Hà Nội sắp có "siêu cầu" 20.000 tỷ đồng: Đúng ngày sinh nhật Bác, sự kiện trọng đại sẽ diễn ra

Admin

11/05/2025 12:14

Sau khi hoàn thành, đây sẽ là cây cầu dài nhất bắc qua sông Hồng.

Vào ngày 19/5/2025 - Nhân dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025) - Dự án cầu Tứ Liên với tổng mức đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng sẽ chính thức khởi công. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2025 - 2027.

Cầu Tứ Liên đang trở thành tâm điểm chú ý khi dự án thuộc nhóm A này không chỉ là một công trình giao thông trọng điểm của Hà Nội mà còn được kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng kiến trúc mới, góp phần làm đẹp thêm diện mạo của thủ đô ngàn năm văn hiến. 

Hà Nội sắp có "siêu cầu" 20.000 tỷ đồng: Đúng ngày sinh nhật Bác, sự kiện trọng đại sẽ diễn ra- Ảnh 1.

Hình ảnh minh họa về cầu Tứ Liên. Ảnh: Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội

Dự án đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 1850 ngày 1/4/2025. Theo kế hoạch xây dựng, cầu Tứ Liên là cây cầu dây văng bắc qua sông Hồng, nối quận Tây Hồ và huyện Đông Anh, Hà Nội với nhau. Cầu có 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp và 2 làn đi bộ.

Với tổng chiều dài 11,5 km [bao gồm cầu chính dài 1 km + đường dẫn 2 đầu cầu dài 4,5 km + đường nối trên địa bàn huyện Đông Anh dài 6 km], cầu Tứ Liên sau khi hoàn thành sẽ trở thành cây cầu dài nhất bắc qua sông Hồng.

Biểu tượng bền vững của cây cầu tỷ USD

Không chỉ lập kỷ lục là cây cầu dài nhất bắc qua sông Hồng cùng vốn đầu tư tỷ USD, cầu Tứ Liên còn nổi bật nhờ thiết kế vô cùng độc đáo.

Hà Nội sắp có "siêu cầu" 20.000 tỷ đồng: Đúng ngày sinh nhật Bác, sự kiện trọng đại sẽ diễn ra- Ảnh 2.

Phối cảnh cầu Tứ Liên.

Thứ nhất, cầu Tứ Liên sẽ là một trong những cây cầu đẹp nhất Việt Nam gắn với hình ảnh rồng bay. Theo thiết kế, hai hệ trụ cầu chính được thiết kế mô phỏng hình ảnh 4 con rồng bay lên trời, lấy cảm hứng từ tên gọi "Thăng Long - Rồng Bay" - biểu tượng gắn liền với lịch sử ngàn năm văn hiến của vùng đất Thăng Long - Hà Nội.

Thứ hai, cầu Tứ Liên, với biểu tượng "Tứ long" bay lên trời, thể hiện khát vọng vươn xa của Hà Nội trong thời kỳ đô thị hóa xanh, bền vững. Sự ra đời của cầu Tứ Liên sẽ giúp giảm tải cho các cây cầu Long Biên, Chương Dương, và Nhật Tân, từ đó giảm ùn tắc giao thông, giúp giảm lượng khí thải CO2 từ phương tiện di chuyển - vốn là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội.

Thứ ba, cây cầu dây văng bắc qua sông Hồng này có thể thúc đẩy du lịch bền vững. Nhờ vào việc cầu kết nối khu vực Cổ Loa (Đông Anh) – một di tích lịch sử quốc gia – với trung tâm Hà Nội, sẽ giúp khuyến khích phát triển du lịch văn hóa và tâm linh. Các hoạt động du lịch này được định hướng theo mô hình bền vững, giảm thiểu tác động đến môi trường và nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Thứ tư, cầu Tứ Liên sẽ được xây dựng để chịu được động đất cấp 8. Liên quan đến vấn đề này, theo các chuyên gia cầuu đường quốc tế, để một cây cầu nói chung chịu được động đất cấp 8 (mức rất mạnh, gây thiệt hại nghiêm trọng), cây cầu đó cần được thiết kế với các biện pháp đặc biệt như hệ thống giảm chấn (seismic dampers), móng sâu, và vật liệu chịu lực cao.

Thế giới đã sử dụng hệ thống giảm chấn trong nhiều loại công trình nhằm giảm tác động của động đất bằng cách tiêu tán năng lượng địa chấn. Chúng hoạt động bằng cách hấp thụ và chuyển đổi năng lượng từ rung lắc mặt đất thành nhiệt, do đó làm giảm chuyển động và giảm khả năng gây hư hại cho kết cấu.

Cầu Tứ Liên không chỉ là một công trình giao thông mà còn là biểu tượng của sự phát triển vượt bậc của Hà Nội trong thời kỳ mới. Với sự kết hợp giữa thiết kế hiện đại, công nghệ tiên tiến và ý nghĩa chiến lược, cây cầu này được kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi diện mạo đô thị, thúc đẩy kinh tế, đưa Hà Nội tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành một siêu đô thị hiện đại, bền vững.


Bạn đang đọc bài viết "Hà Nội sắp có "siêu cầu" 20.000 tỷ đồng: Đúng ngày sinh nhật Bác, sự kiện trọng đại sẽ diễn ra" tại chuyên mục Đầu tư. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).