Đường sắt cao tốc Bắc - Nam đặt lên bàn cân với một "quái kiệt" trên thế giới: Con số nói lên tất cả!

Admin

22/05/2025 12:30

Doanh nhân Đỗ Cao Bảo thậm chí đã khẳng định “có một sự tương đồng kỳ lạ”.

Ngày 20/5, ông Đỗ Cao Bảo đã chia sẻ quan điểm cá nhân, so sánh tuyến đường sắt cao tốc (ĐSCT) Bắc Kinh - Thượng Hải (Trung Quốc) và ĐSCT Bắc - Nam (Việt Nam). ĐSCT Bắc Kinh - Thượng Hải là tuyến đường sắt dài nhất Trung Quốc được xây dựng liên tục. Hơn 85% đoạn đường sắt được nâng cao hơn so với mặt đất và tuyến đường chính băng qua hai con sông lớn là Hoàng Hà và Dương Tử. Có tổng cộng 244 cây cầu trên cả tuyến đường, trong đó bao gồm cả cây cầu dài nhất thế giới Đan Dương – Côn Sơn dài 164km.

Tuyến đường cao tốc này đã giảm thời gian di chuyển giữa Bắc Kinh và Thượng Hải chỉ còn 5 giờ. Nó cũng góp phần vào việc tăng khả năng vận tải hàng hóa giữa hai thành phố này lên 50 triệu tấn mỗi năm.

Dưới đây là góc nhìn của "lão tướng" FPT.

Có một sự tương đồng kỳ lạ giữa tuyến ĐSCT Bắc Kinh - Thượng Hải của Trung Quốc với ĐSCT Bắc Nam của Việt Nam chúng ta.

1. Cả hai đều có điểm xuất phát từ thủ đô, trung tâm chính trị - Văn hoá - kinh tế - lịch sử (Bắc Kinh, Hà Nội) và điểm cuối là trung tâm kinh tế - thương mại - tài chính lớn nhất cả nước (Thượng Hải, TP Hồ Chí Minh).

2. Về quy mô tuyến ĐSCT: của Việt Nam có chiều dài là 1.541km và 23 nhà ga, của Trung Quốc có chiều dài là 1.318km và 24 nhà ga, cùng chạy dọc phía đông ven biển.

3. Về mức sống (GDP đầu người) khi dự án bắt đầu khởi công: của Việt Nam năm 2026 là 5.500 USD, của Trung Quốc (2008) là 3.500 USD, vùng Bắc Kinh, Thượng Hải và các tỉnh mà tuyến ĐSCT BK-TH chạy qua chắc cũng cỡ 5.500 USD. 

4. Về dân số: của Việt Nam là 100 triệu dân, của 6 tỉnh mà tuyến ĐSCT BK-TH chạy qua là 321 triệu dân. Thế nhưng nếu tính dân số sống hai bên đường tàu trong bán kính 100km thì chênh lệch không nhiều.

Vì có sự tương đồng về vị thế địa lý - kinh tế - chính trị - lịch sử của hai điểm đầu và cuối, về chiều dài và số nhà ga, về mức sống và dân số hai bên tuyến đường, và vì Bắc Kinh - Thượng Hải là tuyến ĐSCT có lợi nhuận và hiệu quả đầu tư cao nhất thế giới, thế nên nó rất đáng để nghiên cứu, học hỏi, từ phương thức huy động vốn, xây dựng - thi công, quản lý, vận hành đến mô hình đầu tư, mô hình kinh doanh và cả IPO nữa.

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam đặt lên bàn cân với một "quái kiệt" trên thế giới: Con số nói lên tất cả!- Ảnh 1.

Bảng so sánh được thực hiện bởi AI

Các bài học từ ĐSCT Bắc Kinh Thượng Hải

1. Mô hình kinh doanh có trước, thành lập công ty trước ngày khởi công

- Thành lập công ty ĐSCT Bắc Kinh Thượng Hải: 17/12/2007

- Chính thức bắt đầu xây dựng: 18/4/2008

2. Huy động vốn từ xã hội

Các cổ đông chính khi thành lập: Bộ Đường sắt, Tập đoàn Đầu tư Đường sắt Trung Quốc (CRIC), các Ngân hàng Trung Quốc, các doanh nghiệp và công chúng

3. Mô hình kinh doanh: tách riêng các nhà ga với hãng vận chuyển, giống hàng không

- Công ty ĐSCT Bắc Kinh Thượng Hải chịu trách nhiệm xây dựng, vận hành và quản lý tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh-Thượng Hải.

- Các nhà ga được đầu tư và quản lý bởi các Cục Đường sắt: Bắc Kinh (6 nhà ga), Thượng Hải (13 nhà ga) và Tế Nam (5 nhà ga), ngoài việc thu tiền dịch vụ nhà ga từ công ty ĐSCT Bắc Kinh - Thượng Hải, họ còn kinh doanh BĐS, cho thuê mặt bằng, bán lẻ bên trong nhà ga do họ quản lý.

4. Làm cực nhanh, chỉ mất 38 tháng

- Khởi công xây dựng: 18/4/2008

- Chính thức hoạt động: 30/6/2011

5. Sau 3 năm hoạt động là có lợi nhuận

Trong hai tuần đầu hoạt động mỗi ngày chỉ có 165.000 hành khách, trong khi 80.000 hành khách vẫn tiếp tục đi trên tuyến đường sắt cũ chậm hơn và rẻ hơn (thấp hơn dự báo là 220.000 khách).

Năm 2013, số hành khách mỗi ngày tăng lên 230.000, đến năm 2014 bắt đầu hoà vốn và năm 2015 có lợi nhuận.

6. Trở thành công ty đại chúng IPO

Năm 2020, Công ty ĐSCT Bắc Kinh Thượng Hải IPO, bán 6,29 tỷ cổ phiếu (chiếm 12,8%) ra công chúng thu về 5 tỷ USD. Số tiền 5 tỷ USD này được đầu tư cho một số tuyến ĐSCT mới.

7. Hài hoà lợi ích (giữa trung ương với địa phương, giữa nhà nước và tư nhân)

Các nhà ga do cục ĐS Bắc Kinh, Thượng Hải, Tế Nam đầu tư và vận hành, họ được quyền kinh doanh BĐS, cho thuê mặt bằng và bán lẻ trong nhà ga.

Các Ủy ban giám sát và quản lý tài sản nhà nước Bắc Kinh, Thượng Hải, Nam Kinh, Giang Tô, Sơn Đông, Thiên Tân đều là cổ đông lớn của công ty ĐSCT Bắc Kinh Thượng Hải.

8. Minh bạch và công khai

Có thể nói, tuyến Đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải là một mô hình thành công điển hình với thời gian xây dựng nhanh, mô hình kinh doanh hiệu quả, huy động vốn đa dạng và khả năng sinh lời rõ ràng sau vài năm vận hành. Tuyến Đường sắt cao tốc Bắc - Nam của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng về vị trí địa lý, quy mô và mức sống vùng dân cư, nhưng đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chưa có dữ liệu vận hành và mô hình kinh doanh cụ thể hoàn chỉnh. Việt Nam có thể học hỏi nhiều bài học từ Trung Quốc về mô hình tổ chức, huy động vốn, quản lý nhà ga, vận hành và minh bạch thông tin để tối ưu hiệu quả đầu tư và khai thác tuyến đường sắt cao tốc này.


Tổng hợp

Bạn đang đọc bài viết "Đường sắt cao tốc Bắc - Nam đặt lên bàn cân với một "quái kiệt" trên thế giới: Con số nói lên tất cả!" tại chuyên mục Đầu tư. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).