
“Tiền mất, tật mang” do hiểu lầm về mô hình “mua trước trả sau”
Anh H., một nhân viên văn phòng 30 tuổi ở Hà Nội, đang cần tiền gấp để đóng học cho con. Qua một nhóm Facebook tự xưng "Hỗ Trợ Tài Chính Nhanh", anh được một người lạ liên hệ qua Zalo, hứa hẹn giúp anh rút tiền mặt từ tài khoản trả sau hay thẻ tín dụng với chi phí thấp. Hấp dẫn trước lời mời, anh H. đồng ý và được gửi một mã QR thanh toán. Sau đó, anh được hướng dẫn chọn nguồn tiền ví trả sau và xác nhận giao dịch.
Sau khi quét mã, anh nhận thông báo giao dịch thành công và hy vọng nhận tiền mặt như thỏa thuận. Nhưng thực tế, hạn mức trả sau của anh đã bị sử dụng để thanh toán cho một hóa đơn của người lạ mà anh không có nghĩa vụ phải trả. Kẻ lừa đảo biến mất, để lại anh H. với khoản nợ hơn 3 triệu đồng và có nguy cơ bị ghi nhận nợ xấu trên CIC nếu không thanh toán kịp.
Chị P.L., một tiểu thương 35 tuổi ở TP. Hồ Chí Minh cũng thường xuyên nhận tin nhắn Zalo từ các số lạ mời chào rút tiền mặt từ Ví Trả Sau. Một lần cần tiền nhập hàng, chị liên hệ với một người tự xưng là "nhân viên hỗ trợ SPayLater". Đối tượng lừa đảo cung cấp cho chị một hóa đơn và yêu cầu chị dùng tài khoản SPayLater để thanh toán. Tin tưởng, chị làm theo và chờ đợi khoản tiền hứa hẹn.
Tuy nhiên, sau khi hoàn tất thanh toán hóa đơn trên, đối tượng lừa đảo lập tức cao chạy xa bay. Chị P.L. không chỉ mất cơ hội nhập hàng mà còn phải gánh khoản nợ không rõ nguồn gốc, đến từ hệ quả của việc thanh toán hộ cho kẻ lạ mặt bằng chính hạn mức tín dụng của mình.
“Mua trước trả sau” thực sự là gì?
Vụ việc của anh H. hay chị P.L. không phải là trường hợp duy nhất hiểu nhầm về chức năng của mô hình thanh toán trả sau. Trên thực tế, dịch vụ Ví Trả Sau trên các ví điện tử hay ứng dụng tài chính được thiết kế như một phương thức để thanh toán khi mua hàng hóa, dịch vụ trên nền tảng, chứ không cung cấp tính năng rút tiền mặt hay rút tiền hộ.

Trên thực tế, dịch vụ Ví Trả Sau trên các ví điện tử hay ứng dụng tài chính không cung cấp tính năng rút tiền mặt hay rút tiền hộ (Ảnh: Internet)
Đại diện MoMo cho biết, Ví Trả Sau không phải là một khoản tiền mặt thông thường, mà là một hình thức tín dụng cho phép người dùng chi tiêu trước và thanh toán sau. Do đó, người dùng không thể rút tiền từ Ví Trả Sau ra tài khoản ngân hàng hay tài khoản MoMo như các khoản tiền gửi hoặc tiền mặt thông thường
MoMo cũng nhấn mạnh rằng chỉ có chủ tài khoản – thông qua mật khẩu cá nhân hoặc xác thực sinh trắc học – mới có thể truy cập và thực hiện giao dịch trên ứng dụng. Mọi giao dịch đều được mã hóa tức thời và bảo vệ bởi hệ thống bảo mật đa tầng đạt chuẩn quốc tế, được kiểm chứng bởi các ngân hàng uy tín và liên tục nâng cấp nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho người dùng.
Ví Trả Sau nên được sử dụng đúng mục đích của nó, là một nguồn tài chính dự phòng có kiểm soát, nhằm hỗ trợ người dùng xử lý các khoản chi thiết yếu khi thiếu hụt tạm thời về dòng tiền – chẳng hạn như thanh toán các tiện ích (điện, nước, internet, phí chung cư), mua sắm online, mua sắm tại các cửa hàng tiện lợi….
Việc lạm dụng sai mục đích, đặc biệt là tham gia các giao dịch rút tiền không chính thống không chỉ tiềm ẩn nguy cơ bị chiếm đoạt tài sản như trường hợp của anh H. hay chị P.L., mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến điểm tín dụng cá nhân (CIC) – yếu tố quan trọng trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính khác trong tương lai.
Trong kỷ nguyên tài chính số, sự tiện lợi đi kèm với trách nhiệm. Theo khuyến cáo từ các ví điện tử, người dùng cần tỉnh táo trước những lời mời “rút tiền từ ví trả sau” với chi phí thấp trên mạng xã hội. Người dùng cần chủ động bảo mật các thông tin cá nhân, không chia sẻ mã OTP, mật khẩu ví điện tử, thông tin hạn mức ví trả sau cho bất kỳ ai để tránh bị ăn cắp thông tin, lợi dụng lừa đảo.
Người dùng được khuyến nghị không chia sẻ mã OTP, không quét mã QR từ nguồn không rõ ràng – kể cả từ người quen trên mạng xã hội. Tránh tham gia các dịch vụ “rút tiền hộ”, “giải ngân nhanh” không minh bạch. Tài khoản trả sau chỉ nên dùng đúng mục đích tiêu dùng thiết yếu, theo đúng quy định từ các nền tảng tài chính.
Người dùng cũng nên thường xuyên kiểm tra lịch sử giao dịch, kích hoạt các lớp bảo mật bổ sung nếu có (như nhận diện khuôn mặt), và liên hệ ngay với đơn vị cung cấp dịch vụ khi nghi ngờ có dấu hiệu bất thường.