Dự án 194.000 tỷ đồng tạo 90.000 việc làm nhận chỉ đạo quan trọng từ Thủ tướng ngay dịp nghỉ Lễ 30/4, 1/5

Tuyến đường sắt đi qua 9 tỉnh, thành phấn đấu khởi công vào ngày 19/12.

Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được đề xuất đầu tư với tổng chiều dài hơn 403km, đi qua 9 tỉnh, thành phố, gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.

Điểm đầu tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa Ga Lào Cai mới và Ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc), thuộc địa phận thành phố Lào Cai. Điểm cuối tại khu bến Lạch Huyện, thuộc địa phận thành phố Hải Phòng. Tính toán sơ bộ, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 194.929 tỷ đồng (tương đương khoảng hơn 8 tỷ USD).

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 54/CĐ-TTg ngày 30/4/2025 về việc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, Ngoại giao, Nông nghiệp và Môi trường, Tài chính; Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 49-KL/TW ngày 28 tháng 02 năm 2023 của Bộ Chính trị và các quy hoạch phát triển giao thông vận tải đã khẳng định đường sắt là một trong những lĩnh vực vận tải cần ưu tiên đầu tư. Đây là phương thức vận tải có nhiều ưu điểm, vận tải khối lượng lớn, nhanh, chi phí rẻ, an toàn, bảo vệ môi trường có khả năng kết nối rộng và xuyên quốc gia… Vì vậy, việc phát triển hệ thống đường sắt có vai trò then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội, kết nối vùng miền và thúc đẩy hội nhập quốc tế.

Tại Kết luận số 72-KL/TW ngày 23 tháng 2 năm 2024, Bộ Chính trị yêu cầu "ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thành tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng...". Để hiện thực hóa chủ trương đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đề ra, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 187/2025/QH15 về chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (sau đây gọi tắt là Dự án); Chính phủ đang xây dựng Nghị quyết triển khai Nghị quyết 187/2025/QH15 của Quốc hội, trong đó yêu cầu khởi công Dự án trong năm 2025. Ngày 14 tháng 4 năm 2025, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Công thư trao đổi về việc Trung Quốc hỗ trợ kỹ thuật lập Báo cáo nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Để bảo đảm mục tiêu khởi công, hoàn thành Dự án đúng tiến độ trong năm 2025; với tinh thần của những ngày tháng 4 lịch sử "thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa", Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nơi dự án đi qua khẩn trương, nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ.

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ động làm việc với các địa phương để bàn giao tọa độ tim tuyến và ranh giải phóng mặt bằng làm cơ sở cho các địa phương triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, khảo sát thiết kế lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, hoàn thành trong tháng 6 năm 2025.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ đạo các Ban Quản lý dự án, đơn vị tư vấn tăng cường nhân lực, tổ chức triển khai song song, đồng thời các công việc lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng sau thiết kế cơ sở, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và các thủ tục khác của Dự án (kiên quyết không để việc sau chờ việc trước), với tinh thần làm việc "làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm", làm việc "xuyên lễ, xuyên tết, xuyên ngày nghỉ", hoàn thành các thủ tục, khởi công dự án vào ngày 19/12/2025. Trường hợp cần thiết huy động nhân lực từ Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Thành phố Hà Nội để tăng cường, hỗ trợ trong quá trình tổ chức thực hiện.

Theo Bộ Tài chính, mục tiêu đầu tư xây dựng tuyến đường sắt này nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa, liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc; góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, giảm ô nhiễm môi trường, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Việc đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng tạo ra thị trường xây dựng với giá trị khoảng 4,4 tỷ USD, ước tính tạo ra khoảng 90.000 việc làm trong thời gian xây dựng và khoảng 2.500 việc làm lâu dài trong quá trình vận hành, khai thác.

Cùng với đó, phát triển phương thức vận tải bền vững, hiện đại, thân thiện góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và là giải pháp tối ưu chuyển đổi phương thức vận tải góp phần đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị COP26.

Link nội dung: https://www.doanhnhanvatieudung.com/du-an-194000-ty-dong-tao-90000-viec-lam-nhan-chi-dao-quan-trong-tu-thu-tuong-ngay-dip-nghi-le-304-15-a126040.html