Lâu nay, những lo ngại về chất lượng đào tạo đại học đã tồn tại trong dư luận, đặc biệt khi đầu vào được cho là ngày càng dễ dàng – một thực tế thường được ví von là "khó nhất là trượt đại học".
Cùng với đó, quyền tự chủ mở ngành ngày càng rộng của các trường, những trăn trở về chất lượng chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất tại không ít cơ sở giáo dục, càng khiến mối quan tâm này thêm sâu sắc.
Mối lo này càng trở nên đáng kể khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang xây dựng dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục Đại học. Dự thảo đề xuất bỏ quy định bắt buộc kiểm định chương trình đối với phần lớn các ngành, chỉ thực hiện ở một số rất ít ngành đặc thù như sư phạm, sức khỏe, luật, công an, quốc phòng và một số chương trình khác do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định.
Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về đề xuất này. Bởi lẽ, khi chất lượng giáo dục đại học chưa thực sự được chứng minh rõ ràng, việc sắp tới thiếu đi một cơ chế kiểm định độc lập từ bên ngoài sẽ khiến chất lượng đào tạo trở thành một dấu hỏi lớn.
Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ - luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Kim Phụng và Cộng sự, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) xoay quanh việc kiểm định chương trình đào tạo đại học, cũng như bài toán về chi phí kiểm định và giải pháp nâng cao công tác kiểm định chất lượng.
Không kiểm định, ít kiểm tra – cơ hội giảm chi phí hay nguy cơ giảm chất lượng?
NĐT: Thưa bà, nếu bỏ quy định bắt buộc kiểm định chương trình đào tạo, liệu có rủi ro nào về việc giảm sút chất lượng ở các trường đại học, đặc biệt là các trường không thuộc nhóm đầu?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Tôi cho rằng một trường tốt, trường top đầu thì chất lượng sẽ vẫn tốt vì những người giỏi đã lựa chọn trường để theo học, tên của các trường đó đã là sự đảm bảo chất lượng cho các sinh viên tốt nghiệp thì họ không dễ gì đánh mất uy tín. Kể cả không bắt buộc kiểm định, nhiều trường trong số này cũng sẽ tự nguyện mời các tổ chức kiểm định uy tín để đánh giá chất lượng từ bên ngoài và tư vấn phát triển cho trường mình (như giai đoạn trước khi ban hành bộ tiêu chuẩn kiểm định). Tuy nhiên, tỉ lệ của các trường này trong toàn hệ thống không thể cao.
Đối với nhiều trường không thuộc top đầu thì việc không kiểm định, ít kiểm tra… sẽ là cơ hội tốt để cho một số trường giảm chi phí, trong đó sẽ có những chi phí đầu tư cho chất lượng bị giảm và không thể khẳng định rằng chất lượng sẽ không bị giảm.
Tiến sĩ - luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Kim Phụng và Cộng sự, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT).
Hệ thống cũng chưa có một công cụ khách quan nào để xác định tỉ lệ việc làm đúng trình độ của sinh viên sau tốt nghiệp nên chưa có căn cứ xử lý đối với các trường có tỉ lệ việc làm (đúng trình độ) thấp; chưa có công cụ xác định việc quảng cáo sai sự thật để người học không đủ thông tin xác thực khi chọn trường…
Vì vậy, ở thời điểm này, không có căn cứ để có thể nói rõ về hệ quả của việc không kiểm định chương trình đào tạo nhưng tôi nhớ lại năm 2014, Bộ GD&ĐT tiến hành rà soát sơ bộ điều kiện giảng viên thì có tới 207 ngành của 70 trường đại học không đảm bảo điều kiện này.
Hiện nay, quyền tự chủ của các trường còn cao hơn nhiều so với thời điểm 2014 nên nếu không có kiểm định chương trình đào tạo để thực hiện hậu kiểm định kỳ thì không biết chất lượng sẽ đi về đâu!
NĐT: Có ý kiến cho rằng kiểm định chất lượng chương trình đào tạo đại học là tốn kém và không cần thiết. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào, và liệu chi phí này có thực sự tương xứng với giá trị mang lại?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Thực tế, làm bất cứ việc gì hữu ích cũng phải có chi phí về tiền bạc, công sức, thời gian… mới có kết quả. Kiểm định chất lượng chương trình đào tạo là việc liên quan đến công tác quản lý chất lượng giáo dục của Nhà nước, liên quan đến uy tín và sự phát triển của cơ sở giáo dục đại học và hệ thống giáo dục đại học nói chung nên cần sự tham gia của các kiểm định viên có trình độ cao, có tâm, có tầm và phải hết sức cẩn trọng và vì thế không thể không tốn kém.
Tuy nhiên, sẽ không gọi là "tốn kém" nếu việc đó là cần thiết mang lại giá trị tương xứng hoặc đạt được mục đích mà các bên liên quan đều quan tâm. Được thế thì đó sẽ là những khoản chi cần thiết cho đầu tư phát triển.
Còn nếu nó không mang lại giá trị hoặc mang lại ít giá trị, không tương xứng với chi phí hoặc nó có giá trị tương xứng nhưng giá trị đó không được coi trọng, không được sử dụng vì những chủ thể chính (Nhà nước, cơ sở giáo dục) lại không cần đến các giá trị đó… thì sẽ là tốn kém và không cần thiết.
Vì vậy, coi đó là khoản đầu tư phát triển cần thiết hay coi đó là tốn kém không cần thiết sẽ phụ thuộc vào quan điểm của cơ quan có thẩm quyền và lãnh đạo các trường. Từ quan điểm sẽ chi phối cách thực hiện và kết quả thực hiện việc kiểm định chất lượng của các chủ thể có liên quan.
Nhà nước nếu coi đó là công việc cần thiết sẽ có những quy định kiến tạo hợp lý, cấp phép hoạt động, cấp thẻ cho các kiểm định viên thực sự là những chuyên gia có tâm, có tầm, có đạo đức nghề nghiệp; giám sát chặt chẽ, sâu sát, điều chỉnh kịp thời và xử lý vi phạm nghiêm minh… để công tác này thực sự hiệu quả, không phiền hà, không tốn kém và không buông lỏng quản lý.
Cơ sở giáo dục nếu coi đó là công việc cần thiết sẽ tự mình thực hiện công tác bảo đảm chất lượng bên trong và xây dựng văn hóa chất lượng; tìm kiếm và mời các tổ chức kiểm định, kiểm định viên có tâm, có tầm, có uy tín, làm việc thực chất để được đánh giá khách quan từ bên ngoài, được công nhận chất lượng và được tư vấn cải tiến phát triển cho cơ sở mình.
Thực tế, trước khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo đầu tiên vào năm 2016 và áp dụng vào năm 2017, một số trường đại học đã tự nguyện đăng ký kiểm định với một số tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế và đã có 88 chương trình đào tạo được tự nguyện kiểm định.
Tuy nhiên, giai đoạn đó, cả hệ thống cũng chỉ có 22 trường đại học (chiếm khoảng 10% số trường trong hệ thống), chủ yếu là các trường lớn, có uy tín như các trường đại học Bách khoa, Cần Thơ, Hoa sen… và một số trường thành viên của hai đại học Quốc gia thực hiện việc này. Điều đó cho thấy kiểm định chất lượng là cần thiết, nhưng nếu không quy định bắt buộc thì chỉ số ít trường thực hiện việc đó.
Kiểm định chất lượng trở thành công cụ quan trọng
NĐT: Trong bối cảnh các trường đại học ngày càng tự chủ và lực lượng thanh tra giáo dục mỏng, nếu buông lỏng kiểm định chất lượng, không có đơn vị độc lập bên ngoài để rà soát chương trình, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên… Vậy chất lượng giáo dục sẽ đi đâu về đâu, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Không kiểm định với hầu hết các chương trình đào tạo thì ở góc nhìn lạc quan nhất, có thể nói chúng ta phải tin tưởng vào sự quản lý chất lượng của Nhà nước, sự giám sát của xã hội; phải tin tưởng vào sự tự giác của các trường đại học, họ phải tự xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng… nếu không thì họ sẽ bị người học, người sử dụng lao động quay lưng và đó là tự sát.
Tuy nhiên, trong quan sát của tôi, từ trước đến giờ Nhà nước vẫn quản lý, xã hội vẫn giám sát… và sắp tới cũng chưa nhìn thấy căn cứ mới nào đảm bảo rằng trong thời gian tới, không có quy định kiểm định bắt buộc, định kỳ đối với hầu hết các chương trình đào tạo thì Nhà nước vẫn sẽ quản lý tốt đối với chất lượng đào tạo trong toàn hệ thống, xã hội sẽ tăng cường giám sát hơn và các trường sẽ tự giác, ý thức hơn về trách nhiệm đối với người học và xã hội.
Để việc kiểm định chất lượng chương trình đào tạo thực sự hiệu quả cũng cần nhiều giải pháp.
Thời gian trước khi có kiểm định, Nhà nước quản lý chất lượng chặt chẽ theo cơ chế tiền kiểm. Nhưng nhiều năm nay, các trường đại học đã được tự chủ trong nhiều hoạt động (tuyển sinh, mở ngành, đào tạo, kiểm tra đánh giá, cấp bằng tốt nghiệp…) thì cơ chế tiền kiểm dần được thay bằng hậu kiểm; và kiểm định chất lượng trở thành công cụ quan trọng.
Ngoài ra, các trường còn phải duy trì các điều kiện đảm bảo chất lượng đối với các ngành đào tạo đã được Nhà nước cho phép đào tạo trước kia.
Đặt trong bối cảnh lực lượng thanh tra chuyên ngành giáo dục không còn nữa, lực lượng kiểm tra rất mỏng và độ bao phủ rất thấp… nếu lại bỏ luôn kiểm định bắt buộc với đa số các chương trình đào tạo thì không biết chất lượng sẽ đi về đâu!.
Vấn đề này cần được đánh giá tác động và tham khảo kinh nghiệm của các nước phát triển để có thể xác định chính sách quản lý chất lượng hiệu quả trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc đánh giá tác động của chính sách giáo dục đào tạo cũng khó có thể thấy ngay, mà ít nhất phải sau 5 năm trở lên, khi thị trường lao động đã bước đầu sử dụng một số sản phẩm đào tạo mà không có cả tiền kiểm lẫn hậu kiểm thì lúc đó có thể đã là muộn.
Bài toán chi phí kiểm định: Đầu tư hay tốn kém?
NĐT: Theo bà, trước những băn khoăn về chi phí kiểm định, liệu có những giải pháp nào để giảm bớt gánh nặng tài chính mà vẫn đảm bảo hiệu quả quản lý chất lượng đào tạo?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Tôi cho rằng, để kiểm định chất lượng chương trình đào tạo không quá tốn kém thì cần kết hợp nhiều giải pháp, ví dụ như:
Thứ nhất, Nhà nước nên quy định khung giá dịch vụ kiểm định chất lượng phù hợp để vừa tính đến giá trị lao động chuyên gia, vừa giảm thiểu tình trạng tăng giá không hợp lý hoặc cạnh tranh giảm giá làm ảnh hưởng đến chất lượng của hoạt động kiểm định.
Thứ hai, hiện Bộ GD&ĐT đã mở rộng thời gian của chu kỳ kiểm định chất lượng thứ hai, nếu kết quả tốt hơn chu kỳ đầu thì thời hạn công nhận chất lượng là 7 năm là đã giãn thời gian kiểm định chất lượng cho các trường tốt một cách thỏa đáng.
Điều này có thể tiếp tục quy định từ chu kỳ thứ ba, nếu tốt hơn chu kỳ thứ hai thì thời hạn công nhận chất lượng là 10 năm. Như vậy, hệ thống chỉ mất thời gian nhiều hơn cho chu kỳ đầu, để nề nếp làm việc và xu hướng cải tiến liên tục được hình thành rõ nét hơn ở các trường.
Sau đó, có thể giãn chu kỳ kiểm định để không mất nhiều thời gian nhưng vẫn yêu cầu duy trì điều kiện đảm bảo chất lượng và xu hướng cải tiến liên tục trong mọi hoạt động.
Việc mở các ngành/chương trình đào tạo mới cần cân nhắc kỹ về sự cần thiết theo nhu cầu xã hội.
Thứ ba, Bộ GD&ĐT mở rộng cơ sở dữ liệu giáo dục đại học theo yêu cầu của công tác kiểm định chất lượng để các cơ sở đào tạo báo cáo và các tổ chức kiểm định chất lượng, các kiểm định viên được sử dụng để rút ngắn thời gian khảo sát thực tế tại các trường. Kinh nghiệm này ở Úc đã được thực hiện rất hiệu quả.
Thứ tư, mỗi ngành đào tạo chỉ quy định kiểm định định kỳ 1 chương trình đào tạo (trừ một số ngành Nhà nước thấy cần thiết phải kiểm định tất cả các chương trình đào tạo như các ngành sức khỏe, đào tạo giáo viên, pháp luật). Mức này là phù hợp trong điều kiện Nhà nước đang quản lý danh mục ngành đào tạo. Cũng đảm bảo quyền tự chủ mở ngành của các trường, Nhà nước quản lý được chất lượng mà không phải mở rộng cơ chế tiền kiểm, cơ chế xin-cho…
Thứ năm, các trường cần đánh giá lại các chương trình đào tạo, có thể đóng một số chương trình đào tạo không còn phù hợp. Việc mở các ngành/chương trình đào tạo mới cần cân nhắc kỹ về sự cần thiết theo nhu cầu xã hội, tránh tình trạng mở nhiều ngành, nhiều chương trình đào tạo để tuyển sinh được nhiều như thực tế ở một số trường trong thời gian qua.
Thứ sáu, khi lựa chọn dịch vụ kiểm định chất lượng, các trường nên ưu tiên các tổ chức kiểm định chất lượng, các kiểm định viên có chất lượng trên cùng địa bàn để giảm thiểu chi phí đi lại, lưu trú…
Nếu thực hiện tất cả các giải pháp trên thì từ chu kỳ thứ 2 trở đi, công tác kiểm định chất lượng đã rất gọn nhẹ do cơ sở dữ liệu đầy đủ, thời gian công nhận đạt chất lượng dài… mà không buông lỏng quản lý chất lượng đối với bất cứ chương trình đào tạo nào, giai đoạn nào...
Tương tự, để việc kiểm định chất lượng chương trình đào tạo thực sự hiệu quả cũng cần nhiều giải pháp và sự tham gia thực chất của nhiều chủ thể.
Theo đó, Nhà nước nên có cơ chế thẩm định xác suất đối với các báo cáo đánh giá ngoài, hồ sơ kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm định chất lượng để nâng cao chất lượng của hoạt động kiểm định hoặc có thể thành lập Hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục quốc gia để thẩm định kết quả đánh giá chất lượng của các trung tâm kiểm định chất lượng trên một mặt bằng chung, nhằm nâng cao chất lượng và sự công bằng.
Ngoài ra, các trường cần được thực hiện quyền lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục tốt. Sau khi có kết quả kiểm định chất lượng, theo Thông tư số 13/2023, các trường có quyền và cần nhận xét, đánh giá, phản hồi rõ ràng với cơ quan quản lý về chất lượng của hoạt động kiểm định vừa thực hiện, về Tổ chức kiểm định chất lượng, về đoàn đánh giá ngoài và kiểm định viên để yêu cầu các tổ chức kiểm định chất lượng phải đảm bảo chất lượng thực chất trong hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục.
Trong vấn đề này, yêu cầu của cơ sở giáo dục rất quan trọng, thậm chí đóng vai trò quyết định, nếu nhà trường cần chất lượng thực sự thì họ sẽ có cách để chọn tổ chức kiểm định chất lượng và kiểm định viên tốt, đặc biệt là năng lực tư vấn phát triển. Nếu họ chỉ cần bản quyết định công nhận đạt chất lượng thì từ việc chọn tổ chức kiểm định đến cách làm việc với tổ chức kiểm định sẽ bị chi phối bởi mục đích này.
Cùng với đó là việc xây dựng uy tín, thương hiệu của các Tổ chức kiểm định chất lượng và cái tâm, cái tầm, lòng tự trọng của mỗi kiểm định viên trong công tác kiểm định chất lượng. Các tổ chức kiểm định chất lượng biết rất rõ họ đang hướng tới tổ chức việc đánh giá chất lượng như thế nào: đánh giá thực chất và tư vấn phát triển hay chủ yếu là hợp lý hóa hồ sơ, quy trình và cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng chương trình đào tạo.
Các kiểm định viên cũng là người biết rõ nhất mình có thực sự là chuyên gia trong công việc này hay không, có năng lực đánh giá và tư vấn phát triển cho các trường hay không?.
Nếu Nhà trường, tổ chức kiểm định và kiểm định viên đều hướng tới uy tín và chất lượng thì chắc chắn chất lượng của công tác kiểm định sẽ được nâng cao và có giá trị thiết thực trong xây dựng văn hóa chất lượng và phát triển nhà trường.
Điều này được minh chứng tại rất nhiều nước phát triển, kiểm định chất lượng không phải là bắt buộc nhưng các trung tâm kiểm định vẫn phát triển và các trường, thậm chí là các trường nước ngoài vẫn mời tổ chức kiểm định chất lượng uy tín để kiểm định định kỳ.
Cuối cùng là sự quản lý, giám sát chặt chẽ của Nhà nước và sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông trong việc tuyên truyền, biểu dương, phê phán… để lan tỏa những điển hình tốt và giảm thiểu những hiện tượng tiêu cực trong công tác kiểm định chất lượng.
NĐT: Xin trân trọng cảm ơn bà!
Công Luân
Link nội dung: https://www.doanhnhanvatieudung.com/bo-bat-buoc-kiem-dinh-chuong-trinh-dao-tao-chat-luong-giao-duc-dai-hoc-se-di-ve-dau-a139266.html