Dự thảo nghị định mới về xăng dầu: Lại lo nguy cơ sân sau, chuyển giá

Giá bán xăng dầu sẽ do thị trường quyết định, doanh nghiệp tự tính toán và công bố giá bán, Nhà nước chỉ can thiệp khi có biến động bất thường và doanh nghiệp phải thực hiện kết nối dữ liệu với cơ quan quản lý để thực hiện giám sát... là những điểm mới trong dự thảo Nghị định lần 6 về kinh doanh xăng dầu vừa được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến.

Các doanh nghiệp cho rằng, vẫn còn nhiều lỗ hổng cần xử lý để thị trường minh bạch hơn.

Giá xăng dầu sẽ do thị trường quyết định

Theo Dự thảo Nghị định mới, việc điều chỉnh giá bán xăng dầu sẽ hoàn toàn theo thị trường. Trường hợp mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường gây tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đánh giá mức độ biến động và có văn bản gửi Bộ Tài chính tổng hợp để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương bình ổn giá theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Giá . Nhà nước cũng sẽ can thiệp theo quy định của Luật Giá trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh và mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường.

Theo dự thảo mới, giá bán xăng dầu được tính bằng công thức: chi phí tạo nguồn + chi phí kinh doanh cộng + lợi nhuận cộng + Thuế giá trị gia tăng. Trong đó, chi phí tạo nguồn do doanh nghiệp tự xác định theo thực tế kinh doanh thay vì Bộ Công Thương áp khung giá như các dự thảo trước. Ngoài ra, chi phí kinh doanh được tính đầy đủ các chi phí lưu thông xăng dầu trong nước thực tế (chi phí bán buôn, chi phí bán lẻ ở nhiệt độ thực tế) của doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối và bao gồm chi phí dành cho thương nhân phân phối, bán lẻ xăng dầu. Lợi nhuận cũng sẽ do doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu tự xác định theo thực tế kinh doanh.

Điểm mới nữa là doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu sẽ tự tính toán và công bố giá bán buôn, giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối vào ngày thứ Năm hàng tuần. Dự thảo cũng không hạn chế số lần giảm giá giữa 2 kỳ công bố giá trong trường hợp doanh nghiệp muốn giảm giá bán.

Một điểm đáng chú ý của dự thảo nghị định là các doanh nghiệp đầu mối và các thương nhân phân phối xăng dầu sẽ phải thực hiện việc kết nối mạng với Bộ Công Thương về tình hình nhập - xuất - tồn kho xăng dầu, cả kết nối cả về dữ liệu kê khai giá và các dữ liệu khác theo quy định. Những doanh nghiệp chưa thực hiện kết nối phải hoàn tất trong vòng 12 tháng kể từ khi Nghị định mới được ban hành.

Mở cửa mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối

Tại dự thảo mới, Bộ Công Thương cũng thay đổi, cho phép các thương nhân phân phối xăng dầu được mua bán xăng dầu lẫn nhau. Đây cũng là điểm mới khi các dự thảo trước Bộ Công Thương quy định thương nhân phân phối chỉ được mua xăng dầu từ doanh nghiệp đầu mối. Quy định cấm mua bán lẫn nhau đã khiến các thương nhân phân phối rất bất bình và tuyên bố sẽ kiện do vi phạm Luật Cạnh tranh.

Dự thảo nghị định mới về xăng dầu: Lại lo nguy cơ sân sau, chuyển giá- Ảnh 1.

Doanh nghiệp kiến nghị kiểm soát chặt hơn các quy định về cấp phép xăng dầu. Ảnh: Như Ý

Một quy định khác cũng được đánh giá cao trong dự thảo là quy định liên quan đến việc hạn chế tình trạng cho thuê giấy phép xăng dầu của các doanh nghiệp bán lẻ. Đây là tình trạng được đánh giá khá nhức nhối và dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp đầu mối trước đây đã “lọt lưới” quy định và được Bộ Công Thương cấp phép khi chưa đủ điều kiện về số lượng cửa hàng. Theo quy định mới, các cửa hàng xăng dầu đã được cấp Giấy phép bán lẻ xăng dầu thì không được cho doanh nghiệp đầu mối hay thương nhân phân phối sử dụng để kê khai trong chuỗi cung ứng xăng dầu.

“Theo quy định tại Điều 19 của Dự thảo Nghị định, doanh nghiệp bán lẻ phải nằm trong hệ thống phân phối của thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối và chịu sự giám sát của thương nhân đó. Điều này cho thấy doanh nghiệp bán lẻ bị ràng buộc bởi một nguồn cung duy nhất, hạn chế quyền tự chủ trong việc lựa chọn nguồn hàng, đặc biệt trong bối cảnh thị trường có biến động về giá cả và nguồn cung”.

Ông Giang Chấn Tây , Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh)

Theo quy định mới, doanh nghiệp đầu mối phải duy trì dự trữ lưu thông xăng dầu tối thiểu 20 ngày cung ứng theo từng chủng loại xăng, dầu. Trường hợp mới được cấp phép làm đầu mối, doanh nghiệp cũng phải đảm bảo dự trữ lưu thông trong 1 ngày. Ngoài ra, để đảm bảo doanh nghiệp thực hiện đúng tổng nguồn xăng dầu tối thiểu được phân giao, Nghị định mới cũng quy định rõ việc xăng dầu mua bán giữa các đầu mối sẽ không được tính vào tổng nguồn xăng dầu tối thiểu phải thực hiện trong năm.

Về việc quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, vấn đề vốn luôn gây tranh cãi giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương, dự thảo cũng quy định Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì xác định số dư và thu hồi Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các đầu mối kinh doanh xăng dầu đã bị thu hồi Giấy phép kinh doanh để đưa vào một tài khoản do Bộ Tài chính quy định. Khi Nghị định này có hiệu lực thi hành, Bộ Tài chính bàn giao tài khoản tạm giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu cho Bộ Công Thương quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về giá.

Nguy cơ hình thành sân sau, thâu tóm thị trường

Về những quy định của dự thảo nghị định mới, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, đã khá hoàn thiện về mặt quản lý dù vẫn còn những bất cập chưa được xử lý triệt để và có thể gây ra hệ lụy nghiêm trọng đối với thị trường về lâu dài.

Chia sẻ với PV Tiền Phong, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) cho biết, đã nghiên cứu, tổng hợp ý kiến của hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc về những thay đổi trong dự thảo Nghị định mới về xăng dầu.

Theo ông Tây, với thị trường xăng dầu, quan trọng nhất chính là đảm bảo bình đẳng trong cấp phép kinh doanh xăng dầu. Việc Điều 12 của Dự thảo cho phép doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối được mở cửa hàng bán lẻ mà không cần thẩm định điều kiện hoặc không phải xin giấy phép như các doanh nghiệp bán lẻ sẽ tạo ra đặc quyền, hình thành cơ chế “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, gây lũng đoạn thị trường, đẩy doanh nghiệp bán lẻ vào thế bị động, dễ bị loại khỏi hệ thống phân phối.

“Dự thảo hiện cho phép công ty con của doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối tham gia thị trường mà không cần giấy phép đủ điều kiện. Đây là lỗ hổng nghiêm trọng, dễ bị lạm dụng để lập các “cánh tay nối dài”, sân sau thâu tóm thị trường phân phối và bán lẻ. Kiến nghị bãi bỏ hoàn toàn cơ chế miễn giấy phép đối với công ty con, yêu cầu phải đăng ký và được cấp Giấy xác nhận như mọi doanh nghiệp độc lập”, ông Tây nói.

Về giá bán xăng dầu, ông Tây cho rằng, dự thảo hiện quy định doanh nghiệp bán lẻ không được bán giá cao hơn giá mà đầu mối hay thương nhân phân phối công bố, nhưng không có cơ chế kiểm soát tính hợp lý của giá bán lẻ công bố, dẫn đến nguy cơ bị thao túng. Giá công bố phải được bóc tách rõ ràng chi phí - lợi nhuận từng khâu trong chuỗi cung ứng, từ đầu mối đến phân phối và bán lẻ. Cùng với đó, cấm hành vi chuyển giá, ép chiết khấu, gây thiệt hại cho hệ thống cửa hàng bán lẻ và doanh nghiệp bán lẻ phải được tính đủ chi phí, có lợi nhuận hợp lý, để đảm bảo tái đầu tư. Ngoài ra, phải bảo đảm thương nhân bán lẻ được phép ký hợp đồng với nhiều nguồn cung, ít nhất từ 2 thương nhân phân phối khác nhau.

Cấm hành vi công bố giá bán lẻ dưới giá vốn nhằm triệt hạ đối thủ và Chính phủ cần quy định rõ việc giao nhận xăng dầu trong nội địa phải được quy đổi về nhiệt độ chuẩn D150C (tiêu chuẩn quốc tế đã được áp dụng tại khâu nhập khẩu và tổng kho) để đảm bảo công bằng, minh bạch trong phân phối… cũng là những vấn đề được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, đây là một kẽ hở nghiêm trọng, cần sớm bịt lại bằng quy định thống nhất D150C cho tất cả các khâu giao nhận, không phân biệt chủ thể”.

Giám đốc một doanh nghiệp xăng dầu ở khu vực Tây Nguyên cũng cho biết, các doanh nghiệp rất mong cơ quan quản lý nhà nước thanh tra, xử lý và công khai số lượng xăng dầu tăng sinh do hoạt động nhập khẩu và chênh lệch nhiệt độ do bán buôn nội địa của các doanh nghiệp đầu mối từ trước đến nay. Việc thanh tra này sẽ giúp truy thu, thu đủ thuế cho Nhà nước, ngăn chặn hành vi buôn lậu trốn thuế.

Vị này cũng đề nghị cơ quan nhà nước xử lý và công khai xử lý nội dung kết luận thanh tra cuối năm 2023 về việc các đầu mối mua bán lòng vòng thu lợi bất chính hàng ngàn tỷ đồng. Cùng đó, cần hủy bỏ các quy định về thiết bị bán xăng dầu nhỏ trong nghị định vì đây là nguyên nhân gây bất ổn mới cho thị trường xăng dầu trong hiện tại và tương lai.

Link nội dung: https://www.doanhnhanvatieudung.com/du-thao-nghi-dinh-moi-ve-xang-dau-lai-lo-nguy-co-san-sau-chuyen-gia-a126457.html