Ùn tắc tại Hà Nội, TPHCM ngốn hàng tỷ USD, đại biểu hiến kế ‘vòng xoay giao thông'

Admin

28/05/2025 21:00

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, cách tổ chức tại vòng xoay ngã 6 Phù Đổng, quận 1, TP HCM có thể áp dụng cho hầu hết các vòng xoay bị ùn tắc ở các đô thị trên cả nước.

Tiếp tục chương trình kỳ họp, ngày 28/5, Quốc hội thảo luận về dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Ùn tắc tại Hà Nội, TPHCM ngốn hàng tỷ USD, đại biểu hiến kế ‘vòng xoay giao thông'- Ảnh 1.

Như thường lệ, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh mang đến hội trường những bức ảnh minh họa sinh động khi phát biểu (Ảnh: QH)

Tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề xuất ý tưởng chống ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn.

Ông cho rằng, nếu giao thông bị tắc nghẽn , đi xe dùng nhiên liệu gì cũng đều phải tiêu hao năng lượng. Ông viện dẫn con số thống kê, chỉ riêng TP HCM đã thiệt hại khoảng 6 tỷ USD, còn Hà Nội khoảng 1 tỷ USD mỗi năm do ùn tắc giao thông. Thực tế trên khiến chi phí logistics tăng cao, tăng giá thành sản phẩm, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Dẫn chứng việc tổ chức giao thông rất tốt và mang lại hiệu quả về nhiều mặt tại vòng xoay ngã 6 Phù Đổng, quận 1, TP HCM , ông Cảnh cho rằng, cách tổ chức tại vòng xoay này có thể áp dụng hầu hết các vòng xoay bị ùn tắc ở các đô thị trên cả nước, bởi giao thông vòng xoay này luôn đông đúc nhưng không xảy ra tắc nghẽn ngay cả vào giờ cao điểm.

Đại biểu đoàn Bình Định phân tích, thay vì để hàng trăm phương tiện tự do di chuyển, các phương tiện sẽ được chia thành 6 khối. Trung tâm điều khiển có thể dễ dàng điều khiển 6 khối phương tiện này thông qua tín hiệu đèn để không xảy ra quá tải, không tắc nghẽn giao thông từ bất kỳ hướng nào.

Từ ví dụ trên, ông Cảnh đề nghị bổ sung quy định Bộ Xây dựng có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức ‘tìm kiếm ý tưởng’ và giải pháp giảm ùn tắc giao thông.

Không để doanh nghiệp ‘ leo núi mà thiếu dây thừng’

Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có ý nghĩa chính trị rất quan trọng đối với cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Đại biểu nêu thực tế, dù ngoài trời rất rét nhưng bên trong tòa nhà sử dụng kính vẫn mở máy lạnh. Theo ông Tuấn, nếu dùng kính cách nhiệt tốt, có dán nhãn năng lượng chuẩn, vừa tiết kiệm điện vừa tránh lãng phí tiền của, trong đó có tránh lãng phí ngân sách Nhà nước.

Cũng theo đại biểu, ở châu Âu, Mỹ, hay Nhật Bản, đã áp dụng dán nhãn năng lượng vật liệu xây dựng từ lâu, việc này không chỉ góp phần tiết kiệm năng lượng mà còn nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, khi triển khai quy định này tại Việt Nam sẽ không tránh khỏi những khó khăn như thiếu tiêu chí, tiêu chuẩn, số lượng phòng thử nghiệm đạt chuẩn còn ít…

Từ đó, ông đề xuất khi dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng, Chính phủ cần ban hành lộ trình dán nhãn bắt buộc cho một số vật liệu xây dựng có ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ điện như kính xây dựng, vật liệu cách điện …

Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam về hiệu suất năng lượng đối với vật liệu xây dựng đồng bộ với tiêu chuẩn quốc tế, xã hội hóa hoạt động thử nghiệm. “Không để doanh nghiệp leo núi một mình mà thiếu dây thừng", ông Tuấn cho hay.

Bạn đang đọc bài viết "Ùn tắc tại Hà Nội, TPHCM ngốn hàng tỷ USD, đại biểu hiến kế ‘vòng xoay giao thông'" tại chuyên mục Đầu tư. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).