Tuyến đường sắt 3,5 tỉ USD nối Tp.HCM với sân bay Long Thành liên tục thúc tiến độ đầu tư, động thái của các dự án BĐS quanh tuyến mới đáng nói

Admin

15/05/2025 12:14

Theo quy hoạch của Tp.HCM, có ba tuyến đường sắt phục vụ sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành, gồm tuyến metro số 2, metro số 6 và tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành.

Trong đó, tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành dài khoảng 42km, có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 3,5 tỉ USD, đang được Bộ Xây dựng chủ trì chuẩn bị đầu tư. Dự án dự kiến trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 10/2025.

Trong bối cảnh sân bay Long Thành sắp vận hành, tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành giữ vai trò then chốt trong bài toán hạ tầng. Theo đó, dự án này đang được thúc tiến độ khẩn trương đầu tư.

Theo các chuyên gia, việc tổ chức kết nối giao thông thuận tiện đến sân bay Long Thành là một nhiệm vụ cấp thiết. Hiện tại, Tp.HCM đang sở hữu nhiều phương án kết nối đến Long Thành như cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, đường sắt quốc gia, và sắp tới là tuyến đường sắt đô thị Thủ Thiêm – Long Thành. Nếu sân bay Long Thành chính thức vận hành vào năm sau như dự kiến, thì việc triển khai khẩn trương các phương án kết nối là điều bắt buộc.

Tuyến đường sắt 3,5 tỉ USD nối Tp.HCM với sân bay Long Thành liên tục thúc tiến độ đầu tư, động thái của các dự án BĐS quanh tuyến mới đáng nói- Ảnh 1.

Dự kiến vị trí ga của tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành.

Mới đây nhất, tại kỳ họp thứ 27, HĐND tỉnh Đồng Nai khoá X đã thông qua Nghị quyết số 28 về việc thống nhất chủ trương giao UBND TP.HCM làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị Thủ Thiêm - Long Thành. Việc giao UBND Tp.HCM là cơ quan chủ quản nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án, giúp đảm bảo tính đồng bộ trong xây dựng, vận hành và khai thác. 

Theo quy hoạch của Tp.HCM, có ba tuyến đường sắt phục vụ sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành, gồm tuyến metro số 2, metro số 6 và tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành.

Tuyến đường sắt đô thị số 2 kết nối sân bay Tân Sơn Nhất đến ga Thủ Thiêm. Sau đó theo tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành để kết nối sân bay Long Thành.

Tuyến đường sắt đô thị số 6 kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành (nút giao Phú Hữu). Sau đó dùng chung hạ tầng tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành kết nối sân bay Long Thành. Quy hoạch TP.HCM xác định tuyến đường sắt đô thị số 6 và tuyến đường sắt đô thị số 2 do UBND TP.HCM chủ trì đầu tư.

Tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành có điểm đầu tại ga Thủ Thiêm thuộc phường An Phú, Tp.Thủ Đức (Tp.HCM). Điểm cuối tại Ga S20 - Long Thành trong Cảng hàng không quốc tế Long Thành (nhà ga T3, T4), thuộc xã Bình Sơn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Dự án được thiết kế đường đôi, vận chuyển hành khách nội - ngoại ô từ TP.HCM, tỉnh Đồng Nai đến sân bay Long Thành.

Trên toàn tuyến, sẽ xây dựng 20 nhà ga, trong đó có 12 ga thuộc địa bàn Đồng Nai (gồm 8 ga trên cao và 4 ga ngầm), 8 ga còn lại thuộc địa bàn TPHCM.

Theo hồ sơ, 8 ga trên cao được liên danh đơn vị tư vấn đề xuất xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, gồm 7 ga nằm ở huyện Nhơn Trạch: ga S9 – Long Tân (xã Long Tân); ga S10 – Phú Thạnh và ga S11 – Tuy Hạ (xã Phú Thạnh); ga S12 – Nhơn Trạch và ga S13 – Phú Hội (xã Phú Hội); ga S14 – Phước Thiền và ga S15 – Hiệp Phước (thị trấn Hiệp Phước). Và ga trên cao còn lại là ga S16 (xã Long An, huyện Long Thành).

4 ga ngầm gồm: ga S17, S18 (xã Long Phước); ga S19 – Long Thành T1-2 (xã Bình Sơn); ga S20 – Long Thành T3-4, tại sân bay Long Thành (xã Bình Sơn).

Tuyến đường sắt 3,5 tỉ USD nối Tp.HCM với sân bay Long Thành liên tục thúc tiến độ đầu tư, động thái của các dự án BĐS quanh tuyến mới đáng nói- Ảnh 2.

Tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành có chiều dài chính tuyến 41,83 km, tốc độ thiết kế 120 km/h sẽ là một trong những kết nối quan trọng giữa TP.HCM và Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: Minh hoạ

Sau khi hoàn thành, tuyến đường sắt sẽ kết nối trung tâm Tp.HCM với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, giảm tải cho hệ thống giao thông đường bộ, đặc biệt là cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

Việc kết nối hiệu quả giữa Tp.HCM và sân bay Long Thành sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, tăng cường thu hút đầu tư, phát triển du lịch và dịch vụ logistics. Từ đó dự án tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế địa phương và quốc gia. Trong đó có thị trường bất động sản.

Gần đây, một số dự án bất động sản có vị trí gần với tuyến hạ tầng này liên tục có động thái "đón đầu". Ngoài các dự án dọc các ga thuộc Tp.Thủ Đức (Tp.HCM) hưởng lợi thì các dự án bất động sản thuộc khu vực Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai) cũng đẩy mạnh hoạt động dự án, ăn theo các tuyến hạ tầng trọng điểm.

Chẳng hạn, nằm ngay mặt tiền đường Tôn Đức Thắng (đường 25B ), dự án căn hộ FIATO Airport City của Thang Long Real Group chỉ 10 phút di chuyển đến sân bay Long Thành. Trong tương lai, khi tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành) đi vào hoạt động, việc di chuyển sẽ càng thuận tiện hơn. Gần đây, khi thông tin tuyến đường sắt này chuẩn bị đầu tư, dự án liên tục rục rịch các hoạt động như khai trương căn hộ mẫu, tổ chức các mini event cuối tuần để đón lượng khách đến tham quan dự án.

Tương tự, cùng tuyến đường, dự án SpringVille Nhơn Trạch quy mô gần 40ha đang chọn thời điểm để đẩy thông tin ra thị trường. Dù chưa chính thức ra hàng nhưng các hoạt động nội bộ của dự án đã bắt đầu bám theo thông tin hạ tầng khu vực. 

Các thông tin về tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành chuẩn bị đầu tư, cầu Nhơn Trạch sắp thông xe chính thức hay tuyến tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây mở rộng lên 10 làn xe... liên tục được nhắc đến trong các hoạt động dự án của các chủ đầu tư. 

Có thể thấy, khi tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành được triển khai, các dự án bất động sản gần ga đường sắt sẽ được hưởng lợi trực tiếp. Việc kết nối đi lại thuận lợi sẽ thúc đẩy sự phát triển của các khu đô thị cao cấp, khu phức hợp thương mại và dịch vụ lân cận sân bay. Từ đó gia tăng giá trị đầu tư cũng như nhu cầu ở thực.

Tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành đóng vai trò quan trọng của dự án trong chiến lược phát triển hạ tầng giao thông quốc gia. Dự án được kỳ vọng mang đến những thay đổi tích cực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. Không chỉ tạo ra một hành lang giao thông hiện đại, rút ngắn thời gian di chuyển từ Tp.HCM đến sân bay quốc tế Long Thành xuống chỉ còn khoảng 20 phút mà dự án còn giảm tải giao thông đáng kể cho các tuyến đường bộ hiện hữu, đặc biệt là cao tốc Long Thành – Dầu Giây vốn đang trong tình trạng quá tải.

Đối với hành khách và người dân, tuyến đường sắt mang đến một phương tiện di chuyển an toàn, nhanh và thuận lợi. Hành khách có thể dễ dàng đến sân bay Long Thành mà không còn lo ngại về tình trạng kẹt xe. Dự án còn là động lực thúc đẩy phát triển các khu đô thị vệ tinh và góp phần giảm thiểu ô nhiễm, nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Đặc biệt, tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành sẽ là đòn bẩy quan trọng để thu hút đầu tư. Việc kết nối trực tiếp từ trung tâm tài chính Thủ Thiêm đến sân bay quốc tế Long Thành không chỉ thúc đẩy hoạt động thương mại, du lịch mà còn tạo điều kiện cho việc hình thành các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp mới dọc hành lang tuyến đường.

Tuyến đường sắt 3,5 tỉ USD nối Tp.HCM với sân bay Long Thành liên tục thúc tiến độ đầu tư, động thái của các dự án BĐS quanh tuyến mới đáng nói- Ảnh 3.

Các dự án bất động sản quanh tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành liên tục đó động thái "đón đầu" khi hạ tầng này được xúc tiến để khẩn trương đầu tư. Ảnh: Minh hoạ

Theo TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, việc khai thác và đồng bộ hóa các tuyến đường sắt đô thị như Thủ Thiêm – Long Thành sẽ tạo ra sức bật thực tế và khả thi hơn nhiều cho mạng lưới giao thông vùng. Đó không chỉ là giải pháp kết nối hàng không, mà là chiến lược phát triển hạ tầng vận tải của cả vùng đô thị TP.HCM mở rộng. Vì thế, việc tổ chức kết nối giao thông thuận tiện đến sân bay Long Thành là một nhiệm vụ cấp thiết, song cũng không thể vội vàng mà cần được cân nhắc kỹ lưỡng và đặt trong một chiến lược giao thông tổng thể.

Còn ông Khương Văn Mười, Nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Tp.HCM nhận định, cần sớm đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành. Theo ông, các đầu mối giao thông hiện đại, từ bến xe đến cảng thủy, đều phải được kết nối hiệu quả nếu muốn nâng cao năng lực di chuyển và giao thương. Sân bay cũng vậy, phải liên kết để người dân và hàng hóa lưu thông thuận tiện, nhanh chóng và bền vững. Hệ thống metro không nên dừng lại ở một tuyến đơn lẻ, mà phải được thiết kế như một mạng lưới giao thông chiến lược, kết nối Long Thành với toàn bộ vùng Tp.HCM mở rộng, từ trung tâm đến các đô thị vệ tinh và ngược lại.

Lộ trình triển khai dự kiến của dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành

Năm 2022-2024: Lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định nội bộ quý 4/2024.

Quý 1/2025: Hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình hội đồng thẩm định nhà nước.

Quý 2/2205: Hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

Quý 1/2026: Hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi, trình phê duyệt dự án.

Quý 2/2026: Tổ chức giải phóng mặt bằng.

Quý 4/2026: Hoàn thành lựa chọn nhà thầu EPC, khởi công dự án.

Quý 4/2026 đến năm 2029: Giai đoạn thi công xây dựng; mua sắm trang thiết bị.

Năm 2030: Dự kiến vận hành thử, khai thác thương mại.