Thời gian gần đây, Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận và xử trí nhiều ca biến chứng nghiêm trọng do can thiệp thẩm mỹ tại các cơ sở kém chất lượng, không đảm bảo an toàn.
Các trường hợp nhập viện chủ yếu do biến chứng sau phẫu thuật và tiêm chất làm đầy tại các spa không có chức năng phẫu thuật thẩm mỹ.
Điển hình là các ca chảy máu, tụ máu vùng môi bé sau khi cắt tại spa, biến chứng tiêm filler dẫn đến đau, sưng đỏ, áp xe tại ngực, mông, buộc phải phẫu thuật nạo bỏ,...
Đặc biệt có ca bệnh biến chứng nặng do làm mũi tại một cơ sở spa ở Ứng Hoà, Hà Nội. Trong quá trình làm mũi bệnh nhân nữ 25 tuổi được tiêm 3ml Lidocain hydroclorid 40mg/2ml (tổng liều: 60mg, tương đương 1,2mg/kg) và 1ml Acid Hyaluronic.
Các trường hợp nhập viện chủ yếu do biến chứng sau phẫu thuật và tiêm chất làm đầy tại các spa không có chức năng phẫu thuật thẩm mỹ.
Sau tiêm 15 phút, bệnh nhân đau đầu, buồn nôn, nôn ra thức ăn, cảm giác khó thở, không tê môi lưỡi, không đau bụng.
Cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Vân Đình trong tình trạng: tỉnh, khó thở, chóng mặt kèm buồn nôn và nôn dịch ra thức ăn, mạch 45 lần/phút, huyết áp: 90/60mmHg, thâm tím vùng mũi lan lên mắt phải. Chẩn đoán phản vệ độ III sau tiêm filler, chưa loại trừ ngộ độc thuốc gây tê Lidocain.
Bệnh nhân được chuyển tuyến đến Bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục đánh giá và xử trí. Tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân mắt phải sưng nề tăng dần, lác ngoài, hạn chế vận nhãn các hướng, kết mạc cương tụ, viêm trợt, phù giác mạc cần theo dõi tổn thương dây thần kinh III phải, phù đĩa thị và theo dõi hoại tử da vùng mũi trán sau tiêm filler 41 tiếng.
Tiếp theo là bệnh nhân nữ 34 tuổi bị chảy máu ồ ạt sau phẫu thuật thẩm mỹ tại một cơ sở thẩm mỹ. Theo thông tin khai thác, bệnh nhân trước đó có thực hiện cắt mí trên, thu gọn "cô bé" ở một cơ sở thẩm mỹ tại Hà Nội. Sau mổ có tình trạng tụ máu, chảy máu không cầm ở vết mổ môi bé với số lượng lớn, bệnh nhân hoa mắt, chóng mặt và hoảng loạn.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, môi bé bệnh nhân tím, sưng phồng cả hai bên, mất ranh giới môi lớn bé, mép vết mổ môi bé bên trái còn điểm chảy máu không ngừng. Bệnh nhận được chuyển phẫu thuật cấp cứu cắt chỉ, lấy máu cục, tìm điểm chảy, khâu cầm máu và khâu phục hồi hình thể môi bé.
Một bệnh nhân nữ khác đi tiêm filler vùng mông 2 bên tại một cơ sở chăm sóc da, sau tiêm 6 giờ bệnh nhân xuất hiện sưng nóng đỏ đau vùng mông tại các vị trí tiêm. Sờ dưới các vị trí tiêm có nhiều khối cứng chắc, khối lớn nhất có thước 10x8cm, sưng đau.
PGS. TS Phạm Thị Việt Dung - Trưởng Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, khi có nhu cầu thẩm mỹ, các chị em cần tìm hiểu kỹ, lựa chọn cơ sở uy tín, bác sĩ được đào tạo bài bản, đảm bảo chất lượng, được cấp phép, tránh những hậu quả đáng tiếc, tiền mất, tật mang, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Một cơ sở y tế tư nhân được cấp phép thực hiện một số phẫu thuật thẩm mỹ gây tê ít nhất cũng phải là một Phòng khám Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, có niêm yết tên bao gồm chữ “Phòng khám Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ”, niêm yết tên bác sĩ phụ trách và số giấy phép hành nghề, thời gian hoạt động trên biển hiệu.
Link nội dung: https://www.doanhnhanvatieudung.com/co-gai-tre-soc-phan-ve-nguy-co-hoai-tu-mui-sau-tham-my-a128024.html