Bệnh nhân V.Đ.P (42 tuổi) ở Hà Tĩnh nhập viện trong tình trạng nguy kịch với các biểu hiện đau đầu dữ dội, nôn vọt, sốt cao kéo dài và rối loạn ý thức. Tình trạng bệnh rất nghiêm trọng, đe dọa tính mạng do nguy cơ hôn mê sâu, có thể phải đặt ống thở máy để hỗ trợ hô hấp.
Theo người nhà, bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu. Khoảng hai tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện triệu chứng đau đầu kéo dài, sốt tăng dần và nôn ói dữ dội nhưng không rõ nguyên nhân.
Trước đó, dù nghiện rượu nhiều năm, bệnh nhân chưa từng phát hiện có bệnh lý nền. Sau khi khám và nhập viện tại tuyến tỉnh, bệnh nhân được chẩn đoán mắc viêm màng não do vi khuẩn và điều trị bằng kháng sinh.
Tuy nhiên, sau một tuần điều trị, tình trạng không những không cải thiện mà còn nặng hơn, với sốt liên tục 39–40°C, đau đầu dữ dội và dần lơ mơ. Bệnh nhân được chuyển đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nơi các bác sĩ tiến hành thăm khám toàn diện, chọc dịch não tủy và thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu.
Bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu, khoảng hai tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện triệu chứng đau đầu kéo dài, sốt tăng dần và nôn ói dữ dội nhưng không rõ nguyên nhân.
Kết quả nhuộm soi dịch não tủy (dịch chọc dò tủy sống thắt lưng) bằng mực tàu phát hiện nhiễm nấm Cryptococcus – nguyên nhân gây viêm màng não. Đồng thời, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân có dấu hiệu xơ gan tiến triển như vàng da, cổ trướng, sao mạch cho thấy hệ miễn dịch đã suy giảm nghiêm trọng.
ThS.BS Nguyễn Kim Anh – Khoa Cấp cứu cho biết: "Viêm màng não do nấm là bệnh lý hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, diễn tiến âm thầm và có thể đột ngột đe dọa tính mạng, đặc biệt ở những người có hệ miễn dịch suy yếu như xơ gan, HIV, đái tháo đường hoặc suy thận.
Trong trường hợp này, yếu tố nguy cơ chính là xơ gan do rượu. Ngay sau khi xác định được tác nhân gây bệnh, người bệnh được điều trị bằng thuốc kháng nấm đặc hiệu và theo dõi sát sao".
Theo BS Kim Anh, viêm màng não do nấm là thách thức trong điều trị vì thuốc kháng nấm hiện nay thấm qua hàng rào máu–não với tỷ lệ rất thấp, chỉ khoảng 1–2%, khiến tiên lượng thường nghiêm trọng dù đã chẩn đoán đúng nguyên nhân. Rất may, sau 10 ngày điều trị tích cực, người bệnh tỉnh táo hoàn toàn, hết sốt và giảm đau đầu.
"Nấm Cryptococcus hiện diện trong môi trường tự nhiên nhưng hay gặp nhất ở trong đất, nước nhiễm phân chim bồ câu hoặc môi trường ẩm mốc. Người khỏe mạnh thường không bị ảnh hưởng vì hệ miễn dịch có khả năng kiểm soát.
Trường hợp này, người bệnh có yếu tố nguy cơ do thường xuyên tiếp xúc môi trường chăn nuôi có nhiều chim bồ câu – nguồn lây nhiễm phổ biến của loại nấm này", bác sĩ Kim Anh chia sẻ.
Tuy nhiên, không phải ai tiếp xúc với chim bồ câu cũng mắc bệnh. Nấm Cryptococcus chỉ gây bệnh khi hệ miễn dịch bị suy yếu thường gặp ở người xơ gan, HIV/AIDS, bệnh mạn tính hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch.
Bên cạnh đó, các chỉ số viêm trong máu thường không tăng rõ rệt, khiến bệnh dễ bị nhầm với các nguyên nhân khác nếu không làm xét nghiệm dịch não tủy chuyên sâu. Trong khi đó, viêm màng não do nấm có tỷ lệ tử vong cao nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bác sĩ Kim Anh cảnh báo, người có biểu hiện đau đầu kéo dài, sốt dai dẳng, nôn vọt hoặc rối loạn ý thức, đặc biệt nếu có bệnh nền cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
"Viêm màng não do nấm nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì tiên lượng sẽ khả quan hơn. Ngược lại, nếu chậm trễ, người bệnh có thể đối mặt với nguy cơ tử vong cao. Đáng lo ngại là triệu chứng ban đầu dễ bị nhầm lẫn với cảm cúm hoặc lao", bác sĩ Kim Anh nói.
Hiện chưa có vắc-xin hay thuốc dự phòng đặc hiệu đối với viêm màng não do nấm. Các bác sĩ khuyến cáo người có hệ miễn dịch suy yếu như xơ gan, HIV/AIDS, bệnh mạn tính cần khám sức khỏe định kỳ và cảnh giác nếu xuất hiện các triệu chứng như đau đầu kéo dài, sốt dai dẳng, nôn vọt hoặc rối loạn ý thức.
Ngoài ra, nên hạn chế tiếp xúc với môi trường có nguy cơ cao như phân chim, đất bẩn hoặc khu vực ẩm mốc để giảm nguy cơ nhiễm nấm.
Link nội dung: https://www.doanhnhanvatieudung.com/viem-mang-nao-do-nam-tu-thoi-quen-uong-ruou-a128140.html