Tiêu thụ nước ngọt tăng "phi mã", cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt để giảm gánh nặng y tế

Admin

09/05/2025 16:14

Đại biểu Quốc hội cho rằng sử dụng đồ uống có đường tại Việt Nam đang tăng mạnh, lâu dài sẽ tạo gánh nặng về y tế.

Thảo luận tại hội trường ngày 9-5 về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đại biểu Lê Hoàng Anh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, không đồng tình với phương án giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml xuống 8%, áp dụng từ năm 2027 và đến năm 2028 tăng lên 10%.

Tiêu thụ nước ngọt tăng "phi mã", cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt để giảm gánh nặng y tế- Ảnh 1.

Đại biểu Lê Hoàng Anh phát biểu tại hội trường. Ảnh: Phạm Thắng

Theo ông Lê Hoàng Anh, việc lùi thời hạn áp thuế và hạ mức thuế suất là chưa đúng mục tiêu xây dựng dự án luật, chưa phù hợp với chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Thông báo 176 của Văn phòng Trung ương Đảng về việc đặt sức khỏe và chăm sóc sức khỏe nhân dân là chiến lược ưu tiên hàng đầu.

"Về lập luận áp thuế 10% sẽ ảnh hưởng tăng trưởng chỉ đúng trong điều kiện lý tưởng, trong khi Việt Nam đang phải đối mặt với đại dịch thầm lặng là "bệnh không lây nhiễm""- đại biểu Lê Hoàng Anh nói.

Vị đại biểu cũng trăn trở khi cả nước hiện có hơn 21 triệu người trưởng thành mắc các bệnh về tim mạch, tương đương gần 1/4 dân số cả nước. Trong đó 200.000 người chết mỗi năm vì bệnh này. Hơn 5 triệu người Việt sống chung với tiểu đường, 40% trẻ em thành thị thừa cân béo phì.

"Đồ uống có đường không có giá trị dinh dưỡng đáng kể nhưng lại được tiêu thụ ngày càng nhiều, có nguy cơ gia tăng ung thư. Tính đến 2024, Việt Nam có hơn 360.000 người đang mắc "án tử" ung thư, mỗi năm có khoảng 180.000 ca mắc mới, trong đó hơn 120.000 ca tử vong. Tỉ lệ tử vong do ung thư hơn 73,5%, cao hơn rất nhiều trung bình so với toàn cầu"- vị đại biểu đoàn Gia Lai nêu thực trạng.

Trong khi đó, tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam đã tăng phi mã, từ 1,59 tỉ lít năm 2009 lên 6,67 tỉ lít năm 2023, tương ứng tăng 420%.

Theo đại biểu Lê Hoàng Anh, đây không chỉ là chính sách thuế mà là còn lựa chọn chiến lược của các quốc gia có trách nhiệm. Ông cũng cho biết một số quốc gia trong khu vực đã có các chính sách thuế mạnh mẽ với mặt hàng này.

Theo đó, Thái Lan áp thuế từ 2017, ngay sau đó lượng tiêu dùng mặt hàng này đã giảm, Philippines, Malaysia thu hàng tỉ USD thuế từ đồ uống này và giảm tỉ lệ bệnh tật; Brunei cũng đang áp thuế cao hơn Việt Nam.

"Nếu hôm nay không hành động, ngày mai chúng ta sẽ phải trả giá bằng ngân sách chi cho chăm sóc sức khỏe"- đại biểu lo ngại và nhấn mạnh việc áp thuế đủ mạnh cũng phù hợp với cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia về phát triển bền vững.

Do đó, ông đề nghị không giảm mức thuế xuống 8% mà giữ mức 10% và không lùi thời hạn, áp dụng ngay từ năm 2026. "Đây không chỉ là câu chuyện về đường mà còn là đạo đức. Đằng sau một sản phẩm hấp dẫn vị giác là hệ lụy về sức khỏe và những câu chuyện đau lòng về môi trường. Đây không chỉ là câu chuyện của ngành y tế, của chính sách thuế để tăng ngân sách, điều chỉnh hành vi tiêu dùng, mà còn là lời nhắc về trách nhiệm đạo đức của từng cá nhân, từng doanh nghiệp, của cả hệ thống chính trị"- đại biểu Lê Hoàng Anh nói.

Vị đại biểu cũng nhấn mạnh chính sách thuế này không nhắm vào việc cấm đoán mà tạo động lực cho việc lựa chọn sử dụng đúng. Chính sách thuế TTĐB nêu trên với đồ uống có đường sẽ góp phần giảm bệnh tật, giảm gánh nặng y tế.

Nhấn mạnh các sản phẩm liên quan đến sức khỏe của con người, nhất là trẻ em, các quy định để hạn chế sử dụng là cần thiết, song đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội cho rằng khi đưa ra các quy định, cần phải đánh giá kỹ lưỡng.

Ở dự thảo luật này, với chính sách thuế đối với đồ uống có đường, ông Hạ nhìn nhận việc đánh giá tác động chưa kỹ. "Mặc dù về mặt chủ trương, chúng ta cần xây dựng chính sách như vậy, nhưng làm sao phải đầy đủ cơ sở về pháp lý, cơ sở khoa học, cơ sở về thực tiễn"- đại biểu Tạ Văn Hạ nói và đề nghị cần có đánh giá tổng thể từ phía người tiêu dùng, từ phía doanh nghiệp và Nhà nước.

Phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến nghị áp thuế TTĐB để giảm tiêu thụ đồ uống có đường, các báo cáo của Bộ Y tế cũng cho thấy cần thiết phải thực hiện chính sách này.

Bộ trưởng cũng dẫn số liệu cho thấy 6 quốc gia trong khu vực ASEAN đã áp thuế TTĐB đối với đồ uống có đường. Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng Việt Nam cần thiết phải thực hiện việc áp thuế TTĐB với đồ uống có đường sớm hơn, đến nay mới đưa ra chính sách cũng là đã muộn.

Bạn đang đọc bài viết "Tiêu thụ nước ngọt tăng "phi mã", cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt để giảm gánh nặng y tế" tại chuyên mục Đầu tư. Mọi bài vở cộng tác xin gửi về địa chỉ email ([email protected]).