Hà Nội đón hơn 875.000 lượt khách, thu về trên 3.000 tỷ đồng sau 5 ngày nghỉ lễ

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Hà Nội đón gần 875.000 lượt khách, tổng thu đạt 3.150 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, khẳng định vị thế điểm đến an toàn, hấp dẫn và đậm đà bản sắc văn hóa.

Du lịch Hà Nội "bứt tốc" dịp lễ 30/4 và 1/5

Trong kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày (từ 30-4 đến 4-5-2025), Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến "an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn" khi đón lượng du khách tăng trưởng ấn tượng, vượt xa cùng kỳ năm trước.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, toàn thành phố ước đón hơn 875 nghìn lượt khách, tăng gần 19% so với kỳ nghỉ lễ năm 2024. Trong đó, lượng khách quốc tế đạt hơn 136 nghìn lượt, tăng mạnh 55,35%; khách nội địa đạt khoảng 739 nghìn lượt, tăng 13,69%. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 3.150 tỷ đồng, tăng trưởng ấn tượng 25,21% so với cùng kỳ.

Các điểm đến nổi bật tại khu vực trung tâm Thủ đô liên tục đón dòng người tấp nập. Vườn thú Hà Nội ghi nhận lượng khách "khủng" với hơn 88.000 lượt.

Hà Nội đón hơn 875.000 lượt khách, thu về trên 3.000 tỷ đồng sau 5 ngày nghỉ lễ- Ảnh 1.

Vườn thú Hà Nội đã thu hút lượng lớn khách tham quan, dòng người nườm nượp xếp hàng chờ lấy vé vào cửa.

Di tích Hỏa Lò đón khoảng 35.000 lượt; Văn Miếu - Quốc Tử Giám gần 28.000 lượt; Hoàng thành Thăng Long vượt 30.000 lượt. Bảo tàng Dân tộc học – điểm đến mang giá trị văn hóa sâu sắc – cũng đón gần 8.300 lượt khách.

Không chỉ khu vực nội đô, các điểm du lịch ngoại thành Hà Nội cũng "bừng sáng" trong kỳ nghỉ. Khu du lịch Hồng Vân, gắn với Lễ hội Tình yêu 2025, dẫn đầu với gần 100.000 lượt khách. 

Các điểm hút khách khác có thể kể đến như Thiên đường Bảo Sơn (27.100 lượt), Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (22.000 lượt), Phù Đổng với Tuần lễ hội Gióng (trên 20.000 lượt), Bát Tràng (10.000 lượt), Ao Vua (10.129 lượt), Ba Vì (gần 13.800 lượt), Dương Xá (6.200 lượt) và Đường Lâm cổ kính (khoảng 4.500 lượt).

Hoạt động lưu trú cũng ghi nhận mức tăng trưởng khả quan. Các khách sạn 4-5 sao và khu căn hộ cao cấp có công suất phòng trung bình đạt gần 70%, tăng 9,27% so với năm trước. Một số khách sạn đạt công suất cao nổi bật gồm: Somerset Grand Hanoi (99%), Sofitel Legend Metropole (88,3%), Fraser Suites (88%), Apricot (84%).

Không khí lễ hội rộn ràng cũng lan tỏa tới các trung tâm thương mại, khu mua sắm, vui chơi, giải trí và ẩm thực khắp Thủ đô, với lượng khách và doanh thu đều tăng cao. Nhiều cửa hàng, nhà hàng, quán cà phê ghi nhận doanh số tăng gấp rưỡi so với ngày thường.

Đáng chú ý, các đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú và du lịch đều chấp hành nghiêm các quy định về an ninh, an toàn, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh thực phẩm và môi trường, bảo đảm phục vụ du khách trong điều kiện tốt nhất.

Nhiều trải nghiệm mới lạ, đặc sắc hút du khách

Trong không khí thiêng liêng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Hà Nội đã trở thành tâm điểm của chuỗi hoạt động văn hóa – du lịch đặc sắc, thu hút hàng vạn du khách đổ về Thủ đô trải nghiệm, khám phá.

Từ trung tâm đến ngoại thành, các khu, điểm du lịch đều đồng loạt "khoác áo mới" với những chương trình trưng bày chuyên đề, triển lãm, sự kiện nghệ thuật sôi động, giàu bản sắc. 

Tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây), hai sự kiện lớn: "Sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam" và "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025" diễn ra xuyên suốt từ đầu tháng 4 đến đầu tháng 5 đã thực sự trở thành điểm nhấn, mang đến không gian hội tụ sắc màu văn hóa truyền thống đa dạng của 54 dân tộc anh em.

Hà Nội đón hơn 875.000 lượt khách, thu về trên 3.000 tỷ đồng sau 5 ngày nghỉ lễ- Ảnh 2.

Nhiều trải nghiệm mới lạ, đặc sắc hút du khách trong dịp Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).

Phố cổ Hà Nội cũng chứng kiến làn sóng du khách trẻ tìm về khám phá các không gian nghệ thuật đương đại đậm chất thủ công, gắn liền với bản sắc phố nghề. Các hoạt động nổi bật như triển lãm "Made of Tre" tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ, sắp đặt nghệ thuật "phố nghề Hàng Bạc" tại đình Kim Ngân, hay chuỗi workshop giới thiệu nghề khảm trai Chuyên Mỹ... đã biến khu phố cổ thành không gian nghệ thuật mở giữa lòng Thủ đô.

Các điểm di sản văn hóa trọng yếu cũng không đứng ngoài dòng chảy sáng tạo. Hoàng thành Thăng Long trở thành sân khấu trình diễn múa rối nước miễn phí phục vụ du khách trong không gian triển lãm "Con đường thống nhất". 

Tại biệt thự Pháp cổ 46 Hàng Bài, trưng bày "Khám phá di sản" đưa người xem du hành về Hà Nội xưa. Đặc biệt, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia mở cửa triển lãm "Non sông liền một dải" từ cuối tháng 4 đến hết tháng 8, là điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch yêu thích lịch sử - văn hóa.

Ở phía ngoại thành, các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, dã ngoại cũng "lên ngôi", đáp ứng nhu cầu thư giãn, tái tạo năng lượng trong kỳ nghỉ kéo dài 5 ngày. Những mô hình du lịch nông nghiệp, cộng đồng được đầu tư làm mới, kết hợp trải nghiệm – học tập, đang tạo dấu ấn với du khách trong và ngoài nước.

Phát triển công nghiệp văn hóa: Hà Nội cần cơ chế đột phá và đầu tư chiến lượcHơn 30.000 du khách khám phá văn hóa Hà Nội tại Lễ hội Quà tặng Du lịch 2025

Đánh giá tổng thể về mùa du lịch lễ 30/4 và 1/5 năm nay, bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội khẳng định: "Hoạt động du lịch diễn ra sôi động, an toàn, chất lượng và hấp dẫn. 

Các điểm đến đều được chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ; công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường được triển khai đồng bộ".

Theo bà Giang, các đoàn kiểm tra chuyên ngành đã được triển khai trước và trong kỳ nghỉ lễ. Ghi nhận cho thấy, các điểm du lịch, khu vui chơi, cơ sở lưu trú đều thực hiện nghiêm quy định pháp luật, không xảy ra tình trạng chèo kéo, hàng rong, hay hiện tượng mất an ninh trật tự. 

Công tác tổ chức trông giữ phương tiện được phân luồng hợp lý, tránh ùn tắc, tạo điều kiện thuận lợi cho dòng khách đổ về Thủ đô.

Link nội dung: https://www.doanhnhanvatieudung.com/ha-noi-don-hon-875000-luot-khach-thu-ve-tren-3000-ty-dong-sau-5-ngay-nghi-le-a126366.html