Khắc họa hành trình vĩ đại mùa Xuân năm 1975
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã tổ chức Triển lãm "Con đường thống nhất" tại Di tích cách mạng Nhà và Hầm D67.
Gắn bó mật thiết với hoạt động của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Nhà và Hầm D67 là nơi bộ thống soái tối cao - Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh đã tập trung trí tuệ, đề ra những quyết sách chiến lược đúng đắn, sáng tạo, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.
Từ tháng 9/1968 đến 30/4/1975, những quyết định mang tầm lịch sử từ nơi đây đã dẫn dắt dân tộc Việt Nam đi tới mùa Xuân đại thắng.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Thanh Quang- Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội nhấn mạnh, ngày 30/4/1975 là dấu son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, minh chứng cho chân lý bất diệt.
Dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, với ý chí quật cường lòng yêu nước nồng nàn và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nhân dân ta đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa non sông thu về một mối, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Ông Nguyễn Thanh Quang - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phát biểu tại lễ khai mạc.
Ông khẳng định, hành trình tiến tới mùa Xuân đại thắng là bản anh hùng ca bất diệt về lòng quả cảm và trí tuệ Việt Nam, kết tinh từ biết bao gian khổ, hy sinh. Những quyết sách lịch sử được hoạch định từ Nhà và Hầm D67 đã mở đường cho thắng lợi thần kỳ, đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với tinh thần "thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng".
Triển lãm "Con đường thống nhất" giới thiệu hơn 200 tài liệu, hình ảnh quý giá, tái hiện sinh động giai đoạn nước rút quyết định từ sau Hiệp định Paris (1973) đến đại thắng mùa Xuân 1975. Triển lãm được chia thành ba chủ đề chính:
Chủ đề 1: Quyết định chiến lược của Tổng Hành dinh - phản ánh bối cảnh cách mạng Việt Nam sau Hiệp định Paris, trong đó, từ Tổng Hành dinh, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã đề ra những quyết định lịch sử: kiên định con đường cách mạng bạo lực, giữ vững chiến lược tiến công, nắm vững thời cơ, chỉ đạo linh hoạt, đưa cách mạng tới thắng lợi hoàn toàn.
Chủ đề 2: Một ngày bằng 20 năm - giới thiệu khí thế sôi sục của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, khi quân dân ta "một ngày bằng 20 năm", giành liên tiếp những chiến thắng thần tốc tại các chiến trường: Đường 14 - Phước Long, Tây Nguyên, Trị Thiên Huế, Đà Nẵng.
Chủ đề 3: Tiến về Sài Gòn - tái hiện trận quyết chiến chiến lược cuối cùng dưới sự chỉ đạo quyết đoán của Bộ Chính trị, dẫn tới chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Đúng 11h30 ngày 30/4/1975, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thống nhất đất nước.
Những ký ức không thể nào quên
Dự lễ khai mạc triển lãm, Đại tá Khuất Duy Hoan - Nguyên Phó Tư lệnh Quân đoàn 3 xúc động chia sẻ: "Chúng tôi được sinh ra và lớn lên trong thời đại lịch sử đặc biệt, khi cả nước đồng lòng vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh để thực hiện chân lý thiêng liêng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong thư gửi đồng bào Nam Bộ năm 1946: 'Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một' và lời kêu gọi chống Mỹ ngày 17/7/1966: 'Không có gì quý hơn độc lập tự do'".
Ông kể, thế hệ lính trẻ năm 1970 như ông đã có mặt tại Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 (nay là Quân đoàn 4), trực tiếp tham gia chiến dịch giải phóng Tây Nguyên và vinh dự tiến vào Sài Gòn trong ngày lịch sử 30/4/1975.
"Cũng giờ này, đúng 50 năm trước, tại Bến Đình, đơn vị chúng tôi hoàn tất công tác chuẩn bị vũ khí, khí tài và quyết tâm tiến công, đêm ấy bí mật hành quân đánh chiếm căn cứ Đồng Dù, mở cánh cửa thép phía Tây Bắc Sài Gòn cho Binh đoàn Tây Nguyên tiến thẳng vào trung tâm thành phố, giải phóng sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu QLVNCH", Đại tá Hoan nhớ lại.


Nhà và Hầm D67 là di tích cách mạng quan trọng trong Khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Di tích gắn với hoạt động của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong niềm vui chiến thắng, ông không quên xót thương hơn 200 đồng đội ngã xuống, hơn 300 đồng đội khác mang thương tật suốt đời ngay trước ngưỡng cửa Sài Gòn.
Đại tá Khuất Duy Hoan khẳng định, thế hệ ông coi sự đóng góp của mình không phải là chiến công, mà là sứ mệnh thiêng liêng của người công dân với Tổ quốc.
"Tôi tin rằng 'Con đường Thống nhất' hôm nay sẽ để lại trong lòng các quý vị những cảm xúc sâu lắng, ấm áp, tự hào để bước tiếp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của chúng ta.
Tôi cũng mong rằng thế hệ trẻ hôm nay sống tử tế, học hành chăm chỉ, làm việc nghiêm túc bằng cả trái tim của mình. Sống có trách nhiệm với Tổ quốc, với xã hội, với quê hương, gia đình thì chính là đang tiếp nối lý tưởng của ông cha, những người đi trước", Đại tá Khuất Duy Hoan nhấn mạnh.
Triển lãm "Con đường thống nhất" chính thức mở cửa phục vụ công chúng từ ngày 28/4/2025 đến 31/5/2025 tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, số 19 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội.

Triển lãm "Con đường thống nhất" giới thiệu hơn 200 tài liệu, hình ảnh quý giá, tái hiện sinh động giai đoạn nước rút quyết định từ sau Hiệp định Paris (1973) đến đại thắng mùa Xuân 1975.
Nhân dịp này, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cũng triển khai kế hoạch chỉnh lý tổng thể Di tích Nhà và Hầm D67, nghiên cứu phục hồi màu sắc nguyên gốc của công trình, đồng thời bước đầu thực hiện Đề án "Ứng dụng công nghệ thông tin diễn giải về Di tích cách mạng Nhà và Hầm D67", với sự hỗ trợ tài chính một phần từ Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF).
Đề án tập trung vào các nội dung trọng tâm: nghiên cứu, tổng hợp, phân tích tài liệu lịch sử và sưu tầm bổ sung tư liệu liên quan đến Nhà và Hầm D67; xây dựng cơ sở dữ liệu lịch sử về vai trò Tổng hành dinh của Quân đội nhân dân Việt Nam tại đây trong giai đoạn 1968–1975; xây dựng kịch bản diễn giải lịch sử về Di tích Nhà và Hầm D67; sản xuất nội dung đa phương tiện (Multimedia) và các bộ phim 3D tái hiện sinh động lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gắn với di tích.
Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, Trung tâm sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để giới thiệu công trình Nhà và Hầm D67 một cách sinh động, từ khái quát đến chi tiết, làm nổi bật vai trò chiến lược của địa điểm này trong thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đồng thời, xây dựng phương pháp diễn giải mới, sáng tạo, nhằm gia tăng trải nghiệm cho du khách, đặc biệt thu hút sự quan tâm của giới trẻ khi tham quan tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.
Trong quá trình thực hiện đề án, câu chuyện "Nhà và Hầm D67 – Hành trình đến ngày toàn thắng" sẽ được tái hiện bằng công nghệ hiện đại, góp phần lưu giữ, tôn vinh giá trị di tích, đồng thời đem đến cho công chúng những trải nghiệm chân thực, hấp dẫn và giàu cảm xúc.