
SCMP đưa tin, cơ quan Hải quan Hồng Kông (Trung Quốc) vừa thu giữ một lượng lớn thuốc và sản phẩm chăm sóc cá nhân giả, trị giá khoảng 1,1 triệu đô la Hồng Kông (tương đương hơn 3,6 tỷ đồng), trong các cuộc kiểm tra tại bốn cửa hàng thuộc các khu vực Causeway Bay, Tsim Sha Tsui và Sheung Shui.
Theo thông báo của Cục Hải quan và Tiêu thụ đặc biệt, các mặt hàng bị thu giữ gồm thuốc Angong Niuhuang và Ricqles Peppermint Cure giả, cùng với một số mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc da không rõ nguồn gốc.
Thanh tra Ho Ko-jit từ đơn vị điều tra sở hữu trí tuệ cho biết, các sản phẩm giả được làm khá tinh vi, khiến người tiêu dùng khó phân biệt thật – giả. Tuy nhiên, một số chi tiết chống hàng giả vẫn còn sơ sài do các đối tượng muốn tiết kiệm chi phí.
"Những sản phẩm này được dùng trực tiếp hoặc bôi lên da, nhưng thành phần và tác dụng của chúng chưa được kiểm chứng. Điều này có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người sử dụng", ông Ho cảnh báo.

Trong cuộc kiểm tra ngày 10/7, cơ quan chức năng đã thu giữ tổng cộng 950 sản phẩm giả và 39.000 viên thuốc chưa được cấp phép hoặc đăng ký với Bộ Y tế.
Năm người, gồm một giám đốc công ty và bốn nhân viên (bốn nam, một nữ, tuổi từ 29 đến 48), đã bị bắt vì nghi ngờ vi phạm Pháp lệnh Mô tả Thương mại và Pháp lệnh Dược phẩm và Chất độc. Cảnh sát không loại trừ khả năng có thêm người bị bắt.
Hải quan cho biết sẽ gửi các mẫu thuốc giả đi kiểm tra để xác định có chứa chất độc hại hay không.
Đại diện cơ quan điều tra cũng hướng dẫn người tiêu dùng một số dấu hiệu phân biệt hàng thật – giả. Ví dụ, thuốc Ricqles Peppermint Cure chính hãng dùng giấy mỏng, in rõ ràng cho tờ hướng dẫn sử dụng, trong khi hàng giả in mờ trên giấy thường. Ngoài ra, đáy chai hàng thật có bề mặt mịn, còn hàng giả thì thô ráp hơn.
Đối với thuốc Angong Niuhuang, bao bì thật có màu sáng, hình mờ rõ và dòng chữ về hạn sử dụng cùng số lô được in bằng phông nhỏ, rõ ràng. Trong khi đó, sản phẩm giả có màu tối hơn, hình mờ mờ nhạt và dòng chữ bị lệch, in bằng phông lớn.
Ông Ho khuyến cáo người tiêu dùng nên mua hàng tại các cửa hàng uy tín. Trong trường hợp nghi ngờ, nên liên hệ trực tiếp với nhãn hiệu hoặc đại diện chính thức để xác minh. Ông cũng nhấn mạnh rằng người bán hàng cần thận trọng khi nhập hàng, bởi buôn bán hàng giả là hành vi vi phạm nghiêm trọng và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định, hành vi buôn bán hoặc tàng trữ hàng giả với mục đích kinh doanh có thể bị phạt tới 500.000 đô la Hồng Kông và phạt tù lên đến 5 năm. Ngoài ra, sở hữu thuốc hoặc chất độc thuộc danh mục chưa được cấp phép có thể bị phạt 100.000 đô la Hồng Kông và tù đến 2 năm.