Giám đốc World Bank: ‘Để trở thành nền kinh tế thu nhập cao, Việt Nam phải thành công ở khía cạnh nhiều quốc gia khác thất bại trong nửa thế kỷ qua'

Admin

22/05/2025 20:02

Theo Giám đốc phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào, Ngân hàng Thế giới, khát vọng trở thành quốc gia có thu nhập cao của Việt Nam được xây dựng trên một nền tảng vững chắc. Gần 40 năm sau Đổi Mới, Việt Nam đã đạt được những bước tiến ấn tượng về tăng trưởng và giảm nghèo.

Trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng, ngày 22/5, Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố hai báo cáo "Đột phá: Thể chế cho một Tương lai Thu nhập cao" và báo cáo "Tăng trưởng Xanh hơn: Con đường Hướng tới Tương lai Bền vững", được thực hiện với sự hỗ trợ của Chính phủ Australia.

Hai báo cáo cũng nằm trong chuỗi nghiên cứu của World Bank tại Việt Nam, tập trung phân tích các lựa chọn chính sách và đầu tư quan trọng cần thực hiện để đạt mục tiêu phát triển dài hạn.

Phát biểu khai mạc, bà Mariam J. Sherman – Giám đốc phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết, trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng, Việt Nam đặt cho mình hai mục tiêu lớn: Trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045 – đúng dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Nước.

"Để hoàn thành mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao, Việt Nam cần phải thành công ở khía cạnh mà nhiều quốc gia khác đã thất bại trong nửa thế kỷ qua", Giám đốc World Bank nhấn mạnh.

Bà Mariam thông tin, tính từ năm 1990, chỉ có 34 quốc gia và vùng lãnh thổ chuyển đổi thành công lên nhóm thu nhập cao. Phần lớn các quốc gia đạt được thành công này thông qua gia nhập Liên minh châu Âu hoặc nhờ vào lợi thế tài nguyên thiên nhiên.

"Tuy nhiên, khát vọng của Việt Nam được xây dựng trên một nền tảng vững chắc", Giám đốc World Bank nhận định. Bà chỉ ra, gần 40 năm sau Đổi Mới, Việt Nam đã đạt được những bước tiến ấn tượng về tăng trưởng và giảm nghèo.

Theo đó, GDP bình quân đầu người đã tăng gấp 6 lần theo giá trị thực - hơn gấp đôi mức trung bình của các quốc gia có trình độ phát triển tương đương vào thời điểm bắt đầu Đổi Mới. Thành tựu này đã giúp hàng triệu người dân thoát nghèo, đưa tỷ lệ nghèo cùng cực từ khoảng 50% dân số xuống dưới 1% – một trong những tốc độ giảm nghèo nhanh nhất trong lịch sử.

Để đạt được mục tiêu đó, hai trụ cột quan trọng cần lưu tâm là hiện đại hóa thể chế và thúc đẩy tăng trưởng xanh, được thể hiện qua hai báo cáo được công bố. 

Giám đốc World Bank: ‘Để trở thành nền kinh tế thu nhập cao, Việt Nam phải thành công ở khía cạnh nhiều quốc gia khác thất bại trong nửa thế kỷ qua'- Ảnh 1.

Sự kiện công bố báo cáo của World Bank

Trước "khát vọng lớn" trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Kinh tế Tài chính, Bộ Tài chính nhấn mạnh: "Khi nhắc đến thể chế, tại kỳ họp thứ 8, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ, thể chế chính sách là điểm nghẽn của điểm nghẽn, nếu không kịp thời sẽ làm chậm nhịp phát triển".

"Ý thức sâu sắc điều đó, Đảng và Nhà nước đã dành ưu tiên cao nhất cho cải cách thể chế, từ đơn giản hoá thủ tục hành chính, phân cấp phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao chất lượng, xây dựng hệ thống chính trị, chính sách pháp luật. Chính phủ cũng đã từng bước tinh gọn, tổ chức lại đơn vị hành chính", lãnh đạo Bộ Tài chính thông tin. 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Như Quỳnh chỉ ra, trên thực tế vẫn còn không ít rào cản về thủ tục hành chính, thực thi chính sách chưa đồng đều, bộ phận cán bộ công chức còn hạn chế, yếu kém về năng lực, thiếu trách nghiệm với nhân dân. Trong bối cảnh đó, việc học hỏi từ thế giới không còn là lựa chọn mà là nhu cầu cấp thiết.

Về mục tiêu tăng trưởng xanh, tại COP26 năm 2021, Việt Nam đã cam kết mục tiêu phác thải ròng bằng 0. Đây có thể coi là cam kết lịch sử thể hiện quyết tâm, mạnh mẽ trong biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. Ngay sau cam kết này, nhiều chính sách quan trọng đã được ban hành.

Tuy nhiên, con đường hướng tới mục tiêu NET ZERO không dễ dàng và cũng là thách thức rất lớn với Việt Nam. Là quốc gia đang phát triển, kinh tế Việt Nam vẫn dựa nhiều vào các ngành công nghiệp, khai thác tài nguyên, sử dụng năng lượng hoá thạch, công nghệ carbon còn hạn chế. 

"Vì vậy, những nghiên cứu có vai trò hết sức quan trọng, là nguồn tham khảo có giá trị cho các bộ ngành trong việc xây dựng lộ trình phù hợp để Việt Nam thực hiện cam kết NET ZERO một cách công bằng", ông Nguyễn Như Quỳnh nhấn mạnh.