Đại sứ Mỹ: Việt Nam là đối tác tuyệt vời trong đàm phán thuế đối ứng

Tổng Bí thư Tô Lâm là một trong nhà lãnh đạo đầu tiên có cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump sau khi nhà lãnh đạo Mỹ công bố chính sách thuế đối ứng. Việc lãnh đạo của hai nước trao đổi liên tục và ở cấp cao phản ánh chất lượng của mối quan hệ Việt – Mỹ, cho thấy sự tôn trọng của Mỹ đối với Việt Nam, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper khẳng định.

Ngày 8/7, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper có cuộc trao đổi bàn tròn với một số phóng viên Việt Nam nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ.

Đại sứ Mỹ: Việt Nam là đối tác tuyệt vời trong đàm phán thuế đối ứng- Ảnh 1.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper. Ảnh: Đức Thành

Đại sứ nhấn mạnh, quan hệ song phương Việt – Mỹ đã mở rộng rất mạnh mẽ trong 30 năm qua, trong đó kinh tế là một trụ cột quan trọng. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ, còn Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Các doanh nghiệp Mỹ đầu tư rất nhiều vào Việt Nam và ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt đầu tư sang Mỹ.

Đại sứ cho biết, tháng 5 vừa qua, Hội nghị thượng đỉnh đầu tư SelectUSA diễn ra tại Maryland đã đón hơn 100 nhà đầu tư Việt Nam tới tìm hiểu cơ hội kinh doanh tại Mỹ. Đó là đoàn doanh nghiệp Việt Nam đông nhất từ trước đến nay tham dự sự kiện.

Theo Đại sứ, điều này thể hiện Việt Nam đang coi trọng việc đầu tư vào Mỹ, cho thấy quan hệ kinh tế giữa hai nước đang ngày càng sâu sắc và mạnh mẽ.

Đại sứ cũng nhấn mạnh các trụ cột về hợp tác giáo dục, y tế, và an ninh – quốc phòng.

Đại sứ cho biết, Mỹ mong muốn đồng hành cùng Việt Nam trong kế hoạch phát triển công nghệ cao, thông qua đầu tư, thương mại, nghiên cứu và sản xuất chung, chuyển giao công nghệ... Ông nhấn mạnh, các hãng công nghệ cao hàng đầu của Mỹ như Intel, Nvidia, Marvell…đều đã có mặt và hoạt động mạnh mẽ tại Việt Nam, khi Việt Nam xây dựng hệ sinh thái công nghệ cao của riêng mình.

Về vấn đề thuế quan đối ứng, Đại sứ Knapper nhấn mạnh Việt Nam đã vào cuộc rất nhanh. Tổng Bí thư Tô Lâm là một trong nhà lãnh đạo đầu tiên có cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump sau khi nhà lãnh đạo Mỹ công bố chính sách thuế đối ứng . Chỉ 1 tuần sau đó, đoàn của Việt Nam đã đến Washington làm việc với các đối tác Mỹ.

“Điều này cho thấy Việt Nam rất chủ động, tích cực, là một đối tác tuyệt vời trong tiến trình này”, Đại sứ nói.

Ngày 2/7, Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Trump có cuộc điện đàm để trao đổi về quan hệ song phương, trong đó có vấn đề thuế quan đối ứng. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc hai đoàn đàm phán của hai nước đã thống nhất Tuyên bố chung Việt – Mỹ về Khuôn khổ Hiệp định thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng.

Đại sứ Knapper khẳng định, việc lãnh đạo của hai nước trao đổi liên tục và ở cấp cao như vậy “phản ánh chất lượng của mối quan hệ Việt – Mỹ, cho thấy sự tôn trọng của Mỹ đối với Việt Nam, cũng như mong muốn mạnh mẽ của chúng tôi nhằm đảm bảo mối quan hệ này sẽ tiếp tục phát triển và đi lên”.

Nhiều chuyển động trong mảng công nghệ cao

Về hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là trong lĩnh vực chất bán dẫn, Đại sứ đánh giá rằng Việt Nam hoàn toàn có năng lực và đã sẵn sàng để vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu về sản xuất công nghệ cao. Đây là điều không chỉ mang lại lợi ích cho Việt Nam mà cũng mang lại lợi ích cho Mỹ. Ông cho rằng hai bên càng hợp tác nhiều trong các lĩnh vực công nghệ cao thì người dân và nền kinh tế hai nước càng được hưởng lợi nhiều hơn.

Đại sứ cho biết, ở cấp độ chính phủ, hai bên đang hợp tác chặt chẽ để hỗ trợ các trường đại học Mỹ, như ĐH bang Arizona, phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam để phát triển các chương trình đào tạo về công nghệ cao, cụ thể là xây dựng chương trình giảng dạy để các trường đại học Việt Nam có thể đào tạo về chất bán dẫn và những ngành kỹ thuật công nghệ tương tự như ở Mỹ.

Ở cấp độ tư nhân, các trường đại học Mỹ cũng rất mong muốn hợp tác với Việt Nam trong đào tạo công nghệ cao. Ví dụ, ĐH Purdue ở bang Indiana hay ĐH Portland State – có liên kết với Intel – cũng đang phát triển nội dung giáo dục tại Việt Nam.

Đại sứ cho biết, các công ty Mỹ đang tích cực hỗ trợ việc đào tạo lại hoặc nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động Việt Nam vì họ cần những lao động có kỹ năng phù hợp cho nhà máy sản xuất chất bán dẫn hoặc thiết kế chip.

Theo Đại sứ, những hoạt động hợp tác này giúp Việt Nam đóng vai trò ngày càng lớn và quan trọng hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu về công nghệ cao.

“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng Việt Nam có thể phát huy hết tiềm năng để trở thành một trung tâm chất bán dẫn – cả ở cấp khu vực và toàn cầu – nơi tinh thần đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp của Việt Nam được phát huy đầy đủ. Đây là điều mà các công ty Mỹ đều nhận thấy rất rõ”, Đại sứ nói.

Ông cho biết, đó là lý do vì sao nhiều lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ cao đã đến thăm Việt Nam, như CEO Tim Cook của Apple; CEO Jensen Huang của NVIDIA; lãnh đạo Qualcomm đến Việt Nam cách đây vài tuần để công bố việc mua lại mảng trí tuệ nhân tạo của VinGroup.

Đại sứ khẳng định, Chính phủ Mỹ, các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục của Mỹ đều mong muốn trở thành một phần trong tương lai công nghệ cao của Việt Nam. “Chúng tôi muốn cùng các bạn đồng hành trên hành trình đó. Bởi vì điều này không chỉ có lợi cho Việt Nam, mà còn có lợi cho cả Mỹ. Chúng tôi mong muốn trở thành đối tác đáng tin cậy của các bạn trong hành trình này”, ông nói.

Đại sứ cũng cho biết, một phần trong nỗ lực hợp tác đó là việc Mỹ hỗ trợ Việt Nam phát triển giáo dục tiếng Anh. Ông cho rằng việc chính phủ Việt Nam quyết định đưa tiếng Anh trở thành một ngôn ngữ chính thức trong hệ thống giáo dục là “bước đi táo bạo, rất quan trọng và cần thiết”.

“Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định này. Chúng tôi cho rằng đó là một ý tưởng tuyệt vời”, ông nói.

Link nội dung: https://www.doanhnhanvatieudung.com/dai-su-my-viet-nam-la-doi-tac-tuyet-voi-trong-dam-phan-thue-doi-ung-a136731.html