Theo thông tin mà ông Dave Schulte - Giám đốc Marketing Boeing - chia sẻ với báo chí và truyền thông mới đây, hai hãng hàng không lớn tại Việt Nam – Vietjet Air và Vietnam Airlines – đã ký kết những hợp đồng lịch sử với Boeing, đặt mua tổng cộng 250 chiếc Boeing 737 MAX.
Trước đó, Vietjet cũng đã thuê một vài chiếc Comac C909 của Trung Quốc để vận hành nội địa. Hiện nay, những chiếc máy bay Comac C909 mang màu sơn của Vietjet đã được phép bay và đang phục vụ tuyến Côn Đảo.
Thương vụ trị giá hàng chục tỷ USD này không chỉ là một bước đi lớn đối với ngành hàng không Việt Nam, mà còn là một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt tại cuộc chiến giành thị phần của ngành hàng không toàn cầu trong bối cảnh một "dân chơi" mới đã xuất hiện.
Nỗ lực vượt khó của Boeing
Mẫu máy bay Boeing 737 MAX từng trải qua những ngày tháng khó khăn sau hai vụ tai nạn năm 2018 và 2019 mà đã dẫn đến bị đình chỉ bay toàn cầu gần hai năm. Song, Boeing đã nỗ lực để vượt qua trở ngại đó, tiến hành cải tiến toàn diện: Cập nhật hệ thống kiểm soát bay MCAS, thay đổi thiết kế và nâng cấp quy trình đào tạo phi công.

Boeing 737 MAX.
Sau các cải tiến, Boeing 737 MAX nay đã được các cơ quan hàng không hàng đầu như FAA (Mỹ) và EASA (châu Âu) cấp phép bay trở lại từ cuối năm 2020. Kể từ đó đến nay, dòng máy bay này đã thực hiện hàng triệu chuyến bay an toàn trên khắp thế giới, trở thành lựa chọn chiến lược cho nhiều hãng bay lớn như American Airlines, United Airlines, Ryanair và giờ đây là cả Vietjet và Vietnam Airlines.
Không chỉ có ưu thế về độ tin cậy sau cải tiến, Boeing 737 MAX còn ghi điểm nhờ khả năng tiết kiệm nhiên liệu lên đến 20% so với thế hệ 737 NG, giúp các hãng hàng không tối ưu chi phí vận hành trong bối cảnh giá nhiên liệu leo thang và áp lực giảm phát thải carbon ngày càng lớn.
"Giấc mơ bay" của Trung Quốc
Trong khi đó, tại Trung Quốc, COMAC – tập đoàn chế tạo máy bay thương mại quốc doanh – cũng đang từng bước khẳng định tham vọng riêng. Comac C919, mẫu máy bay thân hẹp đầu tiên do Trung Quốc tự phát triển, chính thức được đưa vào khai thác thương mại từ năm 2023 sau khoảng 15 năm phát triển (tính từ thời điểm chính phủ Trung Quốc chấp thuận dự án).

Comac C919.
Comac C919 được thiết kế với sức chứa từ 158 đến 174 hành khách và tầm bay từ khoảng 4.000 km đến 5.500 km (tùy cấu hình), tương đương với đối thủ Boeing 737 MAX và Airbus A320neo. Tuy nhiên, điều thú vị là Comac C919 có giá bán thấp hơn khoảng 10–20% so với các đối thủ phương Tây; từ đây, Comac C919 được kỳ vọng sẽ giúp Trung Quốc giảm phụ thuộc vào Boeing và Airbus trong lĩnh vực hàng không thương mại.
Tuy nhiên, C919 vẫn chủ yếu bay nội địa. Một phần lý do là vì mẫu máy bay này chưa đạt được chứng nhận an toàn quốc tế từ các cơ quan uy tín như FAA hay EASA – điều kiện gần như bắt buộc nếu muốn thâm nhập các thị trường Mỹ, châu Âu và nhiều nước Đông Nam Á.
Cuộc chiến giành bầu trời
Rõ ràng, cuộc đua giữa Boeing 737 MAX và Comac C919 không chỉ là chuyện máy bay nào tốt hơn. Đằng sau đó là cả một cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao, thương mại và ảnh hưởng địa chính trị.
Boeing đang cố gắng giữ vững vị thế bằng cách củng cố niềm tin thị trường, không ngừng cải tiến công nghệ và tận dụng mạng lưới toàn cầu. Trong khi đó, Comac, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ chính phủ Trung Quốc, đang nỗ lực nội địa hóa chuỗi cung ứng, đẩy mạnh sản xuất và dần từng bước tìm cách chinh phục thị trường quốc tế.
Dù Comac C919 vẫn còn cần thêm thời gian để chứng minh năng lực vận hành bền vững và an toàn trên quy mô toàn cầu, việc có thêm một "người chơi mới" trên bầu trời cũng sẽ thúc đẩy sự đổi mới, cạnh tranh và cuối cùng, đem lại nhiều lợi ích hơn cho hành khách và ngành vận tải hàng không thế giới.
