Người phụ nữ ở Hà Nội nhập viện vì sai lầm nhiều người Việt thường bỏ qua

Admin

01/05/2025 12:30

Người phụ nữ có tiền sử tăng huyết áp và điều trị kéo dài bằng thuốc có thành phần lợi tiểu, nhưng không tái khám định kỳ.

Hạ natri máu - tăng huyết áp không được chủ quan

Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC thông tin, vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân N.T.H.H (63 tuổi, Hà Nội) đến khám thì lập tức có chỉ định nhập viện điều trị nội trú cấp cứu để tránh biến chứng.

Bệnh nhân cho biết, trước 1 tuần đi khám có xuất hiện dấu hiệu chóng mặt, ù tai phải, tê bì chân tay, run tay, người mệt mỏi nhiều, đau vùng thượng vị, ăn kém, giảm khoảng 2kg/tháng và bị chuột rút.

Ngoài ra, người phụ nữ này còn có tiền sử tăng huyết áp và điều trị kéo dài bằng thuốc Micardis Plus - thuốc có thành phần lợi tiểu, nhưng không tái khám định kỳ.

Người phụ nữ ở Hà Nội nhập viện vì sai lầm nhiều người Việt thường bỏ qua- Ảnh 1.

Chụp MRI sọ não cho hình ảnh thoái hóa myelin chất trắng dưới vỏ bán cầu đại não và quanh não thất bên hai bên (Ảnh: BVCC).

Sau khi được bác sĩ thăm khám và được làm các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh cần thiết, kết quả xét nghiệm của bệnh nhân có chỉ số bất thường gồm: Natri máu giảm còn 118.95 mmol/L (bình thường 135 mmol/L); Kali nước tiểu giảm còn 16.37 mmol/L (bình thường 20 mmol/L); Ure nước tiểu giảm 143.42 mmol/L (bình thường 286-595 mmol/L).

Về chẩn đoán hình ảnh, chụp MRI sọ não có hình ảnh thoái hóa myelin chất trắng dưới vỏ bán cầu đại não và quanh não thất bên hai bên.

Dựa vào kết quả bất thường, bác sĩ chẩn đoán xác định là hạ natri máu - tăng huyết áp, do quá trình dài dùng thuốc huyết áp có thành phần lợi tiểu. Để tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra, ngay lập tức bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú.

Hạ natri máu, tăng huyết áp là hai rối loạn điện giải và huyết động hay gặp, có thể xảy ra riêng rẽ hoặc đồng thời. Khi kết hợp lại, chúng có thể gây những biến chứng nguy hiểm.

BSCKI. Đào Việt Hưng - Chuyên khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện cho biết, khi hạ natri máu và tăng huyết áp cùng lúc, cơ thể sẽ rối loạn cân bằng dịch và huyết động. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như:

Biến chứng thần kinh: Lú lẫn, mệt mỏi, nhức đầu, co giật. Natri máu giảm nhanh chóng dẫn đến các tác động nguy hiểm như phù não, hôn mê, thậm chí tử vong.

Biến chứng tim mạch: Rối loạn nhịp tim, tăng nguy cơ đột quỵ (do tăng huyết áp), phù phổi cấp (do tăng huyết áp phối hợp giữ nước khi hạ natri).

Biến chứng ở thận: Tổn thương thận cấp hoặc mạn, gây rối loạn thêm về điện giải khác như kali.

Biến chứng chuyển hóa và nội tiết: Mất cân bằng nội môi nghiêm trọng, hội chứng mất myelin thẩm thấu - osmotic demyelination syndrome (ODS) khi điều trị sai cách (truyền natri quá nhanh).

Cứu sống bệnh nhân uống cùng lúc 140 viên thuốc huyết áp

Trường hợp của bệnh nhân N.T.H.H cùng kết hợp bị hạ natri máu và tăng huyết áp, nên ngay sau khi tìm được chính xác nguyên nhân, bác sĩ đã tư vấn nhập viện cấp cứu để tránh biến chứng có thể xảy ra.

Sau 3 ngày điều trị, các chỉ số natri của bệnh nhân tăng dần trở về giá trị bình thường nên được xuất viện và tiếp tục duy trì điều trị ngoại trú. 

Đồng thời, bệnh nhân được tư vấn, kê đơn loại thuốc huyết áp phù hợp và chế độ ăn uống sinh hoạt đối với người bị tăng huyết áp. Sau 2 tuần tái khám, huyết áp bệnh nhân ổn định, các chỉ số natri máu, kali máu và clo máu đều trở về ngưỡng bình thường.

Từ ca bệnh này, bác sĩ Đào Việt Hưng nhấn mạnh những đối tượng đặc biệt như người cao tuổi, người có bệnh mạn tính, người có các bệnh về phổi… khi dùng thuốc huyết áp có thành phần lợi tiểu cần phải thận trọng theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ chuyên khoa trong suốt quá trình dùng thuốc. 

Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần tái khám định kỳ hoặc đi khám ngay nếu có bất thường để sức khỏe được kiểm soát tốt nhất.

Dấu hiệu cảnh báo hạ natri cần đi khám ngay

Có nhiều nguyên nhân gây hạ natri, trong đó, thường gặp nhất là dùng thuốc lợi tiểu trong điều trị tăng huyết áp, mất nước do tiêu chảy, nôn ói, hoặc hội chứng SIADH - tình trạng cơ thể tiết hormone chống bài niệu quá mức như bệnh phổi, bệnh não, ung thư. Ngoài ra, bệnh suy tim, suy gan, suy thận cũng có thể gây tích nước và làm "pha loãng" natri máu.

Người bị hạ natri máu sẽ có biểu hiện từ nhẹ đến nặng, dấu hiệu nhẹ như mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn, đau đầu âm ỉ, giảm tập trung, hay quên. 

Nhưng khi chuyển sang giai đoạn nặng thường xuất hiện co giật, hôn mê, khó thở, rối loạn nhịp tim, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Người phụ nữ ở Hà Nội nhập viện vì sai lầm nhiều người Việt thường bỏ qua- Ảnh 2.

Các trường hợp dùng thuốc lợi tiểu hoặc thuốc huyết áp cần kiểm tra natri máu thường xuyên.

BS. Hưng lưu ý, nếu người bệnh đang dùng thuốc lợi tiểu, thuốc trị tăng huyết áp, hoặc có bệnh gan, thận, tim, xuất hiện những triệu chứng trên, cần đi kiểm tra điện giải máu ngay.

Ngoài ra, BS. Hưng cũng lưu ý, những đối tượng dễ mắc như người cao tuổi, người đang dùng lợi tiểu, người có bệnh nội tiết (suy giáp, suy thượng thận), bệnh thận mạn không nên uống quá nhiều nước.

Để phòng ngừa nguy cơ hạ natri máu, theo các chuyên gia y tế, người bệnh cần tuân thủ thực hiện các biện pháp sau:

Kiểm tra natri máu thường xuyên: Đặc biệt các trường hợp dùng thuốc lợi tiểu hoặc thuốc huyết áp; Có chế độ ăn, uống nhiều nước thất thường; Xuất hiện mệt mỏi, lú lẫn, chuột rút.

Sử dụng thuốc đúng chỉ định và liều lượng: Không tự ý tăng liều thuốc lợi tiểu hoặc uống thêm thuốc không có chỉ định. Nếu phải dùng lợi tiểu lâu dài, nên phối hợp với bác sĩ để theo dõi và bổ sung điện giải nếu cần.

Hạn chế uống nước quá mức: Tránh uống quá nhiều nước trong thời gian ngắn. Với người cao tuổi, nên uống nước vừa đủ theo nhu cầu, tránh "ép uống" quá mức.

Duy trì chế độ ăn uống hợp lý: Không ăn quá nhạt, đặc biệt khi đang dùng thuốc lợi tiểu. Đảm bảo chế độ ăn đủ muối và khoáng chất, trừ khi có chỉ định ăn nhạt từ bác sĩ.

Phát hiện sớm triệu chứng nghi ngờ như mệt mỏi, đau đầu, lú lẫn, co giật nhẹ, chóng mặt cần đi khám và xét nghiệm điện giải máu ngay.

Bạn đang đọc bài viết "Người phụ nữ ở Hà Nội nhập viện vì sai lầm nhiều người Việt thường bỏ qua" tại chuyên mục Sức khỏe. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).