Ngay từ đầu năm, Bộ Y tế đã lồng ghép chủ đề này vào Kế hoạch truyền thông dân số năm 2025, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về quyền, trách nhiệm và lựa chọn trong vấn đề sinh sản, một nội dung được khẳng định trong Pháp lệnh Dân số sửa đổi năm 2025 vừa được Quốc hội thông qua.
“Quyền tự quyết về sinh sản là quyền được quyết định có sinh con hay không, sinh mấy con, khi nào sinh và khoảng cách giữa các lần sinh, trên cơ sở tự nguyện và có đầy đủ thông tin. Mong muốn có hai con vẫn đang phổ biến trong xã hội Việt Nam hiện nay. Vì vậy, trao quyền không đồng nghĩa buông lỏng chính sách, mà là tạo điều kiện để mỗi cá nhân, cặp vợ chồng hiện thực hóa mong muốn trong khuôn khổ hỗ trợ của Nhà nước”, ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số nhấn mạnh.
Theo ông Dũng, điều này phù hợp với quan điểm mới trong chính sách dân số, chuyển từ “kế hoạch hóa gia đình” sang “dân số và phát triển” như Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ rõ: Dân số không chỉ là số lượng, mà là chất lượng, cơ cấu, phân bố và xu hướng dịch chuyển, gắn với sự phát triển bền vững quốc gia.
![]() |
Quan điểm mới trong chính sách dân số, chuyển từ “kế hoạch hóa gia đình” sang “dân số và phát triển”. |
Thành tựu và thách thức sau ba thập kỉ
Việt Nam là một trong 179 quốc gia đã tham dự Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) năm 1994 tại Cairo, nơi các quốc gia cam kết lấy con người làm trung tâm của mọi chính sách. Sau hơn ba thập kỉ, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể: tốc độ gia tăng dân số được kiểm soát, đang ở trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, tuổi thọ trung bình đạt 74,7 tuổi (2024), dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, tiền hôn nhân, tầm soát trước sinh và sơ sinh ngày càng được mở rộng.
Tuy vậy, các thách thức vẫn hiện hữu và có xu hướng gia tăng: tỉ suất sinh tiếp tục ở mức thấp và chưa có dấu hiệu phục hồi; Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh còn dai dẳng; tỉ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên tăng nhẹ trở lại, trong khi chất lượng sống của người dân vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn nhiều bất cập.
“Đây là lúc Việt Nam cần hành động quyết liệt và có định hướng hơn trong chính sách dân số, không chỉ để ứng phó với già hóa mà còn để tận dụng cơ hội phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai”, một chuyên gia từ UNFPA nhận định.
Gia đình - mắt xích quan trọng của chính sách dân số
Trước lo ngại rằng việc trao quyền sinh sản hoàn toàn cho các cặp vợ chồng có thể dẫn tới bùng nổ dân số, nhiều chuyên gia khẳng định: nguy cơ này là không thực tế trong bối cảnh mức sinh đang giảm sâu tại Việt Nam và ở nhiều nước châu Á.
Thay vào đó, cần tập trung xây dựng hệ thống hỗ trợ từ giáo dục sinh sản, truyền thông thay đổi hành vi, tới chính sách tài chính, việc làm, nhà ở, y tế để mỗi gia đình có thể quyết định việc sinh con trong điều kiện tốt nhất, bảo đảm đứa trẻ được sinh ra khỏe mạnh và có tương lai phát triển toàn diện.
“Chính sách dân số hiện đại không chỉ dừng lại ở số lượng, mà hướng tới chất lượng của con người, của cuộc sống và của sự phát triển quốc gia”, ông Lê Thanh Dũng nói.
Bộ Y tế đang chủ trì xây dựng Luật Dân số và Chương trình mục tiêu chăm sóc sức khỏe, dân số và phát triển giai đoạn 2026-2035, với nguyên tắc xuyên suốt: lấy con người làm trung tâm, là mục tiêu của sự phát triển bền vững. Mọi chính sách dân số trong giai đoạn tới sẽ không còn “ép buộc” mà chuyển sang “trao quyền, hỗ trợ, tạo điều kiện”, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.


