Tăng thu ngân sách: Phải đẩy mạnh đánh thuế tài sản, đấu giá quyền sử dụng đất

Admin

15/05/2025 17:00

Theo các chuyên gia, muốn tăng thu ngân sách phải đẩy mạnh nguồn thu từ đất đai ở các địa phương, từ đấu giá đất, tiền sử dụng đất, gia tăng giá trị đất đai thông qua điều chỉnh quy hoạch, đánh thuế chuyển nhượng bất động sản…

Gia tăng đấu giá đất, đánh thuế phi nông nghiệp...

Theo báo cáo từ Chi cục Thống kê Hà Nội , 4 tháng đầu năm nay, thu ngân sách ước thực hiện hơn 310.000 tỷ đồng; Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu ngân sách. Riêng thu tiền sử dụng đất hơn 54.000 tỷ đồng.

Trong năm 2024, nguồn thu từ nhà, đất tăng hơn 29% so với năm trước, đạt trên 48.590 tỷ đồng. Con số này vượt dự toán 14%. Riêng khoản thu từ tiền sử dụng đất đóng góp gần 75% với 36.100 tỷ đồng, tăng 40,5% so với năm ngoái.

Tổng số tiền thu từ trúng đấu giá của các địa phương trên địa bàn thành phố đạt trên 11.000 tỷ đồng. Trong khi đó, vào năm 2023, khoản thu chỉ dừng ở mức 9.200 tỷ đồng. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2025, TP. Hà Nội đấu giá quyền sử dụng đất được khoảng 6.860 tỷ đồng.

Có được kết quả này bởi Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án bất động sản. Đến nay, thành phố đã rà soát, lập danh mục 829 dự án chậm triển khai để thanh tra, đôn đốc thực hiện.

Trao đổi với PV Tiền Phong , PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường - cho rằng, để tăng nguồn thu ngân sách phải đẩy mạnh việc đấu giá quyền sử dụng đất.

Tăng thu ngân sách: Phải đẩy mạnh đánh thuế tài sản, đấu giá quyền sử dụng đất- Ảnh 1.

Hà Nội đẩy mạnh đấu giá đất để thực hiện dự án tăng nguồn thu ngân sách.

Theo ông Thọ, các địa phương phải tổ chức giám sát chặt chẽ quỹ đất được quy hoạch phát triển đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đất cơ sở sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất, khắc phục tình trạng hoang hóa, chậm đưa đất vào sử dụng.

Quy hoạch của các ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải thống nhất với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Quản lý, sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch được duyệt, nhất là các khu vực sẽ chuyển mục đích sử dụng đất để tập trung cho phát triển kinh tế và chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ, đô thị để tăng nguồn thu cho ngân sách.

Ngoài ra, ông Thọ cho rằng, các địa phương phải gia tăng giá trị đất đai theo quy hoạch mới tăng nguồn thu ngân sách từ đất. Ví dụ, khi xây dựng khu vực hạ tầng mới thực hiện theo cơ chế thị trường với giá đất được điều chỉnh sẽ tạo cơ hội cho giá đất tăng lên. Theo đó, nguồn thu từ đất đai tiếp tục tăng.

GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho hay, tỷ lệ thu ngân sách từ đất đai những năm gần đây đang tăng lên nhanh chóng nhưng nếu so với nhiều nước thì tỷ lệ thu ngân sách từ đất đai của Việt Nam vẫn rất thấp.

Ông Võ dẫn chứng tại Anh tỷ lệ thu từ đất đai chiếm tới 90% thu ngân sách hằng năm của các địa phương. Các nước chủ yếu thu từ đánh thuế tài sản với nhà đất. Còn thu từ đất tại các địa phương ở Việt Nam thời gian qua chủ yếu là thu từ việc giao đất ở thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Muốn tăng thu từ đất, ông Võ cho rằng nên đánh thuế đất phi nông nghiệp. Cụ thể, một trong những khoản thu này liên quan đến đất phi nông nghiệp như đất ở và các công trình trên đất. Cần đánh thuế tài sản đối với đất ở, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, nhà ở và công trình thương mại dịch vụ.

Đánh thuế chuyển nhượng bất động sản?

Trong báo cáo gửi Quốc hội phục vụ phiên chất vấn, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương pháp tính thuế thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng bất động sản nhằm phù hợp hơn với thực tế thị trường và tối ưu hóa nguồn thu ngân sách.

Phương án thứ nhất là tính thuế trên phần thu nhập thực tế từ chuyển nhượng bất động sản, tức phần chênh lệch giữa giá bán và tổng chi phí (gồm giá mua và các khoản chi phí hợp lệ khác). Mức thuế suất được đề xuất là 20%, tương đồng với thuế suất thu nhập doanh nghiệp đang áp dụng cho các tổ chức có hoạt động chuyển nhượng bất động sản.

Phương án thứ 2 đơn giản hơn, tiếp tục áp dụng mức thuế 2% trên tổng giá chuyển nhượng như hiện tại.

Luật sư Phạm Thanh Tuấn - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội - chia sẻ, thực ra việc tính thuế trên phần thu nhập thực tế từ chuyển nhượng bất động sản, tức phần chênh lệch giữa giá bán và tổng chi phí (chênh lệch giá mua và giá bán) chúng ta đã từng áp dụng trước đây.

Cụ thể, tại Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 quy định mức thu với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản là 25% trên thu nhập (giá bán trừ giá vốn và các chi phí liên quan). Tuy nhiên, tình trạng “lách thuế” vẫn xảy ra nếu hai bên thoả thuận khoản tiền chênh ở mức thấp, thậm chí ngang bằng hoặc thấp hơn giá đầu vào.

“Phương án tính thuế trên phần lãi chỉ thực sự khả thi khi Nhà nước có phương pháp tính chi phí đầu vào và đầu ra chính xác, minh bạch. Muốn làm được điều này thì hạ tầng công nghệ thông tin, dữ liệu đất đai (các lần mua bán, giá bán từng lần….) của các thửa đất phải được thể hiện đầy đủ.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá đất (bảng giá đất các địa phương, giá đất theo từng thửa đất đã số hóa…) phải có đủ độ chính xác. Giá đất trong Bảng giá đất hiện nay tại nhiều địa phương vẫn chưa điều chỉnh sau khi đã có Luật Đất đai 2024”, Luật sư Tuấn chia sẻ.

Bạn đang đọc bài viết "Tăng thu ngân sách: Phải đẩy mạnh đánh thuế tài sản, đấu giá quyền sử dụng đất" tại chuyên mục Đầu tư. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).