Bỏ trung cấp, đổi thành trung học nghề: Bước đi chiến lược cho giáo dục nghề nghiệp

Việc đổi tên trung học nghề cần giải quyết được những khó khăn trong tuyển sinh và phát huy được những lợi thế của giáo dục nghề nghiệp trước bối cảnh mới.

Sau 5 năm triển khai Luật Giáo dục, Bộ GD&ĐT đánh giá mặc dù bộ luật này góp phần tạo hành lang pháp lý quan trọng cho sự phát triển của hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy một số bất cập, hạn chế cần được tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung. 

Nhằm tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn thi hành Bộ GĐ&ĐT đã đề xuất 5 điểm mới tại dự thảo mới, trong đó, nổi bật nhất là nội dung xác lập giáo dục nghề nghiệp là một cấp học, gồm 2 bậc: trung học nghề và cao đẳng. Trong cấp học này, người học được đào tạo ở ba trình độ: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng.

Cụ thể: Trung học nghề dành cho học sinh sau THCS, tích hợp kiến thức văn hóa phổ thông nền tảng và kỹ năng nghề, hướng tới đạt trình độ sơ cấp hoặc trung cấp; Cao đẳng dành cho người học sau THPT hoặc tương đương, đào tạo ở trình độ cao đẳng.

Như vậy, dự thảo bỏ khái niệm trường trung cấp, chuyển thành trung học nghề và bổ sung trung học nghề là cấp học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trường trung học nghề sẽ tích hợp kiến thức nghề và kiến thức chương trình THPT. Học hết lớp 9, học sinh sẽ có 3 lựa chọn: vào THPT, trung học nghề với chứng chỉ sơ cấp hoặc học trung học nghề với chứng chỉ trung cấp.

Sự thay đổi này không chỉ nằm ở tên gọi mà được kỳ vọng sẽ thay đổi hoàn toàn bức tranh của giáo dục nghề nghiệp vốn "ảm đạm" như hiện nay.

Dưới góc độ nghiên cứu, trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp đánh giá đề xuất thay đổi "trường trung cấp" và thuật ngữ "trình độ trung cấp" không đơn thuần là hành động kỹ thuật, mà là bước đi mang tính chiến lược cải cách hệ thống giáo dục.

Điều chỉnh thể hiện sự nghiêm túc trong việc chuẩn hóa, tái cấu trúc hệ thống, giải quyết các bài toán của ngành như đào tạo nhân lực chất lượng cao, giảm áp lực thi cử, xóa bỏ tiêu cực học thêm,… hiện đại hóa khung pháp lý nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Bỏ trung cấp, đổi thành trung học nghề: Bước đi chiến lược cho giáo dục nghề nghiệp- Ảnh 1.

TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp.

Theo ông Vinh, khung phân loại chuẩn quốc tế về giáo dục ISCED 2011 của UNESCO không có cấp học nào mang tên trung cấp. ISCED là cơ sở để các quốc gia tham khảo hệ thống giáo dục, phục vụ cho việc công nhận lẫn nhau văn bằng, chứng chỉ.

Trong khung này, các trình độ được chia mạch lạc từ giáo dục tiểu học (level 1), THCS (level 2), THPT (level 3), cho đến các bậc sau phổ thông (level 4 đến level 8).

"Việc chúng ta duy trì một khái niệm không có trong ISCED khiến hệ thống giáo dục của ta khó được đối sánh quốc tế và gây cản trở trong công nhận văn bằng, trao đổi lao động và hợp tác đào tạo.

Không một hệ thống giáo dục phát triển nào lại tồn tại một cấp học không được quốc tế công nhận, không rõ vị trí trong hệ thống quốc dân và không có giá trị pháp lý nhất quán", ông Vinh phân tích.

Điều quan trọng hơn, thay đổi này sẽ xóa bỏ sự phân biệt giữa học THPT và trung cấp nghề, tạo sự công bằng cho giáo dục nghề nghiệp. Người tốt nghiệp trung học nghề và học sinh trường THPT cùng trình độ có quyền bình đẳng về cơ hội học tập nâng cao, việc làm và phát triển nghề nghiệp.

Ông Hoàng Ngọc Vinh cho rằng: "Học sinh sẽ không e ngại lựa chọn học nghề, giúp giảm áp lực của việc thi vào lớp 10 công lập, thực hiện phân luồng khi không còn sự phân biệt với nghề. Đó chính là điểm đột phá mà sửa đổi luật Giáo dục và luật Giáo dục nghề nghiệp cũng nên nhấn mạnh".

Bỏ trung cấp, đổi thành trung học nghề: Bước đi chiến lược cho giáo dục nghề nghiệp- Ảnh 2.

Luật Giáo dục (sửa đổi) kỳ vọng sẽ thay đổi bức tranh của giáo dục nghề nghiệp hiện nay.

Là đơn vị sẽ trực tiếp có sự điều chỉnh nếu như dự luật được thực thi, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Ngọc Minh - Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Nga Sơn (Thanh Hóa) tin tưởng sẽ có nhiều tín hiệu đáng mừng cho giáo dục nghề nghiệp trước những thay đổi mới.

Ông Minh cho biết trước đó, với chủ trương xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, các trường trung cấp nghề thuộc cấp huyện ở địa phương này sẽ có 2 hướng. Phương án thứ nhất, vì trường trung cấp nghề dạy 9+, đáp ứng yêu cầu cho học sinh vừa học nghề, vừa học văn hóa nên sẽ giữ lại và đưa về Sở GD&ĐT quản lý. Phương án thứ 2 gộp vào thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp thường xuyên và giải thể cả 3 trường trung cấp nghề cấp huyện.

Khi chưa có phương án cuối cùng, thì dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đã có hướng đi phù hợp với nguyện vọng của các trường trung cấp, đó là thay đổi thiết kế chương trình, trung học nghề sẽ được tích hợp kiến thức văn hóa phổ thông nền tảng và kỹ năng nghề. Điều này, ông Minh đánh giá rất có giá trị với các trường trung cấp đang chờ đợi quyết định "số phận" hiện nay.

Bỏ trung cấp, đổi thành trung học nghề: Bước đi chiến lược cho giáo dục nghề nghiệp- Ảnh 3.

Học sinh còn nhiều e ngại khi lựa chọn học nghề sau khi tốt nghiệp THCS (Ảnh: Hữu Thắng).

"Công tác tuyển sinh của trường trung cấp nhiều năm nay gặp khó khăn vì phải cạnh tranh với các trường THPT, bên cạnh đó, suy nghĩ của người dân về học nghề vẫn còn nhiều định kiến.

Nhưng ngay cả khi phụ huynh và học sinh có mong muốn rẽ sang học nghề sớm để giảm chi phí học tập, sớm có công việc ổn định nhưng lại gặp cái vướng về việc tiếp tục học kiến thức văn hóa ở bậc THPT", ông Nguyễn Ngọc Minh chia sẻ.

Hiện, để được cấp bằng tốt nghiệp THPT, học sinh theo học hệ trung cấp bắt buộc phải hoàn thành chương trình các môn văn hóa theo quy định. Tuy nhiên, do các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không được phép giảng dạy các môn văn hóa, các em học thêm tại các trung tâm giáo dục thường xuyên. Việc học song song giữa chương trình nghề và văn hóa khiến các em áp lực, đặc biệt là ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Ông Minh đánh giá: "Nếu Luật Giáo dục cho phép các trường trung cấp vừa được giảng dạy nghề, vừa được dạy văn hóa sẽ phần nào đáp ứng đúng nguyện vọng của học sinh và phụ huynh, giảm thiểu việc phải học tập ở 2 nơi".

Tuy nhiên, trả lời cho câu hỏi nếu thêm chức năng giảng dạy văn hoá, các trường trung cấp có đáp ứng đủ điều kiện hay không, ông Nguyễn Ngọc Minh cho biết: "Chắc chắn về chất lượng cơ sở vật chất, số phòng học và biên chế giáo viên các trường dạy nghề đều đáp ứng đầy đủ, thậm chí là tốt hơn các trung tâm giáo dục thường xuyên. Nhưng, do vẫn còn vướng mắc về quy định nên riêng phần thiết bị dạy học sẽ không đủ điều kiện theo chương trình học".

Ở đây, vị hiệu trưởng đề xuất ngoài phần kinh phí được Nhà nước hỗ trợ, cần có những điều chỉnh để có thể huy động nguồn học phí từ phía người học bù vào những phần thiếu, để trang bị thiết bị học tập cho các em, đáp ứng những nhu cầu tối thiểu học tập.

Bỏ trung cấp, đổi thành trung học nghề: Bước đi chiến lược cho giáo dục nghề nghiệp- Ảnh 4.

Giáo dục nghề nghiệp có vai trò không nhỏ trong đào tạo nâng cao kỹ năng nghề (Ảnh: Hữu Thắng).

Ngoài những ưu điểm, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) cũng vẫn còn nhiều băn khoăn, cần có sự nghiên cứu đánh giá toàn diện.

Theo TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp xác lập giáo dục nghề nghiệp là một cấp học là chưa phù hợp và thể hiện chưa hiểu bản chất của giáo dục nghề nghiệp.

"Giáo dục nghề không quá chú trọng phân cấp như giáo dục phổ thông. Chúng ta đều có thể học nghề ở các độ tuổi khác nhau, nó mang tính linh hoạt, liên thông. Ngay cả khi đã ở bậc thạc sĩ hay tiến sĩ vẫn có thể đi học nghề nếu muốn nâng cao trình độ. Việc đóng khung nghề nghiệp là cấp học như vậy là không đúng, bởi còn rất nhiều chương trình giáo dục nghề khác nhau cho các đối tượng đặc biệt như trẻ em khuyết tật", ông Hoàng Ngọc Vinh phân tích.

Link nội dung: https://www.doanhnhanvatieudung.com/bo-trung-cap-doi-thanh-trung-hoc-nghe-buoc-di-chien-luoc-cho-giao-duc-nghe-nghiep-a129494.html