Đề xuất tăng mức xử phạt hàng loạt vi phạm: Các lĩnh vực nào có mức phạt lên đến 1 tỷ đồng?

Ở lĩnh vực giao thông đường bộ, mức phạt tối đa được đề xuất nâng từ 75 triệu đồng lên 150 triệu đồng.

Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Dự luật dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 tới (khai mạc ngày 5/5).

Báo cáo tại phiên họp thứ 44 hôm 28/4 trước đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 64/143 điều, bãi bỏ 16 điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và bổ sung mới 01 điều.

Bộ trưởng cho biết, dự thảo Luật dự kiến tăng mức phạt tiền tối đa so với quy định hiện hành trong một số lĩnh vực như phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; an ninh trật tự, an toàn xã hội; giao thông đường bộ; đê điều; phòng, chống thiên tai; an ninh mạng; an toàn thông tin mạng.

Trong đó, ở lĩnh vực giao thông đường bộ, mức phạt tối đa được đề xuất nâng từ 75 triệu đồng lên 150 triệu đồng.

Chính phủ đề xuất bổ sung xử lý vi phạm lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với mức tiền phạt tối đa là 30 triệu đồng.

Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành quy định mức phạt tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ là 75 triệu đồng nhưng luật sửa đổi đề xuất nâng cao gấp đôi, lên mức 150 triệu đồng. Vi phạm trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ hiện có mức phạt tối đa là 50 triệu đồng, còn luật sửa đổi đề xuất tăng mức phạt cao gấp 4 lần, lên mức 200 triệu đồng.

Đề xuất tăng mức xử phạt hàng loạt vi phạm: Các lĩnh vực nào có mức phạt lên đến 1 tỷ đồng?- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh - Ảnh: VGP

Ngoài ra, lĩnh vực an ninh mạng, an toàn thông tin mạng cũng tăng gấp 2 lần từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng. Lĩnh vực đê điều tăng từ 100 triệu đồng lên 250 triệu đồng.

Mức phạt tiền đến 500 triệu đồng được đề xuất áp dụng với các lĩnh vực xây dựng (bao gồm quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị); lâm nghiệp; đất đai; thị trường bất động sản; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo. 

Đặc biệt, mức phạt tiền đến 1 tỷ đồng được đề xuất với các lĩnh vực: quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa của Việt Nam; quản lý hạt nhân và chất phóng xạ, năng lượng nguyên tử; tiền tệ, kim loại quý, đá quý, ngân hàng, tín dụng; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; thủy sản.

Theo Chính phủ, việc này nhằm tăng tính răn đe, phòng ngừa tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả nghiêm trọng của hành vi vi phạm, đáp ứng yêu cầu cấp bách cần tăng cường quản lý nhà nước trong những lĩnh vực “nóng”, xảy ra nhiều hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân trong thời gian qua.

Về thời hiệu xử lý vi phạm hành chính, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành việc tăng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến để khắc phục vướng mắc thời gian qua và việc bổ sung thời hiệu xử phạt đối với vi phạm về giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để thực hiện yêu cầu của cấp có thẩm quyền. 

Đồng thời, đề nghị không sửa đổi quy định về thời hiệu xử phạt đối với vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ tăng từ 01 năm lên 03 năm.


Link nội dung: https://www.doanhnhanvatieudung.com/de-xuat-tang-muc-xu-phat-hang-loat-vi-pham-cac-linh-vuc-nao-co-muc-phat-len-den-1-ty-dong-a126195.html