Được chọn làm nơi đặt trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh rộng nhất Việt Nam sau sáp nhập, thành phố này có gì đặc biệt?

Admin

04/05/2025 00:14

UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ ra nhiều lý do chọn thành phố Đà Lạt là nơi đặt trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Lâm Đồng sau sáp nhập.

Theo Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4 của Ban Chấp hành Trung Ương Đảng khoá XIII, ba tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận sẽ hợp nhất, dự kiến lấy tên là tỉnh Lâm Đồng, với trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Lâm Đồng hiện nay.

Theo thông tin tại Kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Lâm Đồng, tỉnh mới sau sáp nhập sẽ có diện tích tự nhiên trên 24.233 km², quy mô dân số gần 3,9 triệu người. Như vậy, với quy mô diện tích trên, tỉnh Lâm Đồng (mới) dự kiến sẽ là địa phương rộng nhất Việt Nam sau sáp nhập tỉnh, thành.

TP. Đà Lạt được chọn làm nơi đặt trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh mới

Cũng tại Kỳ họp thứ 24, theo UBND tỉnh Lâm Đồng, việc chọn TP. Đà Lạt làm trung tâm hành chính là do vị trí địa lý chiến lược và điều kiện giao thông thuận lợi.

Đà Lạt cách trung tâm Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) và Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) đều khoảng 160 km, thông qua các tuyến quốc lộ huyết mạch như QL 28, 28B và QL 20. Các tuyến đường này tạo điều kiện thuận tiện để kết nối hiệu quả giữa các vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ.

Bên cạnh đó, TP. Đà Lạt nằm trên trục QL20 kết nối thẳng xuống TP. Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ, cùng các tuyến đường liên vùng như QL 27, QL55, tạo thành mạng lưới giao thông thuận tiện, tạo thành mạng lưới giao thông liên vùng chặt chẽ.

Nhờ vậy, thành phố Đà Lạt không chỉ có lợi thế lớn trong việc điều hành, quản lý hành chính, mà còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng toàn diện về kinh tế - xã hội cho tỉnh mới sau khi hợp nhất.

UBND tỉnh cũng cho biết, Đà Lạt đang được quy hoạch trở thành trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế - văn hoá, du lịch và khoa học kỹ thuật của khu vực Tây Nguyên. Bên cạnh đó, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông như cao tốc Đà Lạt - Nha Trang, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương cũng đang được triển khai.

Với những lợi thế trên, UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh, khi hợp nhất ba tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận, TP. Đà Lạt sẽ phát huy vai trò dẫn dắt của vùng động lực kinh tế, cực tăng trưởng của đất nước nói chung và của vùng nói riêng trong giai đoạn mới.

Tình hình kinh tế TP. Đà Lạt?

Theo Chi cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng, trong năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của thành phố Đà Lạt trong năm 2024 tăng trưởng khá. Mức tăng chủ yếu ở các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, thương mại - dịch vụ, sản xuất nông nghiệp ổn định.

Thành phố ghi nhận tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt trên 50.051 tỷ đồng, tăng 21,01% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng mức bán lẻ đạt trên 26.488 tỷ đồng, tăng 19,86%; doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 23.563 tỷ đồng, tăng 22,32% so với cùng kỳ. Năm 2024, Đà Lạt đón trên 2,6 triệu lượt khách do các cơ sở lưu trú phục vụ, với mức tăng cao hơn vào các ngày cuối tuần, dịp hè, Lễ, Tết.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố đạt trên 1.574 tỷ đồng, tăng 9,29% so với năm trước và đạt 82,43% kế hoạch năm. Trong đó, thu từ thuế, phí, lệ phí đạt 906,6 tỷ đồng, tăng 3,42% và thu từ nhà đất đạt 591 tỷ đồng, tăng 18,99%. Tổng chi ngân sách Nhà nước năm 2024 đạt 1.037 tỷ đồng, giảm 2,05% so với cùng kỳ và đạt 78,94% so kế hoạch năm.

Còn trong quý I/2025, báo cáo của UBND TP. Đà Lạt tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng ngày 1/4 cho biết, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Đà Lạt vẫn đảm bảo tiến độ theo thời vụ.

Trong các lĩnh vực công nghiệp - thương mại - dịch vụ đều có bước tăng trưởng. Theo đó, lượng khách du lịch đến thành phố Đà Lạt ghi nhận tổng lượng khách đạt trên 2 triệu lượt, tăng 6% so cùng kỳ, Cụ thể, khách quốc tế đạt 184.000 lượt, tăng 39%; khách nội địa đạt trên 1,9 triệu lượt, tăng 3,29%; khách lưu trú đạt 1,58 triệu lượt, tăng 6,2% so cùng kỳ.

Bên cạnh đó, trong thu hút đầu tư, thành phố hiện có 197 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký trên 40.130 tỷ đồng. Trong 3 tháng đầu năm, có 2 dự án chấm dứt hoạt động đầu tư, 3 dự án chấm dứt hoạt động, 1 dự án có văn bản chấp thuận chủ trương chấm dứt hoạt động. Thành phố cũng có nhiều dự án đang đề xuất thu hút đầu tư.

Dù vậy, quý I/2025, TP. Đà Lạt gặp khó khăn trong thu ngân sách nhà nước do một số vướng mắc khi triển khai Luật Đất đai năm 2024. Tính đến hết tháng 3/2025, tổng thu ngân sách do thành phố quản lý trên 347 tỷ đồng, đạt 14,74% dự toán năm và bằng 83,32% so với 3 tháng đầu năm 2024.