Vĩnh Long: Không gian rộng mở, tiềm năng hội tụ

Nằm giữa hạ lưu sông Tiền - sông Hậu và giáp biển Đông, tỉnh Vĩnh Long sau sáp nhập (gồm Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long) có không gian phát triển rộng, tiềm năng và lợi thế vượt trội để trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển và năng lượng tái tạo của vùng.

Tỉnh Vĩnh Long sau sáp nhập (các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Vĩnh Long ) có không gian phát triển rộng lớn, hội tụ tiềm năng, lợi thế vượt trội. Ảnh: Công Danh

Trung tâm kinh tế nông nghiệp của vùng

Nền nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Long đa dạng, phong phú, với thế mạnh đặc trưng về lúa gạo; nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy - hải sản; cùng các loại cây ăn trái chủ lực như cam sành, bưởi da xanh, xoài, nhãn, chôm chôm, dừa, sầu riêng; cây giống - hoa kiểng…

Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức lại sản xuất theo hướng chuỗi giá trị, hình thành các vùng sản xuất tập trung các loại cây trồng chủ lực, cấp mã số vùng trồng, áp dụng các tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, VietGAP…; xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với công nghiệp chế biến, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Song song đó, hệ thống hạ tầng thủy lợi, điện, giao thông được đầu tư đồng bộ nhằm phục vụ sản xuất chuyên canh.

Trong đó, tỉnh Bến Tre trước sáp nhập phát triển mạnh về cây dừa, cây ăn quả, hoa kiểng và cây giống…, là địa phương đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng cây dừa với 79.697 ha, sản lượng trên 707 triệu trái; diện tích cây ăn trái đạt 23.045 ha, sản lượng 280.960 tấn… Toàn tỉnh có 26.524,9 ha sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP và tương đương (dừa: 20.401,2 ha; cây ăn trái: 664 ha; thủy sản: 5.459,7 ha); có 24 mã số vùng trồng nội địa, với diện tích hơn 640 ha; 196 vùng trồng xuất khẩu (có 298 mã), với diện tích 9.460 ha; có 6 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang các thị trường như Hoa Kỳ, New Zealand, châu Âu, Trung Quốc, Thái Lan...

Nông nghiệp được xác định là một trong bốn trụ cột kinh tế của tỉnh Vĩnh Long (cũ), với diện tích lúa cả năm 2024 gần 110.000 ha, sản lượng khoảng 676.829 tấn; diện tích cây màu ước đạt 47.124 ha, sản lượng khoảng 926.126 tấn; diện tích trồng cây lâu năm khoảng 72.052 ha, sản lượng đạt 1.574.500 tấn. Lĩnh vực thủy sản được quan tâm hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua tăng cường ứng dụng các quy trình sản xuất GAP; nuôi cá lồng, bè và nuôi thủy đặc sản theo hướng công nghiệp, thâm canh, an toàn thực phẩm. Sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác năm 2024 đạt khoảng 149.072 tấn.

Trà Vinh trước sáp nhập có nền kinh tế nông nghiệp tăng trưởng, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung. Các chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật tiếp tục được quan tâm đầu tư. Cơ cấu sản xuất chuyển đổi phù hợp với thế mạnh của tỉnh.

Đặc biệt, Trà Vinh có diện tích trồng dừa đứng thứ hai cả nước, chỉ sau Bến Tre, với hơn 7,2 triệu cây dừa, được định hướng sản xuất theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao giá trị cây dừa và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng... Toàn tỉnh có 393 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm); giá trị mang lại từ việc xây dựng sản phẩm OCOP đã góp phần tăng chuỗi giá trị các ngành hàng trong sản xuất và thu nhập của người dân. Tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đến cuối năm 2024 đạt 32.580 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Vĩnh Long hiện nay hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái; hữu cơ, tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, trở thành một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Trung tâm kinh tế biển và năng lượng tái tạo

Sau sắp xếp, tỉnh Vĩnh Long sáp nhập, có bờ biển trải dài 130 km. Tuyến đường ven biển Bến Tre và Trà Vinh đang được đầu tư, kết nối hành lang phía Đông của tỉnh với TP.HCM và khu vực; cửa biển Định An là điểm ra biển của sông Hậu… tạo điều kiện lý tưởng để phát triển kinh tế biển, vận chuyển hàng hóa, dịch vụ ven biển và năng lượng tái tạo. Đây được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Nằm trong Tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL, tỉnh Trà Vinh trước hợp nhất có bờ biển dài 65 km, là cửa ngõ của vùng ĐBSCL với 2 cửa sông (Định An và Cung Hầu), hệ thống cảng biển (Cảng biển Trung tâm điện lực Duyên Hải, Khu bến cảng tổng hợp Định An, Cảng Trà Cú) và luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu - tuyến hàng hải quan trọng của vùng ĐBSCL thông thương ra biển Đông với cả nước và quốc tế.

Tỉnh Vĩnh Long có diện tích 6.296,20 km2, dân số 4.257.581 người (thứ 9/34 tỉnh, thành), GRDP 254.479.941 triệu đồng (thứ 17/34 tỉnh, thành); thu hút 183 Dự án đầu tư trưc tiếp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký hơn 5,9 tỷ USD (thứ 2 trong vùng ĐBSCL).

Trà Vinh còn có Khu kinh tế Định An, được quy hoạch, với diện tích 39.000 ha, được trung ương xác định là một trong các khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước. Đây là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, gồm công nghiệp - thương mại - dịch vụ - đô thị và nông - lâm - ngư nghiệp; tạo động lực phát triển kinh tế địa phương và khu vực.

Đặc biệt, Trà Vinh có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng tái tạo, với công suất hơn 21.000 MW, nhất là tiềm năng điện gió gần bờ và ngoài khơi. Trên địa bàn tỉnh có 4 nhà máy nhiệt điện và 5 nhà máy điện gió, điện mặt trời đang hoạt động, với tổng công suất 4.820 MW. Giai đoạn 2026-2030, Trà Vinh sẽ vận hành thêm 5 dự án, bao gồm điện mặt trời áp mái, điện rác và điện sinh khối, nâng tổng công suất thêm 288 MW.

Bên cạnh đó, Dự án Nhà máy sản xuất hydro xanh Trà Vinh (tại Khu kinh tế Định An), do Công ty cổ phần TGS Trà Vinh Green Hydrogen đầu tư, với công suất 24.000 tấn hydro/năm, 195.000 tấn oxy/năm, đã được khởi công vào tháng 3/2023. Đây là dự án sản xuất hydro có quy mô lớn và là dự án sản xuất hydro xanh từ nguồn năng lượng tái tạo đầu tiên được đầu tư tại Việt Nam.

Tương tự, với bờ biển dài 65 km, tỉnh Bến Tre trước sáp nhập có lợi thế lớn về phát triển kinh tế biển, bao gồm: khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản; phát triển các dự án năng lượng tái tạo; trồng rừng gắn với du lịch sinh thái.

Những năm qua, kinh tế biển của Bến Tre đã có bước phát triển tích cực. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh, khai thác thủy sản xa bờ được đầu tư. Tỉnh đã xây dựng 3 cảng cá tại các huyện biển Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú (cũ). Trong năm 2024, diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn đạt 47.800 ha, trong đó nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh đạt 13.000 ha, sản lượng đạt 313.358 tấn (trong đó diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đạt 523 ha).

Bến Tre còn có thế mạnh về khai thác thủy sản, với 3.606 tàu đánh bắt, tổng sản lượng khai thác thủy sản trong năm 2024 đạt 230.890 tấn. Du lịch sinh thái vùng ven biển Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú (cũ) phát triển khá nhanh. Nhiều khu, điểm du lịch ven biển được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới, sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, đa dạng, hấp dẫn du khách.

Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và năng lượng mới, Bến Tre có 22 dự án điện gió được phê duyệt, với tổng công suất hơn 1.100 MW. Trong đó, 9 dự án đã hoàn tất lắp đặt tua-bin, đóng điện hòa lưới với tổng công suất hơn 250 MW. Cùng với đó, tỉnh đang xúc tiến thủ tục triển khai Dự án Nhà máy sản xuất Hydro xanh Bến Tre (tại xã Bảo Thạnh), do nhà đầu tư The Green Solutions đề xuất, với quy mô sản xuất 24.000 tấn hydro/năm, 182 tấn amoniac/năm và 195.000 tấn oxy/năm.

Xuất phát từ yêu cầu phát triển của tỉnh, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Nghị quyết 04-NQ/TU về phát triển tỉnh theo hướng Đông giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả lợi thế kinh tế biển, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ưu tiên đầu tư tuyến giao thông động lực ven biển và các lĩnh vực như: năng lượng tái tạo, cảng biển - logistics, công nghiệp chế biến; chế tạo, khu đô thị - dịch vụ - du lịch tổng hợp, nông nghiệp công nghệ cao…

Về định hướng phát triển của tỉnh Vĩnh Long (mới), tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre, Thường trực Tỉnh ủy Trà Vinh và Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long vào đầu tháng 6 vừa qua tại Bến Tre, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo: Tỉnh Vĩnh Long sau sáp nhập cần chuyển đổi mạnh từ mô hình tăng trưởng truyền thống sang mô hình phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, liên kết vùng và chuyển đổi số; phát triển kinh tế trên nền tảng khoa học - công nghệ, vốn nhân lực và kinh tế tư nhân.

Trọng tâm là phát triển có chọn lọc các ngành chủ lực, trên cơ sở khai thác hiệu quả lợi thế bổ sung giữa 3 địa phương, gồm: nông nghiệp sinh thái - hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến sâu; kinh tế biển và năng lượng tái tạo ở Trà Vinh; dịch vụ logistics và vận tải nội vùng tại Vĩnh Long; du lịch sinh thái, văn hóa cộng đồng ở Bến Tre -  Vĩnh Long - Trà Vinh gắn với hệ sinh thái sông nước miệt vườn đặc trưng của vùng.

Hình thành các vùng động lực kinh tế liên kết quy mô lớn, có năng lực lan tỏa cao như: vùng ven sông Tiền, sông Hậu phát triển logistics và trung chuyển nông sản; vùng dừa - cây ăn trái - thủy sản của Bến Tre và Vĩnh Long phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nông sản xuất khẩu; vùng ven biển Trà Vinh tập trung cho năng lượng sạch, cảng biển và công nghiệp chế biến thủy - hải sản.

Link nội dung: https://www.doanhnhanvatieudung.com/vinh-long-khong-gian-rong-mo-tiem-nang-hoi-tu-a136970.html