Lào-Thái Lan.

Quảng Bình có nhiều loại khoáng sản như vàng, sắt, titan, pyrit, chì, kẽm... và một số khoáng sản phi kim loại như cao lanh, cát thạch anh, đá vôi, đá mable, đá granit... Trong đó, đá vôi và cao lanh có trữ lượng lớn, đủ điều kiện để phát triển công nghiệp xi măng và vật liệu xây dựng với quy mô lớn.

Về biển, đường bờ biển dài trên 116km, với 5 cửa sông, Quảng Bình có vùng mặt nước có khả năng nuôi trồng thuỷ sản khá lớn, có thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế rộng trên 2 vạn km2 với rất nhiều cơ hội cho khai thác, chế biến hải sản; cùng với đó, là điều kiện rất thuận lợi để phát triển các dự án ven bờ, thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi.

Năm 2024, ước tính tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Bình (GRDP) tăng 7,18% so với năm 2023. Quy mô GRDP năm 2024 (theo giá hiện hành) đạt 60.179,5 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 65,1 triệu đồng.

Theo thống kê của VnExpress, sau sắp xếp, tỉnh Quảng Trị (mới) nằm trong 10 địa phương cấp tỉnh có quy mô kinh tế nhỏ nhất Việt Nam.

Link nội dung: https://www.doanhnhanvatieudung.com/sau-sap-nhap-day-la-tinh-trong-top-co-quy-mo-kinh-te-nho-nhat-viet-nam-a125150.html