Việt Nam và hai "báu vật" then chốt trị giá 3,5 triệu tỷ: Thay đổi cục diện, tiến vào kỷ nguyên mới

Số vốn cần có này được đầu tư trong giai đoạn 2026 - 2030.

Việt Nam cần 3,5 triệu tỷ cho nguồn điện và lưới điện

Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn vừa ký Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 15/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Quyết định nêu rõ, trong giai đoạn 2026 - 2030, tổng vốn đầu tư cần thiết cho phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải ước đạt 136,3 tỷ USD (khoảng 3.546.726 tỷ VND), bao gồm: Khoảng 118,2 tỷ USD dành cho phát triển nguồn điện và 18,1 tỷ USD cho lưới điện truyền tải.

Định hướng giai đoạn 2031 - 2035: Tổng vốn đầu tư cho nguồn và lưới điện dự kiến khoảng 130,0 tỷ USD, trong đó: 114,1 tỷ USD dành cho nguồn điện và 15,9 tỷ USD cho lưới điện truyền tải.

Định hướng giai đoạn 2036 - 2050: Tổng vốn đầu tư ước đạt cho nguồn và lưới điện truyền tải là 569,1 tỷ USD, trong đó: đầu tư cho nguồn điện khoảng 541,2 tỷ USD, lưới điện truyền tải khoảng 27,9 tỷ USD.

Việt Nam và hai "báu vật" then chốt trị giá 3,5 triệu tỷ: Thay đổi cục diện, tiến vào kỷ nguyên mới- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Từ nguồn vốn trong giai đoạn 2026 - 2030; và định hướng hai giai đoạn 2031 - 2035 và 2036 - 2050 có thể thấy, số vốn dành cho phát triển nguồn điện được Chính phủ rất coi trọng. Theo Quyết định số 768/QĐ-TTg, Việt Nam sẽ phát triển đa dạng các nguồn điện từ điện hạt nhân, điện khí LNG, điện gió (trên bờ và ngoài khơi), điện mặt trời, và các loại điện khác như nhiệt điện than, điện sinh khối...

Quy hoạch điện VIII là kim chỉ nam cho ngành năng lượng Việt Nam trong kỷ nguyên mới, với vai trò then chốt trong việc đáp ứng nhu cầu điện, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, thu hút đầu tư, và ứng phó với các thách thức toàn cầu. 

Bằng cách ưu tiên năng lượng tái tạo, hiện đại hóa lưới truyền tải, và áp dụng công nghệ tiên tiến, Quy hoạch điện VIII không chỉ giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát triển bền vững mà còn nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị năng lượng toàn cầu.

"Xương sống" của chuyển đổi năng lượng

Để đảm bảo an ninh năng lượng, tăng cường hiệu quả kinh tế và phát huy đầy đủ vai trò của các nguồn điện sạch đối với quốc gia, hệ thống lưới điện truyền tải đóng vai trò then chốt, không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.

Việt Nam và hai "báu vật" then chốt trị giá 3,5 triệu tỷ: Thay đổi cục diện, tiến vào kỷ nguyên mới- Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Shutterstock

Theo BloombergNEF, đầu tư vào lưới điện (truyền tải và phân phối) trên toàn cầu đạt 390 tỷ USD trong năm 2024 và dự kiến tiếp tục tăng trong năm 2025. Với tốc độ tăng trưởng khoảng 11% từ năm 2023 đến 2024, có thể ước tính đầu tư vào lưới điện trong năm 2025 sẽ dao động trong khoảng 400-450 tỷ USD.

Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng điện và đạt các mục tiêu khí hậu, đầu tư vào lưới điện trên toàn cầu cần tăng gấp đôi từ mức khoảng 300-400 tỷ USD/năm trong thập kỷ qua lên hơn 600 tỷ USD/năm vào năm 2030.

Chuyên gia đánh giá, lưới điện truyền tải là xương sống của chuyển đổi năng lượng và an ninh năng lượng toàn cầu. Với mục tiêu khí hậu, nó thúc đẩy tích hợp năng lượng tái tạo, giảm phát thải và hỗ trợ điện khí hóa. Với an ninh năng lượng, nó đảm bảo nguồn cung ổn định, tăng khả năng dự phòng và giảm phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu.

Cơ hội từ việc đầu tư phát triển lưới điện truyền tải chính là mở ra việc hợp tác quốc tế (như các dự án lưới điện xuyên biên giới ở châu Âu, ASEAN, hoặc châu Phi) tạo cơ hội chia sẻ nguồn lực và tăng cường an ninh năng lượng; đồng thời đòi hỏi phát triển các công nghệ mới liên tục phát triển như đường dây siêu cao áp (UHVDC) và lưới thông minh giúp giảm tổn thất và tăng hiệu quả truyền tải.

Nói riêng về công nghệ Ultra-High Voltage Direct Current (UHVDC), còn gọi là truyền tải điện siêu cao áp một chiều. Dù UHVDC có chi phí đầu tư ban đầu cao, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội trong dài hạn, đặc biệt với các dự án truyền tải điện trên khoảng cách xa (hơn 1.000 km) hoặc công suất lớn. Điểm nổi bật của UHVDC là giảm tổn thất từ khoảng 10% (HVDC ±500 kV) xuống còn khoảng 7% (UHVDC ±800 kV) trên quãng đường dài. Ví dụ, với đường dây công suất 6.400 MW, tổn thất chỉ khoảng 192 MW, tương đương 96 tua-bin gió 2 MW.

Khi Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đầu tư vào phát triển các nguồn điện (đặc biệt là nguồn điện sạch) và hệ thống truyền tải điện thì mục tiêu khí hậu (Net Zero 2050) sẽ không còn quá xa vời.



Link nội dung: https://www.doanhnhanvatieudung.com/viet-nam-va-hai-bau-vat-then-chot-tri-gia-35-trieu-ty-thay-doi-cuc-dien-tien-vao-ky-nguyen-moi-a126586.html