Tỉnh sát vách TP.HCM sắp có 'siêu' đường sắt kết nối 5 thành phố và 1 huyện, tổng mức đầu tư khoảng 60.000 tỷ đồng

Theo đó, tuyến đường sắt mà tỉnh Bình Dương dự kiến đầu tư sẽ đi qua địa bàn các thành phố gồm: Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên, Thủ Dầu Một, Bến Cát và huyện Bàu Bàng.

Ngày 1/5, theo hướng đơn vị tư vấn, về hướng tuyến, vị trí ga tuyến đường sắt từ ga Bàu Bàng đến ga An Bình cơ bản cập nhật trên cơ sở tuyến đường sắt quốc gia TP.HCM - Lộc Ninh đã được Thủ tướng phê duyệt và quy hoạch chi tiết đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM.

Về quy mô tuyến, điểm đầu tuyến là ga An Bình (phường Dĩ An, TP Dĩ An), điểm cuối tuyến là ga Bàu Bàng (thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng). Chiều dài toàn tuyến đường sắt khoảng 52,25 km, bố trí 10 ga; quy hoạch tuyến đường đôi khổ 1.435 mm.

Loại hình đường sắt vận chuyển hành khách và hàng hoá. Tuyến đường sắt đi qua địa bàn các thành phố gồm: Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên, Thủ Dầu Một, Bến Cát và huyện Bàu Bàng.

Về hướng tuyến, từ ga An Bình đi song song về bên trái đường Mỹ Phước Tân Vạn, đến khu vực Bình Chuẩn, rẽ phải đi về phía Đông TP Thủ Dầu Một, sau đó đi về phía Tây Khu công nghiệp VSIP II về điểm cuối ga Bàu Bàng.

Theo cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Dương, hướng tuyến, vị trí ga của tuyến đường sắt từ ga Bàu Bàng đến ga An Bình đã được quy hoạch và cập nhật trên cơ sở tuyến đường sắt quốc gia TPHCM - Lộc Ninh được Thủ tướng phê duyệt.

Hiện dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi. Các sở ngành phối hợp đơn vị tư vấn đang xác định số lượng cầu vượt, hầm chui trên tuyến. Rà soát điều chỉnh quy hoạch của các địa phương để hoàn chỉnh hướng tuyến.

Tại buổi làm việc với các đơn vị, địa phương vào ngày 29/4, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh yêu cầu xác định số lượng cầu vượt, hầm chui trên tuyến để đưa vào phương án các nút giao trong báo cáo tiền khả thi. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát điều chỉnh quy hoạch của các địa phương để hoàn chỉnh hướng tuyến.

Bên cạnh đó, ông cũng chỉ đạo đơn vị tư vấn sớm hoàn thành báo cáo phương án tài chính, lựa chọn công nghệ và hình thức đầu tư cho tuyến đường sắt này.

Dự án dự kiến sử dụng bằng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) hoặc đối tác công - tư (PPP). Tổng mức đầu tư dự kiến là khoảng 60.000 tỷ đồng; trong đó chi phí giải phóng mặt bằng chiếm trên 20.000 tỷ đồng, chi phí xây dựng khoảng 17.000 tỷ đồng, chi phí thiết bị 8.000 tỷ đồng, các chi phí còn lại khoảng 14.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, nếu công tác chuẩn bị kịp thời, dự kiến công trình khởi công vào năm 2027. Mục tiêu đưa vào khai thác năm 2033.

Link nội dung: https://www.doanhnhanvatieudung.com/tinh-sat-vach-tphcm-sap-co-sieu-duong-sat-ket-noi-5-thanh-pho-va-1-huyen-tong-muc-dau-tu-khoang-60000-ty-dong-a126450.html