Loạt phương án tránh bỏ hoang, lãng phí nhà đất công dôi dư sau sáp nhập

Chuyên gia đề xuất thành lập một Ủy ban chuyên trách quản lý bất động sản công với đầy đủ thẩm quyền, chịu trách nhiệm thống kê, giám sát và ra quyết định đối với việc sử dụng, thanh lý hoặc đấu giá các tài sản công dư thừa sau sáp nhập để tránh thất thoát và lãng phí.

Đề xuất thành lập Ủy ban chuyên trách về bất động sản công

Sau khi thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính theo chủ trương tinh gọn bộ máy, một lượng lớn bất động sản công - gồm trụ sở, đất đai , tài sản nhà nước... đang đứng trước nguy cơ bị lãng phí, sử dụng kém hiệu quả nếu không có cơ chế quản lý rõ ràng, minh bạch.

Về vấn đề này, trao đổi với PV Tiền Phong, GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) - cho rằng, việc tái cơ cấu các đơn vị hành chính là cần thiết và phù hợp với định hướng đổi mới bộ máy. Tuy nhiên, một hệ lụy kèm theo là sự dư thừa về trụ sở, tài sản công sau khi các cơ quan hành chính bị giải thể hoặc hợp nhất.

Loạt phương án tránh bỏ hoang, lãng phí nhà đất công dôi dư sau sáp nhập- Ảnh 1.

GS. Đặng Hùng Võ.

"Các tài sản công dôi dư sau khi sắp xếp bộ máy không phải là vấn đề mới phát sinh. Vì từ khi nước ta chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường (từ năm 1986) đã có một lượng lớn tài sản công dôi dư ra. Đến năm 2001, Thủ tướng có quyết định về việc sắp xếp lại việc sử dụng đất trong khu vực công. Quyết định này được thí điểm tại TPHCM, 5 năm sau Thủ tướng ra quyết định áp dụng trên phạm vi cả nước. Lúc này tài sản công đã bị biến báo, thất thoát rất nhiều rồi", ông Võ nói.

Theo ông Võ, trước đây, các tài sản công đã từng được xử lý bằng cách cổ phần hóa cho doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp. Tuy nhiên thực tế đã chứng minh việc này không hiệu quả, gây thất thoát lớn.

“Hiện nay, cơ chế quản lý tài sản công vẫn còn phân tán, thiếu rõ ràng. Có những tài sản do cấp trung ương sử dụng nhưng lại nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố - nơi được giao quyền quản lý. Vậy đơn vị tỉnh, thành phố nào dám yêu cầu cơ quan cấp trung ương phải bàn giao lại đất công?”, ông Võ đặt vấn đề.

Ông Võ cũng cho rằng, nếu không có sự phối hợp đồng bộ và cơ chế sử dụng hiệu quả, hàng trăm tòa nhà cũ sẽ rơi vào tình trạng bỏ hoang, xuống cấp, hoặc thậm chí bị lợi dụng để chuyển nhượng không minh bạch, gây thất thoát tài sản nhà nước.

Để tránh thất thoát và sử dụng lãng phí, ông Võ đề xuất thành lập một Ủy ban chuyên trách quản lý bất động sản công với đầy đủ thẩm quyền, chịu trách nhiệm thống kê, giám sát và ra quyết định đối với việc sử dụng, thanh lý hoặc đấu giá các tài sản công dư thừa sau sáp nhập.

"Quyền quyết định cuối cùng nên thuộc về Chính phủ, không thể để tình trạng trung ương sử dụng, địa phương quản lý, rồi không ai dám xử lý", ông Võ nhấn mạnh và cho biết, việc thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất công có thể trở thành một nguồn lực lớn nếu được quản lý minh bạch, công khai qua các hình thức đấu giá, đấu thầu. Đây không chỉ là giải pháp sử dụng hiệu quả tài sản công, mà còn là nguồn thu đáng kể cho ngân sách.

Quy hoạch lại quỹ nhà đất công dôi dư, ưu tiên cho mục đích công cộng

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) - cho rằng, để sử dụng hiệu quả quỹ nhà đất dôi dư sau sáp nhập phải thực hiện quy hoạch lại quỹ nhà đất này. Trên cơ sở quy hoạch đó, đầu tiên phải ưu tiên quỹ đất phục vụ lợi ích công cộng (y tế, giáo dục, công viên, cây xanh…). Tiếp đến, là ưu tiên bố trí quỹ nhà đất dôi dư dự án nhà tái định cư phục vụ cho các công trình trọng điểm hiện nay đang cần quỹ nhà tái định cư này, như các dự án đầu tư công, dự án PPP, các dự án đầu tư tư nhân để phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông.

Loạt phương án tránh bỏ hoang, lãng phí nhà đất công dôi dư sau sáp nhập- Ảnh 2.

Một tòa nhà thuộc tài sản công bị bỏ hoang tại Hà Nội.

Bên cạnh đó, ưu tiên phát triển dự án nhà ở xã hội tại các địa phương. Quy hoạch phát triển nhà ở thương mại giá rẻ để thực hiện Nghị quyết thí điểm 171 của Quốc hội cho phép sử dụng đất khác không phải là đất ở để làm dự án nhà ở thương mại.

“Để thực hiện hiệu quả, khi phê duyệt dự án thậm chí có thể giao cho doanh nghiệp nhà nước thực hiện giúp cấu trúc lại thị trường bất động sản đang mất cân đối hiện nay”, ông Châu nói.

Ngoài ra, theo ông Châu, tại những vị trí đắc địa đưa ra đấu giá công khai tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, góp phần kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, công bằng, lành mạnh.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, đến cuối năm 2024, có 11.034 cơ sở nhà đất công không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích. Vào tháng 2/2025, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản hướng dẫn xử lý tài sản công khi thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy. Tiếp đó, ngày 15/4/2025, Bộ Tài chính tiếp tục có Văn bản hướng dẫn bổ sung việc sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để chỉ đạo việc rà soát, giao nhiệm vụ quản lý đối với quỹ nhà đất chuyên dùng, quỹ nhà đất dôi dư của các địa phương...

Link nội dung: https://www.doanhnhanvatieudung.com/loat-phuong-an-tranh-bo-hoang-lang-phi-nha-dat-cong-doi-du-sau-sap-nhap-a125823.html