Trung Quốc vừa đưa cụm siêu máy tính AI đầu tiên lên không gian, sẽ dùng 2.800 vệ tinh để xây 'chòm sao' Tam Thể

Admin

25/05/2025 16:15

Với hệ thống siêu máy tính trên quỹ đạo, Trung Quốc đang đặt nền móng cho một hướng đi hoàn toàn mới trong tương lai của điện toán và khai thác không gian.

Trung Quốc vừa phóng thành công cụm vệ tinh đầu tiên trong kế hoạch xây dựng một “chòm sao” siêu máy tính AI ngoài không gian - hệ thống tính toán quy mô lớn đặt trên quỹ đạo, có khả năng xử lý dữ liệu trực tiếp trong vũ trụ thay vì gửi về Trái Đất, trang Live Science đưa tin.

Ngày 14/5, 12 vệ tinh đầu tiên thuộc dự án này đã được phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền bằng tên lửa Trường Chinh 2D. Dự án do công ty ADA Space và Viện nghiên cứu Zhejiang Lab dẫn đầu, với mục tiêu lâu dài là triển khai tới 2.800 vệ tinh tạo thành một mạng tính toán siêu mạnh có tên gọi Three-Body Computing Constellation (Chòm sao tính toán Tam Thể - lấy cảm hứng từ bộ tiểu thuyết khoa học viễn tưởng nổi tiếng Tam Thể).

Điểm đặc biệt của hệ thống này là mỗi vệ tinh được trang bị một mô hình AI gồm 8 tỷ tham số, có thể xử lý tới 744 tera phép tính mỗi giây (TOPS). Khi hoạt động đồng bộ, 12 vệ tinh đầu tiên có thể đạt tổng công suất khoảng 5 peta (5 triệu tỷ) phép tính mỗi giây. Con số này bỏ xa nhiều thiết bị AI hiện nay, chẳng hạn như laptop AI Copilot+ của Microsoft chỉ đạt khoảng 40 TOPS.

Trung Quốc vừa đưa cụm siêu máy tính AI đầu tiên lên không gian, sẽ dùng 2.800 vệ tinh để xây 'chòm sao' Tam Thể- Ảnh 1.

Trung Quốc vừa phóng thành công cụm vệ tinh đầu tiên trong kế hoạch xây dựng một “chòm sao” siêu máy tính AI ngoài không gian.

Theo giới thiệu từ ADA Space, hệ thống sẽ tận dụng chính điều kiện không gian - nơi có nhiệt độ lạnh tự nhiên và không khí loãng - để làm mát thiết bị, đồng thời sử dụng năng lượng từ pin mặt trời, giúp tiết kiệm tài nguyên và giảm phát thải CO₂ so với trung tâm dữ liệu trên mặt đất.

Một trong những động lực lớn cho dự án là khắc phục hạn chế hiện nay của các vệ tinh truyền thống: dữ liệu thu được trong không gian phải gửi về mặt đất để xử lý, vốn phụ thuộc vào tốc độ truyền tải và thời gian trạm mặt đất có thể kết nối với vệ tinh. Điều này khiến một lượng lớn dữ liệu bị mất hoặc không sử dụng được.

Hệ thống mới của Trung Quốc áp dụng xu hướng "edge computing" - tức xử lý dữ liệu ngay tại thiết bị thay vì chuyển về trung tâm. Các vệ tinh có thể tính toán và chọn lọc dữ liệu quan trọng ngay trong quỹ đạo, trước khi gửi về Trái Đất dưới dạng đã qua xử lý. Không chỉ tiết kiệm thời gian, cách làm này còn giảm tải cho các trung tâm dữ liệu và tối ưu hiệu suất truyền dẫn.

Đặc biệt, các vệ tinh sẽ giao tiếp với nhau bằng kết nối laser, và một số còn được trang bị thiết bị phát hiện phân cực tia X - công cụ có thể hỗ trợ nghiên cứu các hiện tượng vũ trụ mạnh như vụ nổ tia gamma.

Tên gọi “Three-Body” (Ba thể) của chòm sao siêu máy tính này được lấy cảm hứng từ “bài toán ba vật thể” nổi tiếng trong vật lý thiên văn - một bài toán mô tả chuyển động hỗn loạn của ba vật thể chịu tác động lẫn nhau bởi lực hấp dẫn. Đây cũng là tiêu đề của loạt tiểu thuyết khoa học viễn tưởng nổi tiếng của nhà văn Lưu Từ Hân (Liu Cixin), hiện đã được Netflix chuyển thể thành phim.

Ông Vương Kiện - Giám đốc Zhejiang Lab - cho biết mục tiêu của dự án không chỉ mang tính chiến lược mà còn kêu gọi hợp tác quốc tế, cho phép các tổ chức từ nhiều quốc gia khác nhau sử dụng và mở rộng hệ thống máy tính này trong tương lai.

Trong khi Mỹ và châu Âu cũng từng thử nghiệm máy tính ngoài không gian, Trung Quốc hiện là quốc gia đầu tiên triển khai hệ thống tính toán AI quy mô lớn trên quỹ đạo. Trước đó, cựu CEO Google Eric Schmidt cũng từng đề xuất xây dựng các trung tâm dữ liệu trong không gian, nhằm giải quyết khủng hoảng tiêu thụ điện đang ngày càng nghiêm trọng trên Trái Đất.

Theo ước tính mà Schmidt đưa ra, các trung tâm dữ liệu sẽ cần thêm 29 gigawatt điện vào năm 2027 và lên tới 67 gigawatt vào năm 2030 - mức tiêu thụ khổng lồ mà ông mô tả là "chưa từng thấy trong đời".

Bạn đang đọc bài viết "Trung Quốc vừa đưa cụm siêu máy tính AI đầu tiên lên không gian, sẽ dùng 2.800 vệ tinh để xây 'chòm sao' Tam Thể" tại chuyên mục Công nghệ - Xe. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).