Một tập đoàn Nga bất ngờ thâu tóm 'kho báu' được cả thế giới thèm khát, là lĩnh vực Mỹ không thể sản xuất dù chỉ 1 gram

Admin

23/05/2025 12:35

Nga đang nắm trong tay nguồn cung mặt hàng kim loại quý hiếm với quy mô và hàm lượng thuộc top thế giới.

Oilprice đưa tin, Tập đoàn dầu khí quốc doanh lớn nhất của Nga Rosneft chính thức hoàn tất mua lại quyền sở hữu mỏ đất hiếm Tomtor tại vùng Yakutia, Siberia do công ty Vostok Engineering nắm giữ giấy phép khai thác. Đây là mỏ đất hiếm lớn nhất nước Nga và là một trong những mỏ sở hữu trữ lượng đất hiếm cao nhất thế giới.

Trước đó, Tổng thống Nga Putin đã thúc giục các doanh nghiệp tiếp nhận quyền sử dụng mỏ Tomtor nên nhanh chóng khai thác đất hiếm có sẵn dồi dào này vào cuối năm 2024.

“Các doanh nghiệp sở hữu các mỏ này nhiều năm trước mà không đầu tư. Chúng ta cần phải trao đổi và giải quyết vấn đề: để họ đầu tư, hoặc hợp tác với các công ty khác hay nhà nước,” ông Putin phát biểu vào tháng 11.

“Đây là một nguồn tài nguyên chiến lược mà nhà nước hiện cần,” Tổng thống Nga nhấn mạnh.

Dưới sự chỉ đạo của Igor Sechin, đồng minh thân cận của Tổng thống Putin, tập đoàn dầu khí quốc doanh Rosneft được kì vọng sẽ vận hành mỏ tài nguyên khổng lồ này một cách triệt để và bài bản.

Tomtor nằm trong top 3 mỏ kim loại sở hữu hàm lượng đất hiếm trong quặng dồi dào nhất thế giới. Đặc biệt, mỏ chứa hàm lượng niobi khổng lồ, mặt hàng cần thiết trong ngành công nghiệp ô tô, hàng không vũ trụ và đóng tàu.

Đầu năm 2025, mỏ Tomtor là ứng cử nặng ký cho dự án hợp tác chiến lược giữa Nga và Mỹ về khoáng sản chiến lược nếu Nga giành được thỏa thuận hòa bình với Ukraine, theo nguồn tin thân cận với chính phủ Nga.

Trước cuộc xung đột ở Ukraine, Nga đã có kế hoạch đầu tư 1,5 tỷ USD (119,25 tỷ Rbs) vào khoáng sản đất hiếm để trở thành nhà sản xuất lớn thứ hai sau Trung Quốc vào năm 2030.

Trong bối cảnh cạnh tranh về địa chính trị gay gắt, một số các quốc gia trong đó có Nga và Mỹ đang tích cực tìm kiếm các nguồn cung cấp kim loại đất hiếm dồi dào trong nước để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, quốc gia đứng đầu về chuỗi cung cấp đất hiếm trên toàn cầu. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tinh luyện khoáng sản mới là yếu tố then chốt để phá vỡ thế độc quyền của Trung Quốc, chứ không đơn thuần là khai thác mỏ.

Theo Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, Nga ước tính nắm giữ trữ lượng kim loại đất hiếm lớn thứ năm thế giới ở mức 3,8 triệu tấn (mt).

Chiến lược của quốc gia này đối với lĩnh vực này là đảm bảo chiếm tới 12% thị phần toàn cầu vào năm 2030, đưa quốc gia này trở thành một trong năm nhà sản xuất hàng đầu.

 

Bạn đang đọc bài viết "Một tập đoàn Nga bất ngờ thâu tóm 'kho báu' được cả thế giới thèm khát, là lĩnh vực Mỹ không thể sản xuất dù chỉ 1 gram" tại chuyên mục Kinh tế. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).