Hàn Quốc mất 40 năm, Trung Quốc mất 30 năm để đầu tư 2% GDP cho KHCN, nhưng Việt Nam chỉ có 5 năm để làm điều tương tự

Admin

27/05/2025 17:00

Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong bối cảnh đó, phát triển khoa học công nghệ (KHCN) là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công.

Trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh hiện đại hóa công nghiệp và hội nhập ngày càng sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhu cầu nâng cao năng lực sản xuất, tiếp cận công nghệ tiên tiến và kết nối đầu tư đang trở nên cấp thiết. Các chính sách trọng điểm như Nghị quyết 57/NQ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ và Nghị quyết 68/NQ-CP về thúc đẩy kinh tế tư nhân đã và đang tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp đổi mới, nâng cao hiệu quả và mở rộng thị trường.

Hướng đến mục tiêu này, Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Việt Nam 2025 – VIET INDUSTRY 2025 sẽ chính thức diễn ra từ 11 – 13/9/2025 tại Cung Kiến trúc Quy hoạch Xây dựng Quốc gia (NECC), Hà Nội. Sự kiện được tổ chức bởi Công ty CP Thương hiệu & Truyền thông Quốc tế (IBC), phối hợp thực hiện cùng INTECH Group, Hội KHKT Lạnh & Điều hòa Không khí Việt Nam (VISRAE) và các đối tác chiến lược gồm VCCI-EDI, BEXCO – Hàn Quốc, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Công nghiệp - Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương, Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI), Hội Tự động hóa Việt Nam, Hiệp hội Hàn Việt Nam…

Tại buổi Họp báo Chuỗi sự kiện quốc tế 2025 với chủ đề “Tăng tốc chuyển đổi, hiệp lực thúc đẩy phát triển nền công nghiệp Việt Nam tự chủ - hùng cường”, TS. Nguyễn Quân – Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam cho biết, “vấn đề sản xuất công nghiệp và ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ trong sản xuất công nghiệp là vấn đề quan trọng nhất”.

Hàn Quốc mất 40 năm, Trung Quốc mất 30 năm để đầu tư 2% GDP cho KHCN, nhưng Việt Nam chỉ có 5 năm để làm điều tương tự- Ảnh 1.

“Một nền kinh tế có phát triển được hay không được đánh giá từ chỉ số phát triển công nghiệp, vì công nghiệp tạo ra sản phẩm, hàng hóa phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội. Cho dù một quốc gia có thành công trong việc xây dựng Chính phủ số hay là xã hội số, nhưng nếu không làm tốt kinh tế số thì chắc chắn công cuộc chuyển đổi số quốc gia cũng sẽ không thành công. Và trong kinh tế số thì vai trò của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp rất quan trọng”, TS. Nguyễn Quân nhấn mạnh.

Theo ông Quân, chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp được xem là khó nhất trong tất cả các loại hình chuyển đổi số. Cụ thể, chuyển đổi số trong quản lý nhà nước thông qua Chính phủ số đến thời điểm hiện tại có thể tạm yên tâm vì đã đạt được những thành công bước đầu. Đối với chuyển đổi số trong các hoạt động xã hội, ông cho rằng nếu việc chuyển đổi số trong Chính phủ, công nghiệp và doanh nghiệp diễn ra thành công thì xã hội số sẽ tự động được thụ hưởng các thành quả từ quá trình chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh và quản lý điều hành.

Trong Nghị quyết 57, theo ông Quân, những điểm mang tính đột phá được đánh giá là chưa từng xuất hiện trong các văn kiện trước đây. Trước hết, mục tiêu mà Bộ Chính trị đặt ra được cho là rất cao so với những gì Việt Nam đang thực hiện. Cụ thể, nếu đặt mục tiêu đến năm 2030 kinh tế số chiếm 30% GDP quốc gia và đến năm 2045 chiếm 50% GDP, thì đây là những con số đòi hỏi nỗ lực rất quyết liệt mới có thể đạt được. Hiện tại, kinh tế số mới chỉ chiếm hơn 18% GDP quốc gia và nếu trong năm nay có thể đạt trên 20%, thì mới có hy vọng tiến tới mốc 30% vào năm 2030.

Điểm đột phá thứ hai là việc đặt vấn đề phải đầu tư rất lớn cho phát triển khoa học công nghệ, trong đó đầu tư từ ngân sách nhà nước cần đạt tối thiểu 3% tổng chi ngân sách hàng năm, bên cạnh nguồn đầu tư từ xã hội. Mục tiêu đến năm 2030, mức đầu tư cho khoa học công nghệ đạt khoảng 2% GDP quốc gia – một con số được xem là đầy thách thức. Ông Quân cho biết, “Hàn Quốc mất 40 năm và Trung Quốc mất 30 năm để đạt mức 2% GDP đầu tư cho khoa học công nghệ, trong khi hiện nay Việt Nam mới chỉ ở mức khoảng 0,5% GDP”.

Hàn Quốc mất 40 năm, Trung Quốc mất 30 năm để đầu tư 2% GDP cho KHCN, nhưng Việt Nam chỉ có 5 năm để làm điều tương tự- Ảnh 2.

TS. Nguyễn Quân – Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam phát biểu tại Họp báo.

Theo ông Quân, chỉ còn 5 năm nữa để đạt mục tiêu đầu tư cho khoa học công nghệ tương đương 2% GDP, đồng nghĩa với việc Việt Nam phải hoàn thành quãng đường mà Trung Quốc và Hàn Quốc từng mất 30 – 40 năm chỉ trong vòng 5 năm, đây là một thách thức rất lớn. Trong khi đó, phần đầu tư từ Nhà nước chiếm 3% tổng chi ngân sách nhà nước, thực tế chỉ tương đương khoảng 0,4% GDP, nên vấn đề đặt ra là làm sao huy động được phần đầu tư từ xã hội cao gấp 4 lần phần ngân sách nhà nước.

Ông cho rằng điều này hoàn toàn phụ thuộc vào sự quan tâm đầu tư của khối doanh nghiệp, không chỉ là doanh nghiệp nhà nước mà là toàn bộ hệ thống doanh nghiệp của Việt Nam. Về lâu dài, theo ông, doanh nghiệp tư nhân sẽ trở thành nguồn đầu tư lớn nhất cho phát triển khoa học và công nghệ.

Đây không chỉ là bài học kinh nghiệm từ các nước phương Tây, mà còn là kinh nghiệm thực tiễn từ các nền kinh tế Đông Á – những “con hổ”, “con rồng” như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan. Để có thể huy động được nguồn vốn đầu tư rất lớn này, ông Quân nhấn mạnh rằng hệ thống cơ chế, chính sách hiện hành cần có những thay đổi mang tính đột phá.