Thao tác đơn giản giúp tránh gửi nhầm ảnh nhạy cảm trên ứng dụng nhắn tin

Admin

14/05/2025 17:30

Chỉ với một thao tác điều chỉnh quyền truy cập, người dùng có thể tránh tình huống "dở khóc dở cười" khi vô tình gửi nhầm ảnh nhạy cảm qua Zalo hay Facebook Messenger.

Zalo và Facebook Messenger hiện là hai nền tảng nhắn tin phổ biến bậc nhất tại Việt Nam. Theo báo cáo từ Decision Lab, Zalo đang dẫn đầu với gần 78 triệu người dùng. Trong khi đó, dữ liệu từ DataReportal cho thấy, tính đến đầu năm 2024, các chiến dịch quảng cáo trên Facebook Messenger có thể tiếp cận tới 54,5 triệu người dùng, chiếm khoảng 54,9% dân số Việt Nam.

Sở hữu lượng người dùng khổng lồ, các nền tảng này phải xử lý hàng tỷ tin nhắn mỗi ngày, trong đó nội dung đa phương tiện - bao gồm ảnh và video - chiếm tỷ lệ đáng kể. Riêng Meta, công ty mẹ của Facebook, cho biết có hơn 1,3 tỷ hình ảnh và video được gửi qua Messenger mỗi ngày.

Ở phía người dùng, sự phổ biến của smartphone và mạng xã hội khiến việc chia sẻ thông tin trở nên nhanh chóng và tiện lợi hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, cũng chính sự tiện lợi đó đôi khi trở thành con dao hai lưỡi. Không ít người đã rơi vào tình huống lúng túng khi vô tình gửi nhầm ảnh cá nhân nhạy cảm - đôi khi là cho nhầm người, nhầm nhóm, thậm chí là trong bối cảnh hoàn toàn không phù hợp.

Nguy hiểm hơn, sự cố không chỉ dừng lại ở mức độ ngượng ngùng mà còn có thể gây tổn hại nghiêm trọng về danh dự, uy tín cá nhân, thậm chí kéo theo hệ lụy pháp lý.

Nguyên nhân phổ biến dẫn đến việc gửi nhầm ảnh nhạy cảm thường đến từ sự thiếu cẩn trọng khi thao tác: lựa chọn nhầm ảnh trong thư viện điện thoại, giao diện ứng dụng phức tạp hoặc thao tác quá nhanh mà không kiểm tra kỹ. Một số người dùng cũng chưa ý thức đầy đủ về hậu quả có thể xảy ra nếu hình ảnh riêng tư bị phát tán ngoài ý muốn.

Thao tác đơn giản giúp tránh gửi nhầm ảnh nhạy cảm trên ứng dụng nhắn tin- Ảnh 1.

Chủ động thiết lập quyền truy cập không chỉ giúp kiểm soát nội dung cá nhân hiệu quả hơn, mà còn là một bước đơn giản để bảo vệ sự riêng tư trong thời đại số (Ảnh: Getty Images)

Thao tác đơn giản giúp hạn chế gửi nhầm ảnh nhạy cảm qua Zalo, Messenger

Để bảo vệ quyền riêng tư và tăng cường bảo mật cá nhân, các nhà sản xuất smartphone lớn như Apple, Samsung hay Google đều cung cấp tùy chọn cho phép người dùng quản lý quyền truy cập của các ứng dụng đối với thư viện ảnh, danh bạ, vị trí…

Trong đó, quyền truy cập thư viện ảnh là một tính năng quan trọng, đặc biệt với những ứng dụng nhắn tin như Zalo hay Facebook Messenger - nơi người dùng thường xuyên chia sẻ hình ảnh, video. Cả iPhone và điện thoại Android hiện đều cung cấp ba tùy chọn truy cập đối với thư viện ảnh, bao gồm:

- Không cho phép: chặn hoàn toàn quyền truy cập của ứng dụng.

- Truy cập giới hạn: chỉ cho phép ứng dụng truy cập các hình ảnh hoặc video do người dùng chọn.

- Truy cập đầy đủ: cho phép ứng dụng truy cập toàn bộ thư viện ảnh.

Thông thường, người dùng gửi ảnh qua Zalo hoặc Messenger theo hai cách: một là chọn ảnh trực tiếp từ trong ứng dụng nhắn tin, hai là mở thư viện ảnh và chia sẻ thông qua biểu tượng ứng dụng.

Với những ai thường xuyên sử dụng cách đầu tiên - chọn ảnh ngay trong ứng dụng - việc thiết lập quyền truy cập ở chế độ "Không cho phép" hoặc "Truy cập giới hạn" là một giải pháp hữu ích. Khi đó, ứng dụng sẽ không tự động truy cập toàn bộ thư viện, mà yêu cầu người dùng chọn từng ảnh cụ thể. Điều này giúp giảm nguy cơ gửi nhầm ảnh nhạy cảm một cách vô tình.

Trên iPhone, người dùng có thể truy cập phần Cài đặt, tìm đến ứng dụng cần điều chỉnh (Zalo, Messenger hoặc bất kỳ ứng dụng nào khác), sau đó vào mục Ảnh để thiết lập quyền truy cập. Tại đây, có thể chọn giữa ba tùy chọn nêu trên. Nếu chọn "Truy cập giới hạn", iPhone sẽ yêu cầu bạn chọn thủ công những hình ảnh hoặc video mà ứng dụng được phép truy cập - và người dùng hoàn toàn có thể bổ sung thêm nội dung này bất cứ lúc nào nếu muốn.

Trên Android, người dùng vào Cài đặt > Ứng dụng (hoặc Xem tất cả ứng dụng, tùy theo phiên bản hệ điều hành hoặc giao diện tùy biến của nhà sản xuất) > Chọn ứng dụng muốn cấp quyền. Tại giao diện thông tin ứng dụng, chọn mục Quyền, sau đó tìm đến Ảnh và video. Tại đây, người dùng có thể lựa chọn một trong các tùy chọn: Cho phép/Chỉ cho phép khi dùng ứng dụng/Từ chối.

Một số ứng dụng mới hoặc phiên bản hệ điều hành Android gần đây còn hỗ trợ tùy chọn Chọn ảnh cụ thể. Tính năng này cho phép người dùng cấp quyền truy cập có chọn lọc, chỉ đối với những hình ảnh mong muốn.

Việc thiết lập quyền truy cập một cách chủ động sẽ giúp người dùng hạn chế tối đa nguy cơ rò rỉ ảnh riêng tư và tránh các sự cố gửi nhầm ảnh nhạy cảm - vốn dễ xảy ra trong môi trường liên lạc trực tuyến ngày càng phổ biến như hiện nay.

Để hạn chế tối đa rủi ro này, chuyên gia khuyến cáo người dùng nên tuân thủ một số nguyên tắc đơn giản nhưng hiệu quả:

- Luôn kiểm tra kỹ nội dung trước khi gửi, xem trước ảnh và phóng to để đảm bảo không chọn nhầm.

- Tổ chức và quản lý thư viện ảnh khoa học, tách riêng các nội dung nhạy cảm vào thư mục có mật khẩu.

- Tập thói quen sử dụng mạng xã hội một cách cẩn trọng, không vội vàng, luôn xác minh người nhận hoặc nhóm chat trước khi gửi.

- Ưu tiên sử dụng các kênh có mức độ bảo mật cao hơn để chia sẻ thông tin riêng tư.

Bạn đang đọc bài viết "Thao tác đơn giản giúp tránh gửi nhầm ảnh nhạy cảm trên ứng dụng nhắn tin" tại chuyên mục Công nghệ - Xe. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).