Đề thi như đánh đố
Một phụ huynh có con học lớp 6 Trường THCS Lam Sơn, Phước Đồng, TP Nha Trang (Khánh Hòa) vừa có đơn gửi phòng GD&ĐT về đề kiểm tra môn Ngữ văn giữa học kì II năm học 2024-2025 của trường. Theo phụ huynh, giáo viên ra đề thi thiếu rõ ràng, gây hiểu nhầm và chấm điểm không khách quan. Nội dung đề kiểm tra như sau: “Mỗi chuyến đi mà chúng ta trải qua đều để lại những bài học, ý nghĩa riêng. Em hãy viết bài văn kể lại một trải nghiệm đáng nhớ đối với em”. Phụ huynh này cho rằng, có sự mâu thuẫn trong định hướng đề bài. Câu dẫn tạo cảm giác hướng học sinh viết về một chuyến đi. Trong khi đó, câu hỏi chính lại yêu cầu học sinh kể về một trải nghiệm đáng nhớ. Việc đặt vấn đề không rõ ràng như vậy như đánh đố học sinh, khiến các em bị rối trong lựa chọn nội dung trả lời.
![]() |
Học sinh thi đánh giá năng lực vào lớp 6 năm 2024 tại Hà Nội |
Con của phụ huynh này đã làm bài kể lại một trải nghiệm đáng nhớ đúng trọng tâm câu hỏi, có bố cục, cảm xúc và giá trị
Phụ huynh ở Hà Nội đưa con đi thi. Ảnh: ĐỨC NGUYỄN
GS.TSKH Đỗ Đức Thái, Chủ biên chương trình môn Toán trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng lấy ví dụ quá thời gian quy định nhưng 3 giáo sư ngành Toán (gồm cả ông) không giải được một câu trong đề thi môn Toán tại kì thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Vấn đề câu hỏi mẹo mực, đánh đố không chỉ xảy ra một lần trong đề thi của Bộ GD&ĐT mà những năm trước đó, đã được phản ánh nhiều lần. GS. Đỗ Đức Thái khẳng định. dù chương trình có thiết kế tốt thế nào mà cách kiểm tra, đánh giá giáo dục, thi cử không thay đổi đồng bộ cũng sẽ đổ xuống sông xuống biển.
“Tôi thấy rằng, đề thi tuyển sinh vào trường chuyên, thi HS giỏi quốc gia, thi chọn đội tuyển đi thi Olympic Toán quốc tế... ngày càng trở nên lắt léo. Nó không làm cho học sinh thông minh hơn và không đánh giá được độ thông minh của học sinh”, GS. Thái nói. Theo ông, đề thi để phân hóa học sinh lại được viết một cách mẹo mực thì rất tác hại tới tư duy của học sinh và vượt xa đòi hỏi của Chương trình 2018 đặt ra.
PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhìn nhận việc học thêm và dạy thêm hiện bị ảnh hưởng nhiều bởi kết quả kiểm tra, đánh giá. Nếu chúng ta không thay đổi mà vẫn tiếp cận kiểm tra, đánh giá chủ yếu dựa vào nội dung, đánh giá việc ghi nhớ kiến thức thì nhu cầu học thêm và lạm dụng học thêm vẫn chưa thể dứt điểm, vì học sinh học thêm không phải để phát triển tri thức và tư duy phản biện mà chỉ để đảm bảo đạt điểm cao trong các kì thi.
Sức hút trường chất lượng cao
Một trong những băn khoăn của dư luận hiện nay là mô hình trường chất lượng cao ở phổ thông. Mô hình này bản chất là trường công lập được thu học phí cao (ở Hà Nội, cao gấp khoảng trên 20 lần học phí trường công lập), đội ngũ giáo viên chất lượng, sĩ số lớp đảm bảo theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT...
Tại Hà Nội, TPHCM và rất nhiều tỉnh thành hiện nay đều có hệ thống các trường THCS chất lượng cao với cách tuyển sinh rất căng thẳng, buộc học sinh từ tiểu học đã phải học thêm để có cơ hội trúng tuyển. Chị Nguyễn Thị Mai Ngọc (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ, từ năm lớp 3, gia đình đã tìm lớp học thêm với mục đích con có suất học lớp 6 tại Trường THCS Chu Văn An (Thanh Trì) hoặc 1 trường THCS ngoài công lập chất lượng cao. Nếu không học thêm, không luyện thi, con chị Mai Ngọc không có cơ hội trúng tuyển những trường này. Bé phải học thêm 3 môn Toán, tiếng Việt và tiếng Anh. Vì thế nên lịch học thêm trong tuần còn nặng hơn lịch học chính trên lớp.
Các trường THCS chất lượng cao tại Hà Nội tuyển sinh không phân tuyến nên cuộc chiến vào trường cũng cam go như tuyển sinh lớp 10 trường THPT công lập. Năm 2024, tỉ lệ chọi vào lớp 6 Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành cao nhất Thủ đô là 1/20,5; Trường THCS Ngoại ngữ là 1/18; Trường THCS Cầu Giấy là 1/6,1… Các trường này tổ chức thi nên muốn có cơ hội, phụ huynh lựa chọn cho con học thêm. Vì áp lực đó nên năm nào, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng phải xoay xở hướng dẫn tuyển sinh lớp 6 cho các trường này với mức độ căng thẳng, thậm chí “đánh đố” tăng dần.
Không riêng gì Hà Nội, nhiều tỉnh thành ở phía Bắc cũng đang có xu hướng nở rộ các trường THCS “đặc thù”, thi tuyển vào lớp 6 thay vì xét tuyển như các trường công lập khác. Nhiều năm nay, Bắc Ninh tồn tại tới 8 trường THCS trọng điểm có phương án tuyển sinh ngặt nghèo. Tại Bắc Giang, ngoài thành phố Bắc Giang, còn lại hầu như huyện nào cũng có trường THCS chất lượng cao hoặc trường THCS có lớp chất lượng cao. Tương tự, tại Nam Định, từ năm 2011, thực hiện Nghị quyết số 10 của UBND tỉnh, mỗi huyện/thành phố có 1 trường THCS chất lượng cao…
Một giáo viên tiểu học nhận xét, khi đọc đề thi vào lớp 6 của một trường chất lượng cao thi tuyển đầu vào ở Hà Nội: Yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục tiểu học không có những yêu cầu như đề ra và chính giáo viên cũng không thể đạt điểm cao. Rất nhiều mẹo mực, đánh đố trong các đề kiểm tra gọi là đánh giá năng lực đang được các trường tổ chức thi hằng năm để tuyển sinh. Theo giáo viên này, năng lực ở đây thực chất là năng lực được luyện đi luyện lại nhiều lần dạng bài Toán, bài tiếng Việt để giải nhanh nhất trong một thời gian giới hạn với hàng chục câu hỏi trắc nghiệm. Đó không phải là năng lực mà chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang hướng đến.
Do vậy, nhiều người cho rằng, việc dạy thêm dù quy định thay đổi thế nào thì điều quan trọng vẫn phải đồng bộ với chính sách thi cử. Nếu chính sách vừa xây vừa chống, một mặt cấm dạy thêm với tiểu học nhưng mặt khác vẫn cho tồn tại và thi tuyển đầu vào lớp 6 các trường đặc thù thì chuyện dạy thêm, học thêm và giảm áp lực với học sinh vẫn sẽ là câu chuyện không có hồi kết. Bên cạnh đó, THCS là bậc học phổ cập nên việc tồn tại các mô hình chất lượng cao như hiện nay đang tạo ra sự bất bình đẳng trong giáo dục.
Link nội dung: https://www.doanhnhanvatieudung.com/tri-tan-goc-day-them-hoc-them-tieu-cuc-khi-chinh-sach-vua-xay-vua-chong-a126912.html