Diễn biến mới tại tuyến Metro số 2 hơn 47.000 tỷ đồng

Admin

08/07/2025 16:30

Tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) vừa được Thủ tướng phê duyệt chủ trương dừng sử dụng vốn vay ưu đã nước ngoài.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương dừng sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài đối với tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương). 

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định dừng sử dụng toàn bộ vốn vay thuộc Thỏa thuận vay và viện trợ số 1 ngày 1/3/2011 và Thỏa thuận vay và viện trợ số 2 ngày 4/6/2011 của Ngân hàng Tái thiết Đức với tổng giá trị là 155 triệu EUR; dừng sử dụng hơn 66,2 triệu EUR vốn ODA không hoàn lại thuộc Thỏa thuận vay và viện trợ số 2 của Ngân hàng Tái thiết Đức. 

UBND TPHCM được giao sử dụng phần vốn ODA không hoàn lại còn lại theo đúng quy định pháp luật, đồng thời chịu trách nhiệm toàn diện về thông tin, số liệu, kiến nghị liên quan. 

Thành phố cũng phải bố trí ngân sách để thanh toán phí cam kết các chi phí phát sinh (nếu có) do việc dừng vốn vay, theo thông báo của Ngân hàng tái thiết Đức cho đến khi hoàn tất các thủ tục liên quan. 

UBND TPHCM cũng khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan thực hiện các thủ tục điều chỉnh Thỏa thuận vay và viện trợ số 2 với KfW cho dự án theo quy định; chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính thực hiện các thủ tục về việc bố trí đủ kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và hàng năm (vốn nước ngoài và vốn đối ứng), bảo đảm hoàn thành giải ngân cho dự án. 

Tuyến Metro số 2 có chiều dài hơn 11km, kết nối trung tâm TPHCM (ga Bến Thành) với khu vực phía Tây Bắc (ga Tham Lương), đi qua các quận 1,3,10,12, Tân Bình và Tân Phú cũ. 

Dự án được phê duyệt từ năm 2010 với tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 1,3 tỷ USD (26.000 tỷ đồng), sau đó điều chỉnh lên 2,1 tỷ USD (gần 47.900 tỉ đồng) vào năm 2019. Trong đó, nguồn vốn ODA chiếm 37.487 tỉ đồng từ ba nhà tài trợ chính là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB).

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, do gặp nhiều vướng mắc về điều kiện vay và tiến độ giải ngân, TPHCM đã quyết định chuyển dang sử dụng nguồn vốn ngân sách, kết hợp các cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 188 của Quốc hội, nhằm chủ động đẩy nhanh tiến độ. 

Vừa qua, lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh đã giao Ban Quản lý Đường sắt đô thị Thành phố (chủ đầu tư) phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài chính triển khai các bước chuẩn bị liên quan đến cơ chế đặc thù, lựa chọn tư vấn và nhà thầu EPC cho dự án. 

Sở Xây dựng được giao chủ trì tham mưu điều chỉnh dự án mà không cần điều chỉnh chủ trương đầu tư; đồng thời nghiên cứu sử dụng thiết kế kỹ thuật FEED thay cho thiết kế cơ sở nhằm rút ngắn thời gian chuẩn bị và thúc đẩy tiến độ các bước lập, thẩm định hồ sơ mời thầu, dự toán, xử lý hợp đồng tư vấn. Sở Tài chính được giao đề xuất phương án bố trí vốn ngân sách cho hai kỳ trung hạn 2026 - 2030 và 2031 - 2035.

Metro số 2 là tuyến đường sắt đô thị thứ hai của TPHCM, sau tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã đưa vào khai thác thương mại từ cuối năm 2024. Tuyến số 2 đóng vai trò kết nối khu vực trung tâm với khu vực Tây Bắc.

Khi đi vào vận hành, tuyến Metro số 2 sẽ góp phần giảm áp lực cho các tuyến giao thông huyết mạch như đường Cách Mạng Tháng Tám, Trường Chinh, Cộng Hòa,..

Bạn đang đọc bài viết "Diễn biến mới tại tuyến Metro số 2 hơn 47.000 tỷ đồng" tại chuyên mục Đầu tư. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).