Lương nhà giáo được xếp cao nhất liệu có giảm được dạy thêm, học thêm tràn lan?

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, để giải quyết căn cơ tình trạng dạy thêm, học thêm thì mức lương không phải là yếu tố duy nhất, vấn đề quan trọng là quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm một cách đúng quy định.

Sáng 11/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9, trong đó có Luật Nhà giáo.

Tại họp báo, ông Phạm Ngọc Thưởng - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, Luật Nhà giáo là đạo luật chuyên ngành đầu tiên quy định đầy đủ về vị trí pháp lý, quyền, nghĩa vụ, và các chính sách dành cho đội ngũ nhà giáo.

Một nội dung đáng chú ý trong Luật lần này là việc cải thiện các chính sách về thu nhập đối với nhà giáo. Trong đó, lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, Chính phủ sẽ quy định chi tiết về chính sách tiền lương đối với nhà giáo.

"Đây là căn cứ quan trọng để Chính phủ có những quy định điều chỉnh liên quan đến tiền lương của nhà giáo đảm bảo chủ trương được xếp cao nhất", ông Thưởng nói.

Lương nhà giáo được xếp cao nhất thì có giảm được dạy thêm, học thêm tràn lan? - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng trả lời tại họp báo.

Ông Thưởng cũng cho biết, hiện Bộ GD&ĐT đang khẩn trương triển khai xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ hỗ trợ, thu hút đối với nhà giáo để bảo đảm có hiệu lực đồng bộ khi Luật Nhà giáo có hiệu lực.

Theo dự kiến, Bộ GD&ĐT tham mưu Chính phủ sắp xếp lại bảng lương của một số chức danh nhà giáo như giáo viên mầm non, phổ thông, dự bị đại học, giáo viên giáo dục nghề nghiệp hạng IV…

"Điều này để đảm bảo tính thống nhất về bảng lương áp dụng với các chức danh nghề nghiệp viên chức nhà giáo và viên chức các ngành, lĩnh vực khác. Đồng thời đảm bảo mức sống của nhà giáo, giúp nhà giáo an tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục", ông Thưởng cho hay.

Theo quy định của Luật, nhà giáo còn được hưởng thêm các khoản phụ cấp đặc thù, trách nhiệm, ưu đãi, trợ cấp vùng khó khăn, trợ cấp giáo dục hòa nhập, thâm niên, lưu động... góp phần nâng cao thu nhập toàn diện.

Tại họp báo, trả lời rõ hơn về thang bảng lương của nhà giáo, Thứ trưởng Bộ GĐ&ĐT cho biết, sau khi Luật được ban hành, các nội dung cụ thể về mức lương sẽ tiếp tục được quy định chi tiết tại các nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành.

Về xếp lương cho đội ngũ giáo viên hợp đồng, ông Thưởng thừa nhận đội ngũ này vẫn còn nhiều thiệt thòi và ngành giáo dục rất mong muốn có chính sách tốt hơn cho họ. Tuy nhiên, giáo viên hợp đồng là đối tượng phải tuân thủ các quy định của pháp luật về lao động, cụ thể là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động.

"Tuy vậy, khi Luật đã quy định lương nhà giáo được xếp ở thang bảng cao nhất trong hệ thống sự nghiệp, thì đây sẽ là căn cứ quan trọng để các địa phương, đơn vị sử dụng lao động đàm phán, xây dựng mức lương tương xứng cho giáo viên hợp đồng", ông Thưởng nói và khẳng định, điều này góp phần bảo đảm quyền lợi và tạo điều kiện để giáo viên yên tâm cống hiến, phát huy trí tuệ, tâm huyết với nghề.

"Hiện thực cho thấy, tại một số địa phương, giáo viên hợp đồng dù phải đảm nhiệm công việc tương tự giáo viên biên chế nhưng chỉ nhận được khoảng 70 - 80% mức lương. Điều này là chưa công bằng. Do đó, chúng tôi rất mong muốn tiến tới thiết lập mặt bằng chính sách rõ ràng, công khai, minh bạch để bảo vệ quyền lợi của giáo viên hợp đồng", Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói thêm.

Lương nhà giáo được xếp cao nhất thì có giảm được dạy thêm, học thêm tràn lan? - Ảnh 2.

Lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp theo Luật Nhà giáo.

Trả lời thêm về việc, nếu thang bảng lương của nhà giáo được xếp cao thì liệu có thể giảm được tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan không, ông Thưởng nhắc lại, Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT không cấm hoàn toàn việc dạy thêm, học thêm.

"Những gì bị cấm là các hình thức dạy thêm không đúng quy định, tràn lan, thiếu minh bạch, gây ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh. Cụ thể, giáo viên không được dạy thêm chính học sinh của lớp mình đang giảng dạy tại trường - nhằm bảo đảm sự công bằng, minh bạch, khách quan và chống xung đột lợi ích", ông Thưởng nói.

Bộ trưởng GD&ĐT: Phải dạy thêm, học thêm vì còn nhiều thứ "chưa đủ"Lương nhà giáo được xếp cao nhất, không cấm dạy thêm học thêm

Ông Thưởng cho biết, Bộ GD&ĐT đề cao việc nâng cao chất lượng giờ học chính khóa, yêu cầu giáo viên phải truyền đạt đầy đủ nội dung, sử dụng hiệu quả phương pháp giảng dạy, dành tâm huyết cho tiết học trên lớp để không tạo ra khoảng trống kiến thức khiến học sinh buộc phải học thêm.

Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ tình trạng dạy thêm, học thêm, theo ông Thưởng, mức lương không phải là yếu tố duy nhất.

"Có những giáo viên tâm huyết sẵn sàng dạy miễn phí, hoặc chỉ thu phí tượng trưng. Có trường hợp, việc thu phí chỉ nhằm tạo tâm lý yên tâm cho phụ huynh chứ không nhằm mục đích kinh doanh", ông Thưởng nói.

Theo ông, vấn đề quan trọng là quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm một cách đúng quy định, đồng thời khuyến khích những giáo viên có năng lực, được phụ huynh và học sinh tin tưởng tiếp tục được dạy thêm một cách công khai, minh bạch, chính đáng, không bị hiểu nhầm là ép buộc hay lợi dụng chức trách.

"Luật Nhà giáo đang xây dựng cũng có quy định rõ về việc cấm những hành vi tiêu cực liên quan đến dạy thêm, học thêm nhằm bảo vệ hình ảnh và danh dự của nhà giáo. Đồng thời, khi đã được luật hóa vị trí, vai trò, chính sách ưu đãi thì cũng đi kèm với yêu cầu cao hơn về trách nhiệm và cống hiến của đội ngũ nhà giáo", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nêu rõ.

Link nội dung: https://www.doanhnhanvatieudung.com/luong-nha-giao-duoc-xep-cao-nhat-lieu-co-giam-duoc-day-them-hoc-them-tran-lan-a137216.html