Lương hưu ra sao từ ngày 1/7?

Từ 1/7, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) mới có hiệu lực quy định thời điểm hưởng lương hưu được xác định là ngày đầu tiên của tháng tính từ ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng người tham gia BHXH tự nguyện đủ điều kiện hưởng.

Chi tiết thời điểm hưởng lương hưu

Bộ Nội vụ đang dự thảo Thông tư quy định chi tiết thời điểm hưởng lương hưu, việc tính, việc xác định điều kiện hưởng đối với từng trường hợp để giải quyết chế độ hưu trí theo quy định tại khoản 4 Điều 101 Luật BHXH.

Theo đó, dự thảo Thông tư quy định chi tiết về thời điểm hưởng lương đối với người tham gia BHXH tự nguyện đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 98 và khoản 9 Điều 141 Luật BHXH theo từng trường hợp cụ thể, bám sát quy định của Luật BHXH.

Thời điểm hưởng lương hưu được xác định là ngày đầu tiên của tháng tính từ ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng người tham gia BHXH tự nguyện đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Lương hưu ra sao từ ngày 1/7?- Ảnh 1.

Bộ Nội vụ đề xuất quy định chi tiết thời điểm hưởng lương hưu, việc xác định điều kiện hưởng đối với từng trường hợp để giải quyết chế độ hưu trí. Ảnh minh họa.

Cụ thể, theo Điều 3 dự thảo Thông tư, thời điểm hưởng lương hưu đối với người tham gia BHXH tự nguyện được thực hiện theo quy định tại Điều 101 của Luật BHXH, chi tiết như sau:

Thứ nhất, thời điểm hưởng lương hưu đối với người tham gia BHXH tự nguyện có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên được tính từ ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động.

Thứ hai, trường hợp người tham gia BHXH tiếp tục đóng BHXH tự nguyện sau khi đã đủ điều kiện hưởng lương hưu thì thời điểm hưởng lương hưu là ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng dừng đóng và có yêu cầu hưởng lương hưu.

Thứ ba, trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện đóng một lần cho những năm còn thiếu theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 36 của Luật BHXH thì thời điểm hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 98 Luật BHXH là ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng đóng đủ số tiền cho những năm còn thiếu.

Thứ tư, thời điểm hưởng lương hưu đối với người tham gia BHXH tự nguyện trước ngày 1/1/2021 và đủ 20 năm đóng BHXH tự nguyện trở lên được tính từ ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ, trừ trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện có nguyện vọng hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 98 của Luật BHXH.

Thứ năm, trường hợp thời điểm hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và khoản 4 Điều này được xác định trước ngày 1/7/2025 thì thời điểm hưởng lương hưu là từ ngày 1/7/2025.

Thứ sáu, trường hợp không xác định được ngày, tháng sinh (chỉ có năm sinh) thì thời điểm hưởng lương hưu được tính từ ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định. Trong đó, tháng đủ tuổi nghỉ hưu được xác định trên cơ sở lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh để làm căn cứ xác định tuổi của người lao động .

Đề xuất 2 phương án hưởng lương hưu

Tại dự thảo Thông tư, Bộ Nội vụ cũng đề xuất 2 phương án về điều kiện hưởng lương hưu từ ngày 1/7, khi Luật BHXH mới có hiệu lực.

Theo Bộ Nội vụ, trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện đã đóng theo phương thức 3 tháng một lần; 6 tháng một lần; 12 tháng một lần; hoặc một lần cho nhiều năm về sau quy định tại các điểm b, c, d và điểm đ khoản 2 Điều 36 của Luật BHXH thì thời điểm xét điều kiện về thời gian đóng BHXH cụ thể như sau:

Phương án 1 , tháng cuối cùng của phương thức đóng mà người tham gia BHXH tự nguyện đã đóng (cho dù trước đó người lao động đã đủ điều kiện về tuổi đời và thời gian đóng).

Phương án 2 , tháng người tham gia BHXH tự nguyện đủ điều kiện về tuổi đời và có yêu cầu hưởng lương hưu.

Theo Bộ Nội vụ, với phương án này phát sinh 2 trường hợp: Ghi nhận thời gian đóng đến thời điểm đề nghị + hoàn trả lại số tháng đã đóng sau đó; hoặc ghi nhận thời gian đã đóng tính đến hết phương thức đóng.

Link nội dung: https://www.doanhnhanvatieudung.com/luong-huu-ra-sao-tu-ngay-17-a128615.html