Ngành giống cây trồng trước cơ hội bứt phá nhờ công nghệ và đổi mới sáng tạo

Admin

09/05/2025 17:00

Theo các chuyên gia, đổi mới công nghệ không chỉ giúp đảm bảo an ninh lương thực mà còn phát triển các giống cây chất lượng cao, có khả năng chống chịu tốt trước biến đổi khí hậu.

Theo Hội Giống cây trồng Việt Nam, ngành trồng trọt những năm qua đạt nhiều thành tựu, riêng năm 2024 kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 62,5 tỷ USD, trong đó gạo đạt kỷ lục 9 triệu tấn. Đến nay, cả nước có 1.008 giống cây trồng được công nhận, bao gồm lúa, ngô, cây ăn quả, cây công nghiệp và rau hoa.

Việc đổi mới công nghệ chọn tạo giống giữ vai trò then chốt trong nâng cao năng suất, đảm bảo an ninh lương thực và thích ứng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, công tác này vẫn đối mặt với nhiều thách thức như mất cân đối nghiên cứu giữa các nhóm cây, hệ thống sản xuất giống còn manh mún và tỉ lệ sử dụng giống chuẩn vẫn thấp, nhất là tại ĐBSCL.

Hợp tác chặt chẽ trong phát triển giống và công nghệ giống

Trong bối cảnh đó, ngày 9/5, Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Đổi mới công nghệ chọn tạo giống cây trồng trong doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu" đã được diễn ra.

Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Nguyễn Thị Trà My - Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN, Chủ tịch HĐQT Vinaseed nhấn mạnh: "Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thị trường cạnh tranh, người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn thì giống, công nghệ giống chính là điểm khởi đầu của chuỗi giá trị".

Ngành giống cây trồng trước cơ hội bứt phá nhờ công nghệ và đổi mới sáng tạo- Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Trà My - Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN, Chủ tịch HĐQT Vinaseed phát biểu khai mạc sự kiện.

Do đó, Tập đoàn PAN rất quan tâm đến các hướng tiếp cận mới như chọn giống nhanh, chỉnh sửa gen, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ sinh học. Không chỉ ở chiến lược mà còn là hành động cụ thể, thực tế.

Phát biểu tại sự kiện, ông Cao Đức Phát - Chủ tịch Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) nhấn mạnh, ngành giống cây trồng Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, đòi hỏi phải đồng thời triển khai các giải pháp trọng tâm, từ đổi mới chính sách theo hướng thị trường đến tăng cường ứng dụng công nghệ để nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật.

Tuy vậy, ông cũng cho rằng đây là thời điểm đặc biệt khi cơ hội mới đang mở ra: "Thật may, chúng ta cũng đang đứng trước những cơ hội mới, to lớn. Ở trong nước, quyết tâm của Đảng và Nhà nước về đổi mới và phát triển khoa học công nghệ đang dần tạo ra xung lực mới", ông Phát nói.

Ngành giống cây trồng trước cơ hội bứt phá nhờ công nghệ và đổi mới sáng tạo- Ảnh 2.

Ông Cao Đức Phát - Chủ tịch Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI).

Đồng quan điểm, ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam khẳng định, công nghệ đóng vai trò then chốt trong việc chọn tạo giống mới. Theo ông, đổi mới công nghệ không chỉ giúp nâng cao năng suất, mà còn đảm bảo an ninh lương thực và phát triển các giống cây có chất lượng cao, khả năng chống chịu tốt trước biến đổi khí hậu.

Ông Long cũng nhấn mạnh, việc ứng dụng AI và công nghệ chỉnh sửa gen trong chọn tạo giống là hướng đi quan trọng, góp phần tái cấu trúc nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm và xây dựng thương hiệu quốc gia cho giống cây trồng Việt Nam.

Vai trò của doanh nghiệp trong chọn tạo giống cây trồng

Trong bối cảnh nông nghiệp hiện đại hóa, doanh nghiệp ngày càng khẳng định vai trò trung tâm trong công tác chọn tạo giống cây trồng. Ông Nguyễn Đình Trung – Phó Tổng Giám đốc Vinaseed chia sẻ: "Doanh nghiệp ngày càng có vai trò quan trọng trong hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ chọn tạo giống cây trồng tại Việt Nam".

Theo thống kê năm 2024, hơn 60% giống cây trồng được công nhận là do doanh nghiệp trong nước nghiên cứu và đề xuất. Đây minh chứng rõ nét cho năng lực và đóng góp của khu vực tư nhân.

Hiện các doanh nghiệp chủ yếu áp dụng các phương pháp truyền thống như lai hữu tính, chọn lọc phả hệ với lúa; tạo dòng thuần, ứng dụng ưu thế lai với ngô và rau. Một số đã bước đầu ứng dụng công nghệ sinh học như lai trở lại và gây nhiễm nhân tạo để nâng cao hiệu quả chọn tạo.

Ngành giống cây trồng trước cơ hội bứt phá nhờ công nghệ và đổi mới sáng tạo- Ảnh 3.

Theo các chuyên gia, đổi mới công nghệ không chỉ giúp đảm bảo an ninh lương thực mà còn phát triển các giống cây chất lượng cao, có khả năng chống chịu tốt trước biến đổi khí hậu.

"Dù có lợi thế về tài chính, cơ sở vật chất và khả năng định hướng linh hoạt, doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều thách thức như thiếu nguồn gen, nhân lực chuyên môn, chi phí nghiên cứu cao và rủi ro từ thị trường lẫn biến đổi khí hậu", ông Trung nói.

Vì vậy, doanh nghiệp đề xuất Nhà nước cần xây dựng chính sách đồng bộ hơn, bao gồm ưu đãi tài chính, hỗ trợ đào tạo, cải cách pháp lý và thúc đẩy hợp tác công – tư nhằm tạo động lực phát triển giống cây trồng chất lượng cao, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.

Trao đổi với phóng viên bên lề sự kiện, bà Nguyễn Thị Trà My – Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN, Chủ tịch HĐQT Vinaseed cho biết, việc tiên phong trong chọn tạo giống cây trồng không chỉ là trách nhiệm của ngành mà còn là nhiệm vụ mang tầm quốc gia liên quan đến giống và an ninh lương thực. "Đây là lý do tại sao Tập đoàn PAN luôn chú trọng đổi mới sáng tạo, R&D và phát triển bền vững để nâng tầm nông nghiệp Việt", bà nói.

Ngành giống cây trồng trước cơ hội bứt phá nhờ công nghệ và đổi mới sáng tạo- Ảnh 4.

Bà Nguyễn Thị Trà My – Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN, Chủ tịch HĐQT Vinaseed.

Theo bà Trà My, Nghị quyết 57 là một cú hích, tạo động lực lớn không chỉ với PAN mà còn với nhiều doanh nghiệp trong ngành. Trước đó, Tập đoàn PAN đã dành nhiều nguồn lực cho nghiên cứu và hợp tác quốc tế, nhưng khi nghị quyết được ban hành, bà Trà My tiết lộ đã và sẽ đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho nghiên cứu, phát triển giống cây trồng, mục tiêu chọn tạo ra nhiều sản phẩm tốt, đặc biệt là giống lúa từ đó tạo ra những sản phẩm gạo cao cấp,mở rộng xuất khẩu sang các thị trường quốc tế khó tính.

Đại diện Tập đoàn PAN cũng nhấn mạnh rằng, hiện giống cây trồng do doanh nghiệp tư nhân phát triển chiếm khoảng 60%, được nông dân chấp nhận nhờ hiệu quả thực tế và năng suất cao. Tuy nhiên, để phát huy tối đa hiệu quả, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ chính sách từ các bộ, ngành. đặc biệt là cơ chế hợp tác với nông dân.

"Nếu chúng tôi có sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý, việc đồng hành cùng nông dân sẽ hiệu quả hơn, từ đó mang lại lợi ích thiết thực cho bà con", CEO PAN chia sẻ.

CEO Tập đoàn PAN: Đưa dấu ấn Việt Nam lên kệ hàng quốc tế

Bà My cũng chia sẻ thêm về hợp tác ba bên trong khuôn khổ dự án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải do Chính phủ triển khai. Kết quả từ các vụ lúa gần đây cho thấy chi phí đã giảm tới 28%, trong khi năng suất vẫn được đảm bảo. Để đẩy nhanh hơn nữa quá trình đổi mới sáng tạo, bà My cho rằng cần có cơ chế giúp doanh nghiệp tận dụng nguồn lực hiện có tại các viện, vụ từ nhân lực đến thiết bị.

"Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau. Chúng tôi vừa muốn đi nhanh, vừa muốn đi xa. Do đó, Nghị quyết 57 sẽ giúp chúng tôi hiện thực hóa mục tiêu đó, để nhanh chóng nâng tầm nông nghiệp Việt Nam", bà Trà My khẳng định.

Bạn đang đọc bài viết "Ngành giống cây trồng trước cơ hội bứt phá nhờ công nghệ và đổi mới sáng tạo" tại chuyên mục Đầu tư. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).