Lộ trình hạn chế xe máy và tầm nhìn dài hạn của Chính phủ

Chính phủ và Thủ tướng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo có tính định hướng, tạo nền tảng pháp lý thực hiện giải pháp quản lý phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy.

Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, ô nhiễm không khí và ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng, Chính phủ đã thể hiện một tầm nhìn dài hạn, nhất quán và quyết liệt trong việc từng bước hạn chế, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM.

Đây không chỉ là biện pháp quản lý giao thông, mà còn là bước đi chiến lược nhằm kiến tạo những thành phố hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường.

Lộ trình hạn chế xe máy và tầm nhìn dài hạn của Chính phủ- Ảnh 1.

Đường phố Hà Nội tắc nghẽn trong giờ cao điểm.

Kiểm soát khí thải và thu hồi xe máy quá niên hạn

Cột mốc quan trọng đầu tiên được xác lập từ năm 2008 , khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 16/2008 về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại TP Hà Nội và TP.HCM.

Điều 4 của Nghị quyết yêu cầu "Đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông, tổ chức giao thông hợp lý và hiệu quả", trong đó có nội dung quy định việc cấm mô tô, xe gắn máy và ô tô lưu thông trên một số tuyến phố vào một số giờ nhất định phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu vực trong TP Hà Nội và TP.HCM.

Đến ngày 17/6/2010 , Thủ tướng ký Quyết định 909/2010 phê duyệt Đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố.

Trong đó, lãnh đạo Chính phủ đặt mục tiêu giai đoạn 2013-2015: thực hiện kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải từ 80-90% số lượng xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại TP Hà Nội và TP.HCM; mở rộng mạng lưới cơ sở kiểm định để thực hiện kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải 60% số lượng xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các thành phố loại 1 và loại 2.

Ngày 22/5/2015 , Thủ tướng ban hành Quyết định 16/2015 quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ. Theo đó, danh mục sản phẩm thải bỏ (trong đó có xe máy quá niên hạn sử dụng) và thời điểm thực hiện thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ được Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng xem xét, nhằm đảm bảo an toàn sử dụng và tránh ô nhiễm môi trường.

Với tầm nhìn thực tiễn và quyết liệt hơn, Nghị quyết 48 về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025, được Chính phủ ban hành ngày 5/4/2022.

Theo đó, 5 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) được giao nghiên cứu xây dựng Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới lộ trình hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030.

Cùng đó, nghiên cứu xây dựng, triển khai Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào.

Chủ trương này nhằm hạn chế số lượng ô tô, xe máy vào các thành phố lớn.

Ngày 22/7/2022 , Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải được Thủ tướng phê duyệt. Trong đó mục tiêu của Chính phủ đặt ra là tiến tới điện hoá lĩnh vực giao thông vận tải bao gồm tất cả đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, hàng hải và đường không.

Với đường bộ, giai đoạn 2022-2030, Việt Nam ưu tiên thúc đẩy, sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện, phát triển hạ tầng sạc điện, khuyến khích các bến xe, trạm dừng chuyển đổi theo tiêu chí xanh.

Giai đoạn 2031-2050, năm 2040, Việt Nam sẽ từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô, mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hoá thạch để sử dụng trong nước.

Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ như ô tô, xe máy tham gia giao thông phải chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Tiếp đó, ngày 21/9/2023 , Chính phủ ban hành Nghị quyết 149 về chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 23 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu các địa phương ưu tiên đầu tư vận tải hành khách công cộng, nhất là loại hình lưu lượng lớn. Người dân được khuyến khích chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông xanh gắn với lộ trình hạn chế dần phương tiện cá nhân tại đô thị lớn.

Chính phủ giao các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội và TP.HCM phân luồng giao thông, quản lý xe cá nhân để tạo không gian đi bộ trên vỉa hè cho người dân, giúp họ dễ tiếp cận phương tiện vận tải công cộng.

Các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM cần đảm bảo tiến độ. Tuyến giao thông kết nối với đường sắt đô thị, buýt nhanh (BRT) cần được xây dựng. Mạng lưới xe buýt hoàn thiện, trong đó có xe nhỏ phù hợp với điểm trung chuyển, đầu mối giao thông, kết nối đường sắt đô thị.

Kịch bản cụ thể cho Hà Nội

Mới đây nhất, trong bối cảnh ô nhiễm môi trường đe dọa sức khỏe cộng đồng, Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành Chỉ thị 20 với hệ thống giải pháp đồng bộ, yêu cầu địa phương, bộ ngành triển khai từ năm 2025.

Một trong những định hướng trọng tâm của Chỉ thị 20 là kiểm soát sự gia tăng phương tiện cá nhân tại các đô thị lớn, thúc đẩy phát triển giao thông công cộng và phương tiện thân thiện với môi trường.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Xây dựng phải hoàn thiện lộ trình phát triển hệ thống giao thông công cộng ngay từ năm 2025, kết hợp với kiểm soát khí thải xe cơ giới. Việc ban hành và áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải phương tiện đường bộ phải hoàn tất trong quý 3/2025.

Bộ Tài chính được giao nghiên cứu bổ sung quy định thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải phương tiện giao thông, đồng thời rà soát các chính sách ưu đãi để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư vào giao thông xanh.

Theo Chỉ thị 20, Hà Nội phải triển khai sớm các biện pháp mạnh nhằm giảm phát thải từ giao thông và xử lý ô nhiễm môi trường đô thị, với lộ trình cụ thể đến năm 2030.

Trước mắt, thành phố phải lập và công bố Đề án vùng phát thải thấp trong quý 3/2025; đồng thời huy động ngân sách và nguồn lực xã hội để phát triển hệ thống giao thông công cộng, bảo đảm kết nối liên thông các khu vực trọng điểm. Việc đầu tư hạ tầng trạm sạc, dịch vụ hỗ trợ phương tiện sử dụng năng lượng sạch cũng phải đẩy mạnh.

Trước ngày 30/9, Hà Nội phải ban hành cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phương tiện sử dụng năng lượng sạch; doanh nghiệp đầu tư hạ tầng phục vụ phương tiện điện; và có chính sách khuyến khích người dân chuyển đổi từ phương tiện chạy xăng dầu sang phương tiện xanh hoặc giao thông công cộng.

Lộ trình hạn chế xe máy và tầm nhìn dài hạn của Chính phủ- Ảnh 2.

Thủ tướng yêu cầu từ 1/7/2026 Hà Nội cấm xe máy chạy xăng dầu trong Vành đai 1.

Thành phố cần nghiên cứu để từ quý 3/2025 điều chỉnh tăng lệ phí trước bạ, đăng ký, cấp biển số và phí trông giữ phương tiện chạy xăng dầu tại khu vực trung tâm. Từ ngày 1/7/2026, Hà Nội phải bảo đảm không còn xe mô tô, xe gắn máy chạy xăng dầu lưu thông trong khu vực Vành đai 1.

Từ 1/1/2028, cùng với việc cấm xe máy, ô tô cá nhân chạy xăng dầu cũng bị hạn chế hoạt động trong Vành đai 1 và Vành đai 2; đến năm 2030, phạm vi hạn chế được mở rộng đến Vành đai 3.

Lộ trình cấm xe máy là một phần trong chiến lược phát triển bền vững mà Chính phủ đang kiên trì theo đuổi. Đó là lựa chọn cần thiết để đất nước bước vào kỷ nguyên đô thị hiện đại, giao thông xanh, thân thiện môi trường. Để hiện thực hóa tầm nhìn này, không chỉ cần sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, mà còn cần sự đồng thuận, chuẩn bị tâm thế và thay đổi hành vi từ mỗi người dân.

Bước chuyển này sẽ không dễ dàng, nhưng nếu làm bài bản, nhân văn và khoa học - đây sẽ là một cú hích lịch sử để Việt Nam thoát khỏi vòng luẩn quẩn của giao thông lạc hậu và ô nhiễm, vươn lên thành quốc gia phát triển có chất lượng sống cao.

Link nội dung: https://www.doanhnhanvatieudung.com/lo-trinh-han-che-xe-may-va-tam-nhin-dai-han-cua-chinh-phu-a138142.html