Khẳng định dấu ấn Việt Nam trong bảo tồn di sản toàn cầu

Admin

25/07/2025 16:30

Việc công nhận Di sản chung Việt – Lào khẳng định vai trò chủ động của Việt Nam trong thực thi Công ước 1972, đây là bước tiến quan trọng trong đóng góp vào bảo tồn di sản thế giới.

Tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) diễn ra ở Paris (Pháp) ngày 13/7/2025, quyết định mở rộng Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Việt Nam) sang Vườn quốc gia Hin Nam Nô (Lào) chính thức được thông qua. 

Từ đây, một di sản chung mang tính biểu tượng giữa hai quốc gia láng giềng đã được xác lập với tên gọi: "Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô", đáp ứng các tiêu chí (viii) – địa chất địa mạo, (ix) – hệ sinh thái, và (x) – đa dạng sinh học.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Đình Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đây là lần đầu tiên Việt Nam và Lào có một Di sản Thiên nhiên Thế giới chung, đánh dấu bước phát triển sâu sắc trong hợp tác quốc tế về bảo tồn di sản, đồng thời khẳng định nỗ lực xuyên biên giới trong gìn giữ những giá trị tự nhiên nổi bật và toàn cầu.

Khẳng định dấu ấn Việt Nam trong bảo tồn di sản toàn cầu - Ảnh 1.

Ông Trần Đình Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới lần đầu năm 2003 với tiêu chí địa chất địa mạo (viii), lần thứ hai năm 2015 mở rộng thêm các tiêu chí về sinh thái và đa dạng sinh học (ix, x). Vườn quốc gia này có chung ranh giới tự nhiên với Hin Nam Nô của tỉnh Khăm Muộn (Lào) nơi sở hữu hệ sinh thái nguyên sơ, tiếp nối vùng karst đá vôi rộng lớn kéo dài qua biên giới hai nước.

Với lịch sử hình thành karst từ khoảng 400 triệu năm trước trong kỷ Cổ sinh (Paleozoic), hệ thống đá vôi trải dài giữa Phong Nha - Kẻ Bàng và Hin Nam Nô được đánh giá là một trong những cảnh quan karst có quy mô lớn, lâu đời và còn nguyên vẹn bậc nhất châu Á. 

Khu vực này nằm tại điểm giao thoa giữa dãy Trường Sơn (Annamites) và vành đai đá vôi Trung Đông Dương, chứa đựng những giá trị đặc biệt về địa chất, khí hậu, thổ nhưỡng và sinh thái.

Toàn vùng di sản sở hữu hệ sinh thái đa tầng phong phú từ rừng karst khô ở độ cao lớn đến rừng ẩm nhiệt đới ở độ cao thấp, cùng với mạng lưới hang động và sông ngầm kỳ vĩ, trong đó có hơn 220km hệ thống hang động đã được khảo sát. 

Không chỉ mang ý nghĩa về mặt tự nhiên, khu vực còn là nơi sinh sống của nhiều loài đặc hữu có giá trị bảo tồn cao, góp phần khẳng định tầm quan trọng toàn cầu của di sản.

Khẳng định dấu ấn Việt Nam trong bảo tồn di sản toàn cầu - Ảnh 2.

Cảnh quan kast, phía đông nam làng Vangmaneur thuộc Vườn Quốc gia Hin Nam Nô, CHDCND Lào (Ảnh: Giz ProFEB/ Paul Williams).

Thành quả hôm nay là kết tinh của quá trình hợp tác chặt chẽ giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào, khởi động từ năm 2018 và được thúc đẩy mạnh mẽ kể từ khi Chính phủ hai nước thống nhất chủ trương xây dựng hồ sơ đề cử vào đầu năm 2023. 

Hai bên đã tổ chức nhiều phiên làm việc trực tiếp và trực tuyến, ký kết các biên bản ghi nhớ, thành lập Nhóm công tác hỗ trợ kỹ thuật và phối hợp với các chuyên gia quốc tế để hoàn thiện hồ sơ.

Đặc biệt, các cơ quan chuyên môn của Việt Nam như Cục Di sản văn hóa, UBND tỉnh Quảng Bình (nay là Quảng Trị), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã hỗ trợ hiệu quả cho phía bạn Lào trong suốt quá trình xây dựng hồ sơ trình UNESCO vào tháng 2/2024.

Việc Di sản Thiên nhiên Thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng và Hin Nam Nô được công nhận là một hình mẫu đầu tiên về quản lý di sản liên biên giới ở khu vực Đông Nam Á. 

Cơ chế quản lý được thiết lập trên nền tảng hai kế hoạch riêng biệt nhưng đồng bộ: "Chiến lược quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng" và "Kế hoạch quản lý Vườn quốc gia Hin Nam Nô", trong đó bao gồm các hoạt động chung về tuần tra, bảo tồn, chia sẻ dữ liệu, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Việt Nam có thêm một di sản văn hóa thế giớiNhững “cơ trưởng mặt nước” chở di sản bằng tình yêu quê hương

Theo ông Trần Đình Thành, tính đến nay Việt Nam đã có 9 di sản thế giới được UNESCO ghi danh. Trong đó có 2 di sản liên tỉnh (Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà và Quần thể di tích, danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc) và 1 di sản liên biên giới đầu tiên với Lào – Phong Nha - Kẻ Bàng và Hin Nam Nô. 

Đây không những là minh chứng cho giá trị nổi bật toàn cầu của thiên nhiên Việt Nam mà còn thể hiện vai trò tích cực của Việt Nam trong thực thi Công ước 1972 về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới.

"Việc mở rộng và công nhận Di sản chung Việt – Lào là biểu tượng sinh động cho tình hữu nghị, đoàn kết và hợp tác bền chặt giữa hai quốc gia. 

Đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm với thế giới về mô hình quản lý di sản xuyên quốc gia, đóng góp thực chất vào công cuộc bảo tồn các giá trị di sản toàn cầu", ông Trần Đình Thành nhấn mạnh.

Khẳng định dấu ấn Việt Nam trong bảo tồn di sản toàn cầu - Ảnh 3.

Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới lần đầu năm 2003.

Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho hay, Vườn quốc gia Hin Nam Nô được nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế quan tâm, hỗ trợ nghiên cứu để bảo tồn, phát huy giá trị. Do vậy, Việt Nam cũng sẽ có thêm điều kiện phối hợp với các tổ chức, chuyên gia quốc tế để tiếp tục nghiên cứu giá trị của Phong Nha - Kẻ Bàng.

"Nhiều nội dung được báo cáo trong hồ sơ di sản đa quốc gia của phía Hin Nam Nô đã giúp Việt Nam làm sáng tỏ nhiều vấn đề, bổ sung việc phát huy giá trị trong công tác nghiên cứu khoa học về Phong Nha - Kẻ Bàng. 

Ví dụ các thảm thực vật liên quan tới sự hình thành Phong Nha - Kẻ Bàng, hệ thống sông ngầm chảy qua Việt Nam hoặc chảy từ Việt Nam sang Lào, khu vực sinh sống, hoạt động của động thực vật qua biên giới Việt Nam - Lào…", ông Thành nói.

Trong thời gian tới, Việt Nam và Lào sẽ tiếp tục tăng cường kết nối, hợp tác nghiên cứu để làm rõ hơn các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý đối với Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô.

Bạn đang đọc bài viết "Khẳng định dấu ấn Việt Nam trong bảo tồn di sản toàn cầu" tại chuyên mục Văn hóa. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).