Lừa đảo trực tuyến: Cái bẫy đã biết rõ nhưng vẫn mắc phải

Admin

23/05/2025 16:14

Những cái bẫy kiếm tiền dễ dàng trên mạng xã hội đang giăng ra khắp nơi, đặc biệt nhắm vào những người trẻ.

Chỉ cần thả tim video trên nền tảng TikTok là nhận tiền tươi, làm càng nhiều, thu nhập càng cao... Đó là những lời hứa hẹn hấp dẫn về cách kiếm tiền dễ dàng, nhanh chóng, khiến không ít người sập bẫy, rơi vào vòng xoáy: nạp tiền - mất tiền rồi mất trắng. Với thủ đoạn lừa đảo tuy không mới nhưng kịch bản liên tục được biến hóa khôn lường, những kẻ lừa đảo từng bước lấy lòng tin và thao túng tâm lý nạn nhân, khiến họ tự nguyện chuyển tiền.

Thường xuyên cập nhật cảnh báo về các chiêu trò lừa đảo, đã có ý thức trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian số, tuy nhiên, một bạn trẻ vẫn sa vào một cái bẫy mà biết trước đó chắc chắn là bẫy.

"Mình thả tim cứ hết 3 video thì họ sẽ chuyển tiền cho em 1 lần. Em lúc đầu cũng không tin đâu. Nhưng mà làm 2 tiếng, cứ đúng là 3 video là chuyển cho em tiền thật. Và 2 tiếng đấy em kiếm được gần 100.000 đồng" - nạn nhân chia sẻ.

Thủ đoạn quen thuộc của kẻ lừa đảo vẫn là mời nạn nhân đóng trước một khoản phí, làm nhiệm vụ để lấy hoa hồng. Các đối tượng lừa đảo không vội vã thúc ép, mà từ từ dụ dỗ nạn nhân bằng cách cho "thử làm". Nạn nhân chỉ cần tải ứng dụng có tên "Tim TikTok", sau đó có thể làm việc và nhận tiền 100.000 đồng, 200.000 đồng rồi 1 triệu đồng.

"Cứ như thế là mình nạp 15 triệu đồng rồi họ gửi mình một hợp đồng ảo, mình phải vào ứng dụng mua đủ số sản phẩm sẽ được hoàn lại toàn bộ và được trả lại cả gốc lẫn lãi" - nạn nhân cho biết thêm.

"Từ khoảng 2 ngày đầu làm việc, bạn em kiếm được tiền thật và trong 2 ngày kiếm được 4 triệu. Đến chiều hôm nay thì họ bảo là phải nạp vào đấy 15 triệu hay là 20 triệu để có thể rút ra được khoảng 30 triệu, có nghĩa là mình đã lãi được 10 triệu rồi" - bạn của nạn nhân chia sẻ.

Nhưng tất nhiên, những kẻ lừa đảo biết rõ thời điểm nào nên "cất lưới". Khi số tiền cọc là 15 triệu đồng đã chuyển, dĩ nhiên là cả gốc và lãi đều "không cánh mà bay".

"Lúc đấy em mới nhận ra. Em dừng lại. Tổng là 20 triệu đồng. Em thấy thường mọi người dễ bị tham và dễ tiếc ý. Em mất thêm 5 triệu, em cũng thấy cảm giác rất là tiếc" - nạn nhân cho biết.

Theo báo cáo của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, hình thức lừa đảo qua việc tuyển cộng tác viên là một trong những chiêu trò phổ biến nhất trong thời gian qua. Thủ đoạn này thường xuyên xuất hiện trong nhiều vụ việc, được nhiều lần cảnh báo nhưng người thì tò mò, người thì thậm chí tự tin mình có thể làm chủ cuộc chơi và lấy được tiền công của kẻ xấu để rồi bị thao túng tâm lý, mất tiền lúc nào không hay.

Ông Vũ Ngọc Sơn - Trưởng ban Nghiên cứu, Tư vấn, Phát triển công nghệ và Hợp tác quốc tế của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia - cho rằng: "Nói về mặt kỹ thuật, công nghệ thì các thủ đoạn chẳng có gì mới. Nhưng những kẻ lừa đảo liên tục có các kịch bản khác nhau".

Ông Sơn cũng cho biết, những kẻ lừa đảo sẽ luôn tranh thủ các dịp cao điểm du lịch hè, mùa tuyển sinh như thế này để tung ra kịch bản mới, đúng theo nhu cầu của nhiều người. Vì vậy, người dùng cần phải nâng cao cảnh giác và không để lòng tham dẫn dụ bản thân mình.

Hiệp hội An ninh mạng quốc gia khuyến nghị, người dân có thể tham gia các khoá học kỹ năng an ninh mạng thông qua nền tảng nAcademy. Nền tảng này và các khoá học hiện được cung cấp miễn phí cho toàn dân và hiện đã có 104.000 người tham gia. Qua đó, người dân có thể chủ động tìm hiểu, nắm bắt về các chiêu trò, thủ đoạn lừa đảo phổ biến.

Bạn đang đọc bài viết "Lừa đảo trực tuyến: Cái bẫy đã biết rõ nhưng vẫn mắc phải" tại chuyên mục Công nghệ - Xe. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).