Những điểm nghẽn khiến đề án "1 triệu căn nhà ở xã hội" mới chỉ đạt 8% mục tiêu sau 4 năm thực hiện

Admin

18/07/2025 13:30

Sau hơn 4 năm thực hiện đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030, chỉ có 85.275 căn được hoàn thành, đạt 8% mục tiêu.

TS Nguyễn Kinh Luân
TS Nguyễn Kinh Luân
4 bài viết
Những điểm nghẽn khiến đề án "1 triệu căn nhà ở xã hội" mới chỉ đạt 8% mục tiêu sau 4 năm thực hiện- Ảnh 1.

Giấc mơ an cư của hàng triệu người lao động Việt Nam, từ công nhân khu công nghiệp đến người trẻ đô thị, đang dần xa tầm với giữa cơn lốc đô thị hóa và giá nhà thương mại tăng vọt. Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội (NƠXH) giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định 338/QĐ-TTg mang sứ mệnh nhân văn, hứa hẹn mở ra cơ hội an cư cho người thu nhập thấp. Tuy nhiên, sau hơn bốn năm triển khai, giấc mơ này vẫn còn rất xa tầm với của những người thực sự cần nó.

Thực trạng cần được cải thiện

Những con số thống kê mới nhất từ Bộ Xây dựng tháng 7/2025 cho thấy một bức tranh đầy lo ngại về tình trạng thực hiện đề án nhà ở xã hội. Tính đến tháng 7/2025, cả nước chỉ hoàn thành 117 dự án NƠXH với 85.275 căn, đạt 8% mục tiêu 1.062.200 căn đến 2030 và 20% chỉ tiêu 428.000 căn giai đoạn 2021–2025. Tốc độ triển khai hiện tại cho thấy nếu không có những thay đổi căn bản, mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội sẽ chỉ là một “con số trên giấy”.

Đáng lo ngại hơn nữa là trong số 686 dự án đã được triển khai với tổng cộng 627.651 căn (chiếm 59,1% mục tiêu), nhiều dự án bị kìm hãm bởi vướng mắc pháp lý: 155 dự án (132.791 căn) chậm tiến độ do khó khăn giải phóng mặt bằng và thiếu vốn; 416 dự án (417.185 căn) chưa khởi công vì mâu thuẫn quy định giữa Luật Đất đai 2024 và Luật Nhà ở 2023 về quỹ đất và phê duyệt đầu tư.

Tình trạng thiếu hụt nhà ở xã hội không chỉ đơn thuần là một vấn đề dân sinh mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, khoảng 70% lao động tại các khu công nghiệp hiện phải sống trong các khu trọ tạm bợ, thiếu an toàn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động và chất lượng cuộc sống. Điều này đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về tính bền vững của mô hình phát triển công nghiệp hiện tại và khả năng thu hút lao động chất lượng cao trong tương lai.

Nhận diện các yếu tố cốt lõi

Đầu tiên và quan trọng nhất là cơ chế tài chính thiếu bền vững. Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng ban đầu, sau đó được nâng lên 145.000 tỷ đồng và triển khai từ tháng 4/2023, tuy nhiên đến hết tháng 6/2025, tổng số tiền thực tế được giải ngân chỉ đạt khoảng 3.400 tỷ đồng. Con số này chỉ chiếm khoảng 2,3% tổng gói tín dụng, cho thấy sự bất cập trong việc triển khai chính sách tài chính, đồng thời cản trở nghiêm trọng hoạt động đầu tư và phát triển của các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này.

Thứ hai , hệ thống quy định pháp lý thiếu tính đồng bộ và nhất quán đã tạo ra những rào cản lớn. Một ví dụ điển hình là sự bất đồng về quy định quỹ đất 20% dành cho nhà ở xã hội tại Hà Nội, khi các quy định của Luật Đất đai 2024 và Luật Nhà ở 2023 chưa được hài hòa hoàn toàn. Điều này khiến nhiều dự án rơi vào tình trạng đình trệ, không thể tiếp tục triển khai mặc dù đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ phía các nhà đầu tư.

Những điểm nghẽn khiến đề án "1 triệu căn nhà ở xã hội" mới chỉ đạt 8% mục tiêu sau 4 năm thực hiện- Ảnh 2.

Tiến sĩ Nguyễn Kinh Luân (Jerry Nguyen), Trưởng Ban Tái cấu trúc, Thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Đầu tư và Phát triển Thị trường Quốc tế, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.

Thứ ba , thủ tục hành chính kéo dài từ 6 đến 24 tháng đã ảnh hưởng đến cả doanh nghiệp và người dân. Quá trình phê duyệt dự án, từ khâu xin giấy phép đầu tư, thẩm định thiết kế, đến cấp phép xây dựng, đều phải trải qua nhiều cấp, nhiều ngành với các yêu cầu khác nhau.

Cuối cùng , vấn đề về quỹ đất dành cho nhà ở xã hội cũng đang đặt ra những thách thức lớn. Nhiều khu đất được quy hoạch cho nhà ở xã hội thường nằm xa các khu công nghiệp, thiếu các tiện ích cơ bản như trường học, bệnh viện, chợ, phương tiện giao thông công cộng. Điều này không chỉ làm giảm tính hấp dẫn của các dự án nhà ở xã hội mà còn tạo ra gánh nặng chi phí sinh hoạt cho người dân, đặc biệt là những gia đình có thu nhập thấp.

Bạn đang đọc bài viết "Những điểm nghẽn khiến đề án "1 triệu căn nhà ở xã hội" mới chỉ đạt 8% mục tiêu sau 4 năm thực hiện" tại chuyên mục Đầu tư. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).