Năm nay có lo thiếu điện?

Admin

01/05/2025 20:30

Nhiều dự án điện đã được hoàn thành và đưa vào khai thác, vậy năm nay có còn mối lo thiếu điện diện rộng?

Theo ông Nguyễn Thế Hữu, Phó Cục trưởng Cục Điện lực (Bộ Công Thương), để đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội nhằm đạt mục tiêu tăng tưởng kinh tế từ 8% trở lên, dự báo tăng trưởng phụ tải điện cả năm 2025 phải đạt 12,2% so với năm 2024.

Tính theo sản lượng điện thương phẩm ước khoảng 300,9 tỷ kWh (phương án dự phòng lên tới 305,6 tỷ kWh nhằm đáp ứng kịch bản tăng trưởng cao). Công suất phụ tải cực đại toàn hệ thống dự kiến đạt 54.510 MW (tăng 11,35% so với năm 2024 là 48.950MW).

Năm nay có lo thiếu điện?- Ảnh 1.

Nguồn điện được dự đoán cung ứng đủ cho người dân và nền kinh tế trong năm 2025. (Ảnh minh họa)

Về cơ bản, Bộ Công Thương đánh giá việc cung cấp điện trong năm 2025 đã được các đơn vị chuẩn bị tương đối tốt. Ngay cả người dân cũng đã tham gia tích cực vào tiết kiệm điện.

“Năm 2024, nhu cầu điện tăng gần 10% nhưng công suất phụ tải cực đại chỉ tăng hơn 7%. Đây là dấu hiệu cho thấy người dân, doanh nghiệp đã có ý thức tốt trong việc dịch chuyển các nhu cầu sử dụng điện chưa thật cần thiết ra khỏi những khung giờ phụ tải cao. Điều này góp phần giảm áp lực cho việc cung cấp điện, tạo điều kiện cho hệ thống điện vận hành hiệu quả, kinh tế hơn”, ông Hữu nói.

Tuy nhiên, do nhu cầu phụ tải mùa khô tiếp tục tăng cao nên hệ thống điện vẫn tiềm ẩn những nguy cơ đối với cân bằng cung-cầu điện, đặc biệt là khu vực miền Bắc và miền Nam. Ngoài ra, diễn biến thời tiết khó lường, không theo quy luật cùng với những biến động trong môi trường quốc tế có thể tác động lớn đến Việt Nam nói chung và công tác bảo đảm cung cấp điện nói riêng.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực EVN Võ Quang Lâm thông tin: Thời tiết đầu năm mát mẻ khiến phụ tải điện tăng chậm. Trong quý I, sản lượng điện thương phẩm đạt 63,645 tỷ kWh, tăng khoảng 4,43% so với cùng kỳ năm trước.

Nhưng xu hướng phụ tải tiếp tục tăng cao trong mùa khô và mùa nắng nóng sắp tới. Những ngày vừa qua, cả nước, đặc biệt là khu vực miền Bắc và miền Nam đang trải qua đợt nắng nóng với nhiệt độ tại nhiều địa phương đã chạm ngưỡng 38 độ C. Điều này dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tăng vọt, đặc biệt là điện sinh hoạt và điện cho làm mát.

"Đây là áp lực không nhỏ đối với hệ thống điện quốc gia, từ khâu phát điện, truyền tải cho đến phân phối điện", ông Lâm nói.

Theo ông Lâm, EVN đã chủ động xây dựng các kịch bản cung ứng điện phù hợp với mọi tình huống - kể cả khi nhu cầu điện tăng trưởng tới 12 - 13% nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

"Mục tiêu của tập đoàn trong năm 2025 là khởi công 208 dự án; hoàn thành đóng điện 281 dự án lưới điện từ 110 - 500kV. Hiện EVN đang triển khai 10 dự án nguồn điện, với tổng công suất khoảng 8.800 MW. Trong đó tập trung hoàn thành các dự án trọng điểm như: Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I, đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên, đường dây 500/220kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín, đường dây cấp điện lưới quốc gia cho huyện Côn Đảo…", ông Lâm thông tin.

" Tuy nhiên, để đảm bảo điện cho mùa nắng nóng, không thể chỉ dựa vào nỗ lực của ngành Điện lực, mà cần sự đồng hành, chia sẻ, phối hợp chặt chẽ từ người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội ”, ông Lâm nhấn mạnh.

Trong khi đó, mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu các Cục, Vụ chức năng và các doanh nghiệp phải bảo đảm cung cấp an toàn tuyệt đối điện năng cho nền kinh tế đất nước, đặc biệt là những tháng mùa khô.

TS. Ngô Tuấn Kiệt, Viện trưởng Viện Công nghệ Năng lượng, cũng bày tỏ sự lạc quan về nguồn cung điện năm nay.

Theo ông Kiệt, sắp tới nhiều công trình điện sẽ hoàn thành như: Nhơn Trạch 3-4; Vũng Áng 2 và Quảng Trạch. Bên cạnh đó, Nhà máy thủy điện Hòa Bình 2 mở rộng cũng đang khẩn trương xây dựng và hoàn thành vào cuối năm.

Ngoài ra, vào cao điểm nắng nóng, việc người dân chủ động phát triển nguồn điện tự sản, tự tiêu ngày càng trở nên phổ biến.

“Với những yếu tố trên nên theo dôi nguy cơ thiếu điện khó xảy ra, hoặc nếu có thì chỉ là cục bộ do quá tải nhưng sẽ không đáng kể. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà chúng ta chủ quan, ngành điện lực vẫn phải chủ động các phương án đề phòng cho mọi tình huống, còn người tiêu dùng cũng cần phải nâng cao ý thức tiết kiệm điện”, ông Kiệt nói.

Hoàn thành nhiều công trình lưới điện, chuẩn bị cho mùa cao điểm

Theo EVN, trong quý I, các đơn vị đã khởi công 37 công trình, điển hình như: Dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên; Dự án thủy điện tích năng Bác Ái; thủy điện Hòa Bình mở rộng; nhiệt điện Quảng Trạch 1; dự án cấp điện bằng cáp ngầm cho huyện Côn Đảo...

Hoàn thành đóng điện 57 công trình lưới điện từ 110 đến 500kV (trong đó có 1 dự án 500kV, 4 dự án 220kV và 52 dự án 110kV) như: Đường dây 500kV Monsoon - Thạnh Mỹ; đường dây 220kV Nhiệt điện Hải Dương - trạm biến áp 500kV Phố Nối…

Nhiều dự án truyền tải quan trọng cũng đã được Thủ tướng, địa phương chấp thuận chủ trương đầu tư như: các trạm biến áp 500kV Nam Định, Quỳnh Lưu, Lao Bảo; trạm cắt Quảng Trị, Bình Định và các đường dây đấu nối; đường dây 500kV Hải Phòng - Thái Bình, đường dây 220kV trạm biến áp 500kV Long Thành - công nghệ cao...


Bạn đang đọc bài viết "Năm nay có lo thiếu điện?" tại chuyên mục Kinh tế. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).