Ngành điện rất thua lỗ, sao vẫn cứ độc quyền?

“Có một số lĩnh vực như ngành than, ngành điện rất lỗ nhưng vẫn độc quyền cho doanh nghiệp nhà nước", đại biểu Quốc hội nêu.

Ngân hàng , dầu khí có được kinh doanh bất động sản?

Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 13/5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) cho rằng, vốn doanh nghiệp nhà nước cũng do người dân bỏ ra, do đó, những gì doanh nghiệp nhà nước làm được nên cho doanh nghiệp tư nhân làm.

Ngành điện rất thua lỗ, sao vẫn cứ độc quyền?- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau). Ảnh: Như Ý

Theo đại biểu, có những lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước làm bị lỗ nhưng doanh nghiệp tư nhân làm lại có lãi, đóng góp ngân sách cho nhà nước.

“47% GDP do doanh nghiệp tư nhân đóng góp, nhiều người nói doanh nghiệp nhà nước gánh an sinh xã hội , song lũ lụt, thiên tai doanh nghiệp tư nhân đóng góp rất nhiều. Có một số lĩnh vực như ngành than, ngành điện rất lỗ nhưng vẫn độc quyền cho doanh nghiệp nhà nước", đại biểu so sánh.

Về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, dự thảo luật không quy định hạn chế doanh nghiệp được kinh doanh bất động sản, đồng thời, phải xin ý kiến hội đồng thành viên, hoặc chủ tịch công ty trước khi quyết định cho thuê hoặc khai thác bất động sản.

Liên quan đến nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) băn khoăn, liệu lĩnh vực ngân hàng có cho phép đầu tư kinh doanh bất động sản hay đầu tư chứng khoán hay không? Theo ông, các tập đoàn lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, có được quyền đầu tư vào bất động sản, lĩnh vực kinh doanh bất động sản hay không là điểm cần quan tâm.

"Thời gian qua, có một số công ty lớn đầu tư bị thất thoát, có trường hợp dính vào vòng lao lý. Bây giờ cho phép đầu tư kinh doanh bất động sản ngoài ngành như vậy cần cân nhắc. Tất nhiên trong xã hội hoá , quản lý thị trường về đầu tư kinh doanh bất động sản , tất cả mọi người làm được thì doanh nghiệp cũng phải làm được, nhưng nên xem xét tuỳ lúc, tuỳ nơi, tuỳ điều kiện doanh nghiệp nào được làm, doanh nghiệp nào không được làm. Tất cả doanh nghiệp nhà nước được đầu tư bất động sản là không nên", đại biểu nêu.

Theo ông, trước đây có ý kiến cho rằng, không được kinh doanh bất động sản, nhưng đây là "món béo bở", có khả năng lợi nhuận rất cao để bù đắp cho chi phí khác là rất cần thiết. Tuy nhiên, ông Hòa đề nghị cần quy định rõ, không phải doanh nghiệp nào cũng được kinh doanh.

Doanh nghiệp tự quyết tiền lương

Liên quan đến chính sách tiền lương, thù lao, tiền thưởng , Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, có một số ý kiến đề nghị tăng cường phân cấp cho doanh nghiệp trong việc quyết định tiền lương tại doanh nghiệp.

Tiếp thu ý kiến, dự thảo luật quy định hội đồng thành viên, chủ tịch công ty quyết định chính sách tiền lương đối với người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, kiểm soát viên.

Ngành điện rất thua lỗ, sao vẫn cứ độc quyền?- Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi. Ảnh: Như Ý

Đồng thời, dự thảo cũng chỉnh lý quy định về tiền lương, thù lao , tiền thưởng cũng như quyền, trách nhiệm của người lao động, hội đồng thành viên, hoặc chủ tịch công ty tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; tiền lương, tiền thưởng và quyền lợi khác của người đại diện phần vốn nhà nước.

Về phân phối lợi nhuận sau thuế, tiếp thu ý kiến đại biểu, ông Mãi cho hay, dự thảo luật đã chỉnh lý theo hướng lợi nhuận sau thuế sau khi chia lãi cho các thành viên góp vốn theo hợp đồng hợp tác kinh doanh (nếu có).

Bên cạnh đó, lợi nhuận sau thuế được phân phối theo nguyên tắc: Trích không quá 50% vào Quỹ Đầu tư phát triển để sử dụng vào mục đích đầu tư phát triển và bổ sung vốn điều lệ của doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ.

Đối với các tổ chức tín dụng, trích không quá 50% vào hai Quỹ: Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và Quỹ Đầu tư phát triển theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.

Dự thảo cũng cho phép trích không quá 3 tháng lương thực hiện để lập Quỹ khen thưởng, phúc lợi trên cơ sở hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Link nội dung: https://www.doanhnhanvatieudung.com/nganh-dien-rat-thua-lo-sao-van-cu-doc-quyen-a127624.html