Hai người đàn ông ở độ tuổi lao động, không bệnh nền, hiện nguy kịch tại Viện Y học Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) là lời cảnh báo rõ ràng nhất: sởi đang quay trở lại, nguy hiểm và khó lường hơn bao giờ hết.
Bệnh nhân thứ nhất là nam, 35 tuổi, quê Thái Bình. Nhập viện ngày 29/6 với các triệu chứng sốt phát ban và suy hô hấp, chỉ sau vài ngày, người bệnh rơi vào tình trạng nguy kịch với chẩn đoán: sởi biến chứng viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp, viêm cơ tim, suy tim cấp và viêm gan B mạn tính. Hiện bệnh nhân phải thở máy, an thần sâu, sử dụng kháng sinh phổ rộng và điều trị bằng miễn dịch truyền tĩnh mạch (IVIG). Viêm cơ tim, một biến chứng hiếm gặp của sởi đang khiến việc điều trị trở nên phức tạp hơn nhiều, với tiên lượng hạn chế.
![]() |
Bệnh nhân mắc sởi nặng đang được điều trị tích cực tại BV Bạch Mai. |
Bệnh nhân thứ hai, nam, 45 tuổi, đến từ Hà Giang, nhập viện ngày 30/6 trong tình trạng suy hô hấp cấp. Bệnh nhân được xác định mắc sởi, kèm theo viêm phổi nặng. Hiện cũng đang được thở máy qua nội khí quản, điều trị tích cực tại khoa hồi sức với tiên lượng được đánh giá là “rất nặng”.
Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Lê Thanh Đạt, bác sĩ điều trị chính tại Viện Y học Nhiệt đới cho biết, cả hai bệnh nhân đều không rõ tiền sử tiêm vắc xin sởi, không xác định được nguồn lây và trước đó hoàn toàn khỏe mạnh, không có bệnh mạn tính nặng. Điều này cho thấy sởi đang tấn công cả những người trưởng thành vốn được coi là ít nguy cơ.
Bệnh sởi đang thay đổi diện mạo
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp với tốc độ rất nhanh. Trong giai đoạn đầu, triệu chứng có thể chỉ là sốt, ho, phát ban… nhưng các biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim, suy đa cơ quan có thể diễn tiến rất nhanh chóng, đặc biệt ở những người chưa có miễn dịch hoặc hệ miễn dịch suy yếu.
PGS.TS bác sĩ Đỗ Duy Cường, Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Chúng tôi đang tiếp nhận nhiều trường hợp mắc sởi là người lớn, trong đó có phụ nữ mang thai, người có bệnh nền. Không ít bệnh nhân bị biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim, tăng men gan... Nếu không được hồi sức tích cực, nguy cơ tử vong là rất cao”.
Theo bác sĩ Cường, điểm đáng lo ngại là nhiều người trưởng thành hiện không nhớ mình đã từng tiêm phòng sởi hay chưa, hoặc lầm tưởng sởi chỉ là bệnh của trẻ con nên chủ quan. “Đây là quan niệm nguy hiểm. Diễn biến bệnh sởi ở người lớn có thể phức tạp và nặng hơn rất nhiều so với ở trẻ em”, PGS Cường nói.
![]() |
Bệnh sởi tấn công người lớn gây biến chứng nặng. |
Vắc xin là “lá chắn sống” duy nhất
Các chuyên gia dịch tễ và truyền nhiễm đều nhấn mạnh: tiêm vắc xin phòng sởi là biện pháp đơn giản, hiệu quả và an toàn nhất để phòng bệnh. Hai liều vắc xin sởi, mũi đầu lúc 9 tháng tuổi, mũi nhắc lúc 18 tháng có thể tạo miễn dịch bảo vệ lên đến 97%.
Đối với người trưởng thành chưa từng tiêm, không nhớ lịch tiêm, hoặc chưa từng mắc sởi, hoàn toàn có thể và nên tiêm bổ sung. Đặc biệt, người làm việc trong môi trường đông người, sống tại vùng có dịch, phụ nữ chuẩn bị mang thai… càng cần chủ động tiêm phòng để bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Trong bối cảnh bệnh sởi đang có dấu hiệu quay trở lại và gia tăng số ca mắc ở người lớn tại nhiều địa phương, các bác sĩ cảnh báo nếu không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả, hệ thống y tế sẽ đối mặt với áp lực quá tải bởi những ca bệnh nặng như hai trường hợp kể trên.
Thông điệp từ các bác sĩ là rõ ràng: Sởi không chỉ là “bệnh trẻ con”. Bệnh có thể tấn công bất kì ai, ở bất kì lứa tuổi nào. Điều quan trọng là mỗi người cần chủ động kiểm tra lại lịch tiêm chủng của bản thân và người thân, đặc biệt là người lớn tuổi, phụ nữ có kế hoạch mang thai, người mắc bệnh nền, nhân viên y tế, giáo viên, công nhân làm việc trong môi trường tập thể đông người. Chủ động tiêm vắc xin là cách tốt nhất để tránh những hậu quả đáng tiếc, thậm chí là mất mạng, vì căn bệnh tưởng như “quen thuộc” này.
Link nội dung: https://www.doanhnhanvatieudung.com/nhieu-benh-nhan-mac-soi-nhap-vien-nguoi-lon-khoe-manh-van-nguy-kich-vi-bien-chung-a136945.html