Nền tảng vững chắc cho sự phát triển
Năm 2024, Hà Giang bất ngờ vươn lên vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng những thị trấn nhỏ thu hút nhiều du khách quốc tế nhất, chỉ đứng sau ba cái tên đã quá quen thuộc là Sa Pa, Cát Bà và Côn Đảo.
Với những ai từng một lần đặt chân đến nơi địa đầu Tổ quốc, Hà Giang không đơn thuần là một điểm đến mà đó còn là hành trình chạm tới cảm xúc, là trải nghiệm đầy mê hoặc nơi núi non hùng vĩ hòa quyện cùng chiều sâu văn hóa và tâm hồn Việt.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, bà Vương Ngọc Hà – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, trong thời gian qua, tỉnh đã chủ động triển khai hàng loạt chính sách đồng bộ nhằm phát huy tối đa lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa đặc trưng.
“Những năm gần đây, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Giang đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển du lịch và bước đầu đạt được những kết quả quan trọng.
Du lịch Hà Giang ngày càng ghi dấu ấn rõ nét trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế, khẳng định vị thế của một địa phương giàu tiềm năng và thế mạnh phát triển bền vững”, bà Vương Ngọc Hà nhấn mạnh.
Bà Vương Ngọc Hà – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.
Theo bà Hà, Hà Giang liên tục xuất hiện trong các bảng xếp hạng danh giá do các tạp chí du lịch quốc tế bình chọn. The New York Times đã gọi tên Hà Giang là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất hành tinh.
Năm 2023, tỉnh được World Travel Awards vinh danh là “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á” và bước sang năm 2024, tiếp tục được xướng danh là “Điểm đến văn hóa hàng đầu khu vực”.
Chỉ trong năm 2024, Hà Giang đã đón hơn 3,2 triệu lượt khách – một con số ấn tượng, minh chứng cho sức hút ngày càng lan tỏa của vùng cao nguyên đá.
Quý I/2025, đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì với hơn 848.000 lượt khách, trong đó gần 108.000 lượt là khách quốc tế. Doanh thu du lịch ước đạt gần 2.300 tỷ đồng, mức tăng chưa từng có trong cùng kỳ những năm trước.
Vào tháng 3 vừa qua, anh Đặng Anh Tiến và chị Nguyễn Thị Mai cặp đôi đam mê du lịch trải nghiệm đã có dịp trở lại Hà Giang. Đây là lần thứ hai họ quay lại mảnh đất địa đầu Tổ quốc và lần này, Hà Giang vẫn khiến họ "nín thở" trước vẻ đẹp vượt xa mọi kỳ vọng.
Trong chuyến đi kéo dài 4 ngày, họ không chọn cách dừng chân vội vàng để ngắm cảnh hay chụp ảnh như nhiều du khách khác, mà quyết định sống cùng người dân bản địa, thưởng thức những bữa cơm giản dị và lắng nghe những câu chuyện đời thường nơi rẻo cao.
"Tôi đã đi qua nhiều vùng đất, nhưng Hà Giang là nơi hiếm hoi khiến tôi muốn quay lại nhiều lần. Không chỉ vì cảnh sắc choáng ngợp, mà còn bởi cảm giác gần gũi, ấm áp khi sống trong những nếp nhà trình tường, chia sẻ bữa cơm và lắng nghe những câu chuyện đời của đồng bào nơi đây.
Ở đây, thiên nhiên và con người hòa quyện, có những điều bạn không thể tìm thấy trên mạng, chỉ khi sống và cảm nhận bằng chính trái tim, bạn mới hiểu được chiều sâu văn hóa của vùng đất này", anh Tiến nói.
Dù đến đây nhiều lần, nhưng Hà Giang vẫn khiến nhiều du khách "nín thở" trước vẻ đẹp vượt xa mọi kỳ vọng (Ảnh: NVCC).
Dù ấn tượng sâu sắc với hành trình ở Hà Giang, chị Nguyễn Thị Mai vẫn cho rằng vùng đất này còn nhiều “điểm gợn” cần khắc phục trên hành trình trở thành điểm đến du lịch quốc tế.
“Hạ tầng ở nhiều bản làng còn khó tiếp cận, đặc biệt là sau mưa. Một số nơi chưa có hướng dẫn viên được đào tạo bài bản, trong khi du khách như tôi rất mong được nghe kể về phong tục, lễ hội, hay câu chuyện đằng sau mỗi nếp nhà trình tường.
Bên cạnh đó, tình trạng rác thải bắt đầu xuất hiện ở những điểm đông khách, đặc biệt vào mùa cao điểm, trong khi việc kiểm soát và xử lý vẫn còn lỏng lẻo”, chị Mai chia sẻ.
Cùng trong tháng 3, NSND Xuân Bắc - Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, đã cùng gần 2.000 người hát vang ca khúc "Hà Giang quê hương tôi" – một bài hát mộc mạc, giàu cảm xúc, thể hiện tinh thần văn hóa đặc trưng của vùng cao nguyên đá.
NSND Xuân Bắc - Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Ảnh: Kim Thoa).
Theo vị Cục trưởng, Hà Giang sở hữu đầy đủ chất liệu để trở thành nguồn cảm hứng nghệ thuật, từ thiên nhiên kỳ vĩ, chiều sâu văn hóa đến con người mến khách.
Dù đã có không ít bộ phim chọn nơi đây làm bối cảnh, ông vẫn khẳng định: “Hà Giang xứng đáng xuất hiện nhiều hơn nữa trên bản đồ văn hóa nghệ thuật Việt Nam”.
Tuy nhiên, để chạm tới tầm vóc mới, điều Hà Giang cần không chỉ là cảnh đẹp hay bản sắc, mà là cú hích từ hạ tầng "để khi đến Hà Giang, một nơi 'xa', du khách không còn cảm thấy 'xôi'”, anh hài hước chia sẻ.
Chìa khóa để Hà Giang bứt phá
Đồng quan điểm trên, nhiều chuyên gia du lịch cho rằng bên cạnh hạ tầng, tỉnh cần đẩy mạnh nhận diện thương hiệu và chuyển đổi số một cách chiến lược.
Ông Nguyễn Quyết Tâm – Chuyên gia về huyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, Chủ tịch HĐQT Công ty CP VietISO nhấn mạnh, để thực sự phát huy giá trị của danh hiệu "Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á", Hà Giang nên xây dựng một bộ nhận diện thương hiệu du lịch riêng biệt, nhất quán và dễ nhận diện trên môi trường số.
Cùng với đó là việc phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, bao gồm: cổng thông tin tích hợp bản đồ số, AI, ứng dụng AR/VR, hệ thống đặt dịch vụ trực tuyến... nhằm tạo dựng một cơ sở dữ liệu du lịch hoàn chỉnh, tăng khả năng tiếp cận, tương tác và chi tiêu của du khách.
“Việc hiện diện đúng cách trên không gian số không chỉ giúp Hà Giang gần gũi và nổi bật hơn trong mắt du khách quốc tế, mà còn tạo động lực để cả hệ sinh thái du lịch địa phương chuyển mình mạnh mẽ”, ông Tâm nhấn mạnh.
Các chuyên gia và doanh nghiệp du lịch đều cho rằng, Hà Giang cần thực hiện các giải pháp để tăng cường nhận diện thương hiệu, đẩy mạnh chuyển đổi số và hướng đến phát triển du lịch bền vững.
Ở góc nhìn của một người gắn bó lâu năm với ngành du lịch, ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định, danh hiệu "Điểm đến văn hoá hàng đầu châu Á" là niềm tự hào xứng đáng dành cho Hà Giang, nhưng đồng thời cũng là một thử thách lớn trên hành trình khẳng định vị thế bền vững.
"Việc xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa không thể làm theo lối mòn hay chắp vá, mà đòi hỏi sự đầu tư bài bản, sáng tạo không ngừng và sự thấu hiểu sâu sắc đời sống văn hoá bản địa. Đó là công việc của những người thực sự tâm huyết và bản lĩnh", ông Bình chia sẻ.
Ông Bình cho biết thêm, với mạng lưới hơn 17.000 doanh nghiệp hội viên, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẵn sàng đồng hành cùng Hà Giang để hình thành những sản phẩm du lịch độc đáo, mang tính biểu tượng, gắn kết chặt chẽ với không gian sống và di sản văn hoá của các cộng đồng dân tộc trên cao nguyên đá.
Trên cương vị quản lý địa phương, bà Vương Ngọc Hà nhấn mạnh quyết tâm sẽ đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo bà, để hiện thực hóa mục tiêu đó, Hà Giang đang triển khai 5 nhóm giải pháp chiến lược đó là hoàn thiện hạ tầng – thu hút đầu tư; phát triển sản phẩm đặc trưng; quản lý điểm đến gắn với bảo tồn tài nguyên và môi trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh truyền thông – xúc tiến quảng bá một cách bài bản và sáng tạo.
Lãnh đạo tỉnh Hà Giang bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, Hiệp hội Du lịch Việt Nam trong việc định hướng chiến lược phát triển, kết nối hệ thống lữ hành và quảng bá hình ảnh Hà Giang đến rộng rãi hơn với du khách.
Tỉnh cũng kỳ vọng các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và cơ quan truyền thông sẽ tiếp tục đồng hành, chia sẻ kinh nghiệm, chung tay lan tỏa vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ và giá trị văn hóa đặc sắc của Hà Giang ra cả trong nước lẫn quốc tế.
“Tỉnh Hà Giang cam kết mở rộng hợp tác, đồng hành cùng các đối tác trong và ngoài nước để xây dựng nền du lịch bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng và doanh nghiệp”, bà Vương Ngọc Hà nhấn mạnh.
Link nội dung: https://www.doanhnhanvatieudung.com/ha-giang-lam-gi-de-giu-vung-danh-hieu-va-phat-trien-xung-tam-a125455.html