Giữa “ma trận” ứng dụng dịch vụ công giả, iHanoi và “Tiện ích thanh toán” trở thành lựa chọn an toàn cho người dân Thủ đô

Admin

28/07/2025 08:03

Việc phổ cập thói quen sử những ứng dụng công chính thống như iHanoi sẽ góp phần đẩy lùi vấn nạn lừa đảo an ninh mạng.

Giữa “ma trận” ứng dụng dịch vụ công giả, iHanoi và “Tiện ích thanh toán” trở thành lựa chọn an toàn cho người dân Thủ đô- Ảnh 1.

Các nguồn tiền chính thống trên “Tiện ích thanh toán” của iHanoi là mảnh ghép cuối để hoàn thiện quy trình trải nghiệm số, đáp ứng nhanh nhu cầu thanh toán của người dùng trên ứng dụng.

Mới đây, ứng dụng Công dân số Thủ đô - iHanoi được bổ sung thêm tính năng “Tiện ích thanh toán”, nhằm toàn trình hoá quy trình trải nghiệm dịch vụ cho người dùng. Vốn việc thanh toán trực tuyến là một trong những mắt xích quan trọng, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro trong hành trình sử dụng dịch vụ công số hiện nay. Do đó, để đảm bảo an toàn cho người dùng, iHanoi đã được tích hợp hệ sinh thái thanh toán chính thức, liên kết với 4 ngân hàng lớn (BIDV, VPBank, VietinBank, Sacombank) và một trung gian thanh toán điện tử là Viettel Money.

Trong bối cảnh dịch vụ công ngày càng được số hóa, người dân đang dần quen với việc thao tác thủ tục hành chính trên điện thoại. Tuy nhiên, chính xu hướng này cũng đang bị lợi dụng để phát sinh nhiều thủ đoạn lừa đảo công nghệ tinh vi, đặc biệt tại bước thanh toán, nơi người dùng dễ bị thao túng.

Gần đây, tại Phú Thọ, một người dân bị kẻ gian chiếm đoạt 82 triệu đồng với thủ đoạn giả danh cán bộ hướng dẫn tích hợp thông tin giấy phép lái xe. Trường hợp khác tại Đắk Lắk, một thanh niên bị lừa hơn 70 triệu đồng qua cuộc gọi video yêu cầu tải ứng dụng kiểm tra thông tin định danh mức 2. Đây chỉ là hai trong số nhiều thủ đoạn nhắm vào người dùng phổ thông, nhất là nhóm ít kinh nghiệm số hoặc lần đầu thực hiện thủ tục hành chính điện tử.

Theo báo cáo của các chuyên gia an ninh mạng Viettel năm 2024, mục tiêu tấn công đã có sự dịch chuyển từ tài khoản ngân hàng, ví điện tử sang người dùng các nền tảng hành chính công. Các đối tượng giả mạo cơ quan chức năng, gửi đường link hoặc hướng dẫn cài app lạ rồi chiếm quyền kiểm soát điện thoại, tài khoản.

Giữa “ma trận” ứng dụng dịch vụ công giả, iHanoi và “Tiện ích thanh toán” trở thành lựa chọn an toàn cho người dân Thủ đô- Ảnh 2.

Các đối tượng lừa đảo dịch vụ công thường sử dụng cuộc gọi thoại hoặc qua ứng dụng gọi điện miễn phí để “dẫn dụ” nạn nhân, thao tác trực tiếp khi đang nhận cuộc gọi (Ảnh minh hoạ: H.Chiến - Báo Thanh tra)

Trước thực tế này, các cơ quan quản lý nhà nước đã liên tục cảnh báo người dân nên lựa chọn ứng dụng hành chính công chính thức từ các kênh phân phối uy tín như Google Play, App Store; tránh tải file từ đường dẫn lạ, mã QR không rõ nguồn. Trong số đó, ứng dụng Công dân số Thủ đô iHanoi hiện đang là một trong những nền tảng được sử dụng phổ biến, được vận hành bởi Trung tâm Phục vụ Hành chính công TP. Hà Nội.

Từ ngày 11/11, iHanoi đã tích hợp tài khoản định danh điện tử VNeID như một bước nâng cấp quan trọng giúp xác thực danh tính người dùng và đảm bảo tính thống nhất dữ liệu. Không thể phủ nhận, các nền tảng như iHanoi đang góp phần nâng cao nhận thức số cho người dân, đồng thời đặt ra một chuẩn mực mới trong việc sử dụng các ứng dụng hành chính: chính danh, minh bạch và được xác thực.

Việc phổ cập thói quen sử dụng ứng dụng hành chính công chính thống như iHanoi được xem là là lớp bảo vệ đầu tiên trước những rủi ro an ninh mạng. Khi người dân biết cách nhận diện đâu là ứng dụng thật - đâu là giả mạo, và được hỗ trợ bởi các nền tảng có xác thực, quá trình chuyển đổi số sẽ trở nên an toàn, bền vững và đồng đều hơn.