Sau sáp nhập, dự kiến tỉnh này sẽ sở hữu 2 sân bay, 2 cảng biển và 3 cửa khẩu quốc tế

Admin

25/04/2025 17:00

Sau sáp nhập, dự kiến tỉnh Quảng Trị mới (sáp nhập từ tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị) sẽ có 2 sân bay, 2 cảng biển lớn và 3 cửa khẩu quốc tế

Theo Nghị quyết số 60 tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương thống nhất chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: Cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu).

Trung ương đồng ý kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 1/7 sau khi Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 sửa đổi có hiệu lực thi hành.

Đồng thời, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng cũng thống nhất chủ trương về số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau khi sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc trung ương); tên gọi và trung tâm chính trị - hành chính của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp được xác định theo các nguyên tắc nêu tại tờ trình và đề án của Đảng ủy Chính phủ.

Theo danh sách kèm theo Nghị quyết số 60, có 11 đơn vị cấp tỉnh (2 thành phố, 9 tỉnh) không thực hiện sáp nhập gồm: TP Hà Nội, TP Huế, các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Cao Bằng. 52 tỉnh, thành phố thực hiện sáp nhập, hợp nhất để hình thành 23 tỉnh, thành mới.

Trong đó, theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, Quảng Trị sẽ sáp nhập với Quảng Bình, với tên gọi mới là tỉnh Quảng Trị, trung tâm hành chính đặt tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình hiện nay.

Dự kiến, tỉnh Quảng Trị mới sau sáp nhập sẽ có diện tích gần 12.700km2, dân số hơn 1,8 triệu người và 78 đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó, Quảng Bình có 41 cấp xã (5 phường, 36 xã); Quảng Trị có 37 cấp xã (3 phường, 33 xã và 1 đặc khu).

Dự kiến tỉnh Quảng Trị mới sẽ có 2 sân bay, 2 cảng biển, 3 cửa khẩu

Sau sáp nhập, tỉnh Quảng Trị mới sở hữu hệ thống giao thông đồng bộ và thuận tiện. Đường bộ có quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cùng các tuyến đường quan trọng khác như quốc lộ 9, 12 và 15. Bên cạnh đó, tỉnh mới cũng có đường sắt Bắc - Nam chạy qua, sở hữu ga tàu nằm trong các đô thị lớn là Đông Hà (Quảng Trị) và Đồng Hới (Quảng Bình).

Trong tương lai, tỉnh Quảng Trị mới cũng sẽ có 2 sân bay. Trong đó sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) vừa được đầu tư xây dựng thêm nhà ga hành khách T2, với tổng mức đầu tư hơn 1.750 tỷ đồng, nhằm nâng công suất phục vụ lên 3 triệu lượt hành khách mỗi năm.

Cảng hàng không Quảng Trị được khởi công vào năm 2024 và dự kiến sẽ đưa vào khai thác cuối năm 2026. Sân bay này được thiết kế đạt tiêu chuẩn 4C và sân bay quân sự cấp II, có khả năng khai thác tàu bay Code E, đáp ứng nhu cầu phục vụ 5 triệu hành khách và 25.500 tấn hàng hóa mỗi năm.

Bên cạnh đó, tỉnh mới sau sáp nhập còn có 2 cảng biển lớn là Hòn La (Quảng Bình) và Mỹ Thủy (Quảng Trị). Trong đó cảng Hòn La đang được nâng cấp, xây dựng thêm 4 bến mới nhằm nâng công suất lên 3 triệu tấn/năm vào quý I/2026 và 6 triệu tấn/năm vào quý IV/2027.

Cảng Hòn La được quy hoạch đồng bộ, bao gồm hệ thống kho bãi, khu hậu cần và các công trình kỹ thuật hiện đại. Với vị trí chiến lược nằm trong vịnh Hòn La kín gió, được che chắn bởi đảo Hòn Cỏ và đảo Hòn La, cảng có độ sâu tự nhiên lý tưởng, phù hợp cho tàu trọng tải lớn.

Cảng nước sâu Mỹ Thủy tại huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đã được khởi công vào năm 2024, dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2025, có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng lên đến 100.000 tấn.

Các cảng biển đều nằm gần tuyến hàng hải ven biển, nối liền với các cửa khẩu qua hành lang kinh tế Đông - Tây, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối giao thương hàng hóa từ Lào, Thái Lan, Myanmar và vùng kinh tế lân cận.

Quảng Bình và Quảng Trị khi sáp nhập còn có 3 cửa khẩu quốc tế lớn gồm: Cha Lo, La Lay và Lao Bảo. Đây là những trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ quan trọng cho khu vực Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan và tiểu vùng sông Mê Kông.

Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) có tổng diện tích tự nhiên gần 54.000 ha, là một trong 9 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm, là đầu mối trung chuyển, trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ khu vực Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan và Tiểu vùng sông Mê Kông. Đây cũng là cửa khẩu lớn nhất giữa Việt Nam và Lào.

Sau sáp nhập, dự kiến tỉnh này sẽ sở hữu 2 sân bay, 2 cảng biển và 3 cửa khẩu quốc tế- Ảnh 1.

Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo

Cửa khẩu La Lay (Quảng Trị) được nâng cấp lên cửa khẩu quốc tế từ tháng 6/2014 với mục đích là cầu nối giao thương, trao đổi buôn bán giữa 3 nước láng giềng Việt Nam - Lào và Campuchia. Đồng thời, phát triển hiệu quả hơn nữa mối quan hệ giữa các tỉnh lân cận tại miền Trung Việt Nam với Thái Lan, các tỉnh đông nam Lào và đông bắc Campuchia trên hành lang kinh tế đông tây.

Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị) và Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo là một trong những khu vực kinh tế cửa khẩu quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay. Đây là cửa khẩu biên giới giữa Việt Nam và Lào kết nối trực tiếp với cửa khẩu quốc tế Den Savanh của Lào. Do đó, vị trí này được đánh giá là có tính chiến lược và điểm quan trọng trên Hành lang Kinh tế Đông - Tây (EWEC) giúp kết nối các nước trong khu vực như Lào, Thái Lan, Myanmar và miền Trung Việt Nam.

Ngoài ra, tỉnh mới sau sáp nhập cũng sẽ có các khu kinh tế lớn như: Khu kinh tế Cửa khẩu Cha Lo, Khu kinh tế Hòn La (Quảng Bình) và Khu kinh tế Lao Bảo, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị (Quảng Trị).

                                                                                                                         

Bạn đang đọc bài viết "Sau sáp nhập, dự kiến tỉnh này sẽ sở hữu 2 sân bay, 2 cảng biển và 3 cửa khẩu quốc tế" tại chuyên mục Đầu tư. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).