Chuyển chợ truyền thống thành siêu thị?

Admin

25/04/2025 13:00

TP HCM đang nghiên cứu hướng phát triển mới cho chợ dân sinh, trong đó nhiều khả năng sẽ dẹp bớt một số chợ không hiệu quả hoặc chuyển công năng.

Chợ dân sinh đóng vai trò quan trọng trong việc phân phối chuỗi cung ứng hàng hóa ở TP HCM. Chợ truyền thống cũng là một thiết chế văn hóa - xã hội quan trọng, tồn tại song hành với quá trình phát triển của thành phố. Tuy nhiên, mãi lực chợ ngày càng giảm, đặt ra thách thức phải đổi mới mô hình hoạt động hoặc thay đổi công năng để tiếp tục phát triển.

Chợ mất sức hút

Theo số liệu từ Sở Công Thương TP HCM, sau đại dịch COVID-19, sức mua sắm tại các chợ chỉ đạt khoảng 50%-70% so với trước đó.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, nhận xét bên cạnh hạ tầng kinh doanh đang xuống cấp, các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm, bán hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, phòng cháy chữa cháy và vệ sinh môi trường tại chợ vẫn chưa được giải quyết triệt để… Điều này ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của chợ và người tiêu dùng mất dần niềm tin.

Chợ truyền thống còn chịu sự cạnh tranh trực tiếp từ một số chuỗi bán lẻ hiện đại có cùng phân khúc khách hàng. Những chuỗi bán lẻ này không chọn cạnh tranh với siêu thị mà cạnh tranh trực tiếp với chợ. "Ở đâu có chợ truyền thống thì cửa hàng mọc ở đó, khiến hoạt động chợ đã khó càng khó hơn" - ông Phương nhận xét.

Sau dịch COVID-19, số chợ thực sự hoạt động tại TP HCM đã giảm so với con số thống kê. Một số chợ tạm ngừng hoạt động chờ nâng cấp, sửa chữa. Một số chợ vẫn mở cửa nhưng buôn bán èo uột, tiểu thương bỏ sạp vì doanh thu thấp.

Bà Phạm Thị Sành, Trưởng Ban Quản lý chợ Hòa Hưng (quận 10), cho biết những năm gần đây, sức mua tại các chợ truyền thống sụt giảm nghiêm trọng. Dịch COVID-19 làm thay đổi thói quen tiêu dùng, ngay cả người lớn tuổi cũng chuyển sang đặt hàng online, dẫn đến tình trạng chợ ế ẩm kéo dài. Sức mua tại nhiều chợ đã giảm đến 60%. Ngay cả chợ Hòa Hưng vốn nằm ở vị trí mặt tiền đường lớn (Cách Mạng Tháng Tám) cũng ghi nhận mức giảm khoảng 35%.

Trước thực trạng này, bà Sành đề xuất một số giải pháp nhằm vực dậy hoạt động của các chợ truyền thống. Trong đó, cần có sự quản lý hiệu quả đối với hoạt động bán hàng online để bảo đảm tính cạnh tranh lành mạnh; chấn chỉnh, dẹp chợ tạm, chợ cóc và tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường để tạo điều kiện cho chợ truyền thống tiếp tục tồn tại và phát triển.

"Tại hẻm đối diện chợ Hòa Hưng đang tồn tại một chợ cóc nhỏ với hàng hóa rất rẻ nhưng không rõ nguồn gốc xuất xứ, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của chợ chúng tôi" - bà Sành dẫn chứng.

Chuyển chợ truyền thống thành siêu thị?- Ảnh 1.

Các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm, bán hàng nhái, vệ sinh môi trường... đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của chợ truyền thống

Xem xét thay đổi công năng chợ

Để vực lại sức sống cho kênh phân phối quan trọng này, nhiều ý kiến cho rằng cần phải thay đổi mô hình chợ truyền thống, nâng cao chất lượng phục vụ. Bên cạnh đó, hình thành các chính sách thu hút đầu tư để huy động sự tham gia của xã hội vào sự phát triển của hệ thống chợ.

Theo các chuyên gia, Nghị định 60/2024 đã đề ra khung pháp lý mới về việc chuyển chợ truyền thống cho doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý, đầu tư công phát triển chợ hoặc giao về cho địa phương quyết định. Những quy định quan trọng này sẽ giúp TP HCM quy hoạch chợ dân sinh hiệu quả hơn.

TS Huỳnh Thanh Nghị, Trưởng Bộ môn Kinh tế - Luật, Đại học Kinh tế TP HCM, cho rằng thành phố cần có quy hoạch, kế hoạch về phát triển chợ bài bản hơn. Những chợ không hiệu quả hoặc ít hoạt động thì có thể tính toán chấm dứt hoạt động, thu hồi hạ tầng.

TS Nguyễn Hoàng Dũng, Trường Đại học Kinh tế - Luật, đề xuất đầu tư trọng điểm vào một số chợ dân sinh. Ví dụ, chợ dân sinh ở khu vực nội thành, chợ dân sinh phục vụ du lịch, chợ dân sinh theo mô hình chuyên biệt tùy thuộc vào đặc điểm cụ thể, tương ứng với quy hoạch phát triển của TP HCM.

Mới đây, Sở Công Thương TP HCM cho biết thành phố đang chọn thí điểm chuyển đổi mô hình chợ dân sinh, phân nhóm chức năng định hướng phát triển theo công năng giao thương, du lịch hay dịch vụ đặc thù, nâng cao chất lượng phục vụ, hình thành những chính sách thu hút đầu tư để huy động sự tham gia của xã hội vào sự phát triển của hệ thống chợ.

Theo bà Trần Như Quỳnh, Phó trưởng Phòng Quản lý thương mại - Sở Công Thương TP HCM, sở đang phối hợp với Trường Đại học Kinh tế - Luật nghiên cứu xây dựng Đề án "Phát triển hệ thống chợ tại TP HCM thích ứng với bối cảnh dịch bệnh phát sinh và chuyển đổi số nền kinh tế". Dự kiến trong tháng 6-2025, đề án này sẽ trình UBND thành phố.

"Sở đang chờ các địa phương hoàn tất báo cáo để thống kê số liệu cụ thể vào đề án. Dự kiến, khoảng vài chục chợ sẽ giải tỏa, di dời hoặc chuyển đổi công năng thành hoa viên, khu phố, điểm sinh hoạt cộng đồng. Trong đó, một số chợ sẽ chuyển đổi thành siêu thị, siêu thị kết hợp chợ hoặc có thể chuyển đổi thành chợ phiên, chợ bán các sản phẩm đặc thù, chuyên biệt..." - bà Như Quỳnh thông tin.

Ở góc độ quản lý, bà Nguyễn Ngọc Quế Phương, Trưởng Ban Quản lý chợ Bình Tây (quận 6), cho rằng cần quy hoạch lại mô hình hoạt động của chợ. Chẳng hạn, xây dựng các chợ phiên, chợ chuyên đề nhằm thu hút khách du lịch - điển hình như phố vải Soái Kình Lâm. Cùng với đó, cần có chính sách ưu đãi về thuế để hỗ trợ tiểu thương tiếp tục gắn bó với chợ.

Theo bà Quế Phương, chợ Bình Tây có lợi thế để phát triển du lịch. Ban quản lý chợ đã xây dựng đề án phát triển du lịch kết hợp mua sắm và đã làm việc với một số doanh nghiệp lữ hành để nắm bắt nhu cầu của du khách.

"Đề án đã được phê duyệt và chuẩn bị triển khai. Một trong những định hướng trọng tâm là khai thác nét đặc trưng văn hóa của cộng đồng người Việt gốc Hoa tại chợ, đồng thời hướng tới phát triển du lịch xanh. Ban quản lý chợ đang vận động các hộ kinh doanh chuyển sang sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường như túi giấy, túi tái chế. Dự kiến trong tháng 5 hoặc tháng 6, chợ Bình Tây sẽ ra mắt sản phẩm du lịch đặc trưng" - bà Quế Phương tiết lộ.

Ban Quản lý chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) cũng đã sẵn sàng tổ chức các hoạt động để thu hút khách du lịch. Bà Đàm Vân, Phó Ban Quản lý chợ này, đề xuất có các chính sách hỗ trợ nhằm giúp những chợ truyền thống dần chuyển mình thành điểm đến du lịch hấp dẫn đối với cả khách trong và ngoài nước.

"Có thể tổ chức cho học sinh, sinh viên đến tham quan và trải nghiệm tại chợ, kết hợp với hoạt động livestream để quảng bá hình ảnh chợ dân sinh" - bà Đàm Vân nêu ý tưởng. 

Cần thu hút những người gen Z

Khảo sát "Chợ truyền thống dưới góc nhìn của người tiêu dùng" do nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế - Luật thực hiện cho thấy 63% người dân hài lòng về giá cả mua sắm tại chợ; 47,4% xem chợ truyền thống là nơi quan trọng để phát triển các mối tương tác xã hội. Đa số người dân tham gia khảo sát đánh giá sản phẩm tại chợ truyền thống tươi ngon hơn các kênh mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên, hàng hóa tại chợ lại không được đánh giá cao về độ an toàn.

Trong tương lai, thế hệ gen Z sẽ quyết định sự tồn tại và phát triển của chợ truyền thống. Do đó, TS Nguyễn Hoàng Dũng gợi ý: "Các chợ cần phải thay đổi, hiện đại hóa, đặc biệt là ứng dụng công nghệ để thu hút những người gen Z".


Bạn đang đọc bài viết "Chuyển chợ truyền thống thành siêu thị?" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).